Trước khi "Hoa hồng trên ngực trái" kết thúc, biên kịch gửi lời chào kết


Thứ 5, 09/01/2020 | 08:51


Cùng sự kiện

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy của "Hoa hồng trên ngực trái" mới đây đã có những chia sẻ đầu tiên liên quan tới tình huống gây tranh cãi trong tập phim mới nhất vừa lên sóng.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy của "Hoa hồng trên ngực trái" mới đây đã có những chia sẻ đầu tiên liên quan tới tình huống gây tranh cãi trong tập phim mới nhất vừa lên sóng.

Trong tập 45 "Hoa hồng trên ngực trái", nhân vật Thái (Ngọc Quỳnh) đã hy sinh bản thân để hiến tặng trái tim cho con gái khi bé Bống (Hồng Nhung) gặp sự cố trên bàn mổ.

Hoa hồng trên ngực trái đã đi đến chặng đường cuối cùng.

Tình huống này ít nhiều đã gây ra tranh cãi cho khán giả bởi Thái lúc này đang bị ung thư giai đoạn cuối. Liệu trái tim của một người mang bệnh nặng như vậy có còn phù hợp với bệnh nhân khác hay không? Bên cạnh đó, quá trình Thái chết rồi hiến tạng dường như xảy ra quá nhanh, khiến tình tiết phim trở nên phi logic.

Lên tiếng về tình tiết này, biên kịch Nguyễn Thu Thủy cho biết: "Hoa hồng trên ngực trái là phim có rất nhiều thứ đầu tiên. Đây là phim đầu tiên mà diễn viên gọi điện cho mình, đề nghị cho nhân vật mình sắm vai… được chết.

Lúc đó mình đang thực hiện tập 25, anh Quỳnh (diễn viên Ngọc Quỳnh vào vai Thái - PV) có gọi điện, hỏi về kết cục của nhân vật Thái. Mình nói, nhân vật của anh về sau đương nhiên trả giá, kết cục thảm hại, mất trắng, không chết cũng đi tù, không đi tù cũng bị điên. Và anh Quỳnh đề nghị mình thử nghĩ về phương án Thái được chết, nhưng chết một cách ý nghĩa".

Xuất phát từ nguyện vọng của diễn viên Ngọc Quỳnh, ekip biên kịch đã đưa thêm tình tiết về sự cố trong ca mổ của Bống vào phim, để tạo điều kiện cho nhân vật Thái thực hiện "sứ mệnh" của mình.

Biên kịch Thu Thủy chia sẻ: "Khi Khuê và bà Hồng đều xin được hiến trái tim mình cho Bống, thì bác sĩ đã nói rằng “Không có một nền y khoa nào chấp nhận việc giết một người để cứu một người”. Nhìn Khuê tuyệt vọng đập đầu vào tường để chết, để bác sĩ chấp nhận lấy tim mình, Thái đã có quyết định. Anh cần phải tự chết, để có cơ hội hiến tim cho con mình.

Và vì thế, mình đã quay ngược kịch bản, để cho Thái ở tình thế bệnh nan y. Khi cơ hội sống không còn nhiều, án tử kề sát, việc Thái trao lại sự sống cho con gái, sẽ đỡ đau lòng hơn, và, ở khía cạnh nào đó, theo quan điểm sáng tác của chúng mình, là nhân văn hơn. Để cái chết của Thái, chết không phải là hết. Mà chết, để tái sinh".

Thái hiến trái tim của mình để cứu con gái đang nguy kịch.

Đối với vấn đề gây tranh cãi về việc Thái chưa đến tình trạng bệnh tình nguy kịch, cận kề cái chết hay rơi vào tình huống chết não nhưng vẫn có thể hiến tặng trái tim cho con gái, nữ biên kịch bày tỏ: "Mình và anh đạo diễn đã bàn bạc rất lâu về cách thức thể hiện việc Thái tự tử, nhưng rồi, cuối cùng, lại cắt bỏ. Vì sự thương tâm. Và, có lẽ cũng chẳng cần".

Như vậy, có thể hiểu rằng nhân vật Thái đã chia sẻ về nguyện vọng hiến trái tim cho con gái với Khang (Trọng Nhân) và Bảo (Hồng Đăng) để nhờ vả hai người hoàn thành nốt những quy trình cần thiết được Thái ủy thác sau khi anh tự tử.

Đối mặt với những tranh cãi trong tập 45 vừa qua, biên kịch cho biết: "Như mọi bộ phim mình từng tham gia, Hoa hồng trên ngực trái có những khen chê, có những đón nhận và cả hờ hững, có những chờ đợi và có cả dè dặt nghi ngờ.

Trong những comment của khán giả, có 1 comment mà mình rất thích, “Phim gì mà vô lí y như ngoài đời thế này”, cứ nghĩ đến câu comment ấy mình đều có thể cười và thấy thú vị mãi.

Cùng một chi tiết phim, có người bảo vô lí đùng đùng, mà có người lại đứng hình vì thật quá, gần gũi với trải nghiệm của mình quá. Cùng một việc người cha lựa chọn cái chết để cứu con gái mình, người thấy ấm áp tình phụ tử, lại có người bảo quá nhẫn tâm".

Bên cạnh tình huống y khoa gây tranh cãi này, biên kịch Nguyễn Thu Thủy cũng nói về tấm vé số trúng giải độc đắc xuất hiện gây hồi hộp nhưng sau đó lại biến mất không tăm tích.

Với tư cách là một người sáng tác, nữ biên kịch tâm sự, chị luôn "kiên định tin vào điều này, tin vào sự lạ kì của cuộc sống, tin rằng thứ ta không nhìn thấy không phải là thứ không xảy ra; và tin rằng, mọi điều đều có thể".

Vì thế mới có sự xuất hiện của tờ vé số. "Khi tờ vé số ghé ngang qua câu chuyện, trở thành nỗi quan tâm xem ai là người trúng số, vẫn có người cười bảo, biên kịch thật sự vớ vẩn, cổ súy khán giả đầu tư may rủi.

Nhưng, đứa biên kịch vớ vẩn là mình đây, vào một ngày cuối năm, mua 4 tờ vé số, và trong vòng 5 phút, 2 trong 4 tờ vé số đã trúng luôn đến 2 cái điện thoại, mà còn là đúng cái điện thoại mình mới mua ít ngày trước.

Khi bạn nhìn 3 cái điện thoại y – như – nhau trước mặt mình, bạn sẽ nghĩ được gì, ngoài sự may mắn ngẫu nhiên đầy lạ lùng của cuộc sống?", biên kịch Thu Thủy chia sẻ.

"Đó là lí do mà mình quyết định sẽ có 1 yếu tố trên trời rơi xuống trong phim là tờ vé số. Tờ vé số ấy đi vào câu chuyện, là niềm hi vọng mỏng manh mà Bảo Tuần Lộc tặng cho người đàn bà đang ở tận cùng tuyệt vọng là Khuê, nó trở thành cơ may đổi đời cho người phụ nữ trắng tay, nhưng nó chỉ là muối bỏ bể so với người đang nợ nần chồng chất. Đối diện nó, ai thế nào sẽ định vị hành xử thế ấy.

Và cuối cùng thì, con người, để hạnh phúc, để vững vàng, thì đâu thể trông chờ ở cơ may. Vì thế, Khuê không trúng số, nhưng cô ấy vẫn có kết cục tốt đẹp, vì sự cố gắng, kiên trì đi tới, kiên trì đi tìm giá trị thực sự của mình", chị nói thêm về ý nghĩa ẩn sau tờ vé số sở hữu dãy số độc đắc nhưng Khuê chưa bao giờ được lĩnh tiền.

Cuối cùng, biên kịch Nguyễn Thu Thủy đã gửi lời cảm ơn tới toàn bộ ekip "Hoa hồng trên ngực trái" cũng như những khán giả vẫn luôn theo dõi, ủng hộ bộ phim. Nữ biên kịch nhấn mạnh, chính sự hiện hữu của những khán giả trung thành với nhiều ý kiến trái chiều "phức tạp và đầy thách thức" để những người làm nghề như chị có động lực đi tới.

Vi An 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truoc-khi-hoa-hong-tren-nguc-trai-ket-thuc-bien-kich-gui-loi-chao-ket-a307740.html