Tại sao Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước trong vắt, ngọt lành nhưng không ai dám uống?


Thứ 6, 08/01/2021 | 00:45


Cùng sự kiện

Cố Cung Tử Cấm Thành có hơn 70 miệng giếng, song người trong cung hàng thế kỷ qua không một ai dám uống nước, thậm chí còn không dám "bén mảng" tới .

Cố Cung Tử Cấm Thành có hơn 70 miệng giếng, song người trong cung hàng thế kỷ qua không một ai dám uống nước, thậm chí còn không dám "bén mảng" tới .

Tử Cấm Thành tại Trung Quốc - nơi ẩn chứa vô vàn bí mật.

Cố cung Bắc Kinh tức Tử Cấm Thành là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Được xây dựng vào năm thứ 4 triều đại nhà Minh (1406).

Trải qua sự cai trị của 24 vị hoàng đế, Tử Cấm Thành được mở rộng, chiếm diện tích 720.000m2, gồm hơn 9.000 cung, phòng. Trong đó có hơn 70 giếng nước, phân bố chủ yếu tại các đại điện và hai phía Đông, Tây trong và ngoài hoàn cung.

Thế nhưng ít ai biết rằng, dù nước trong giếng có trong, có ngọt đến đâu, các vị hoàng đế cũng không bao giờ dùng nước trong giếng để ăn, uống.

Mỗi ngày, Hoàng đế đều sai người lấy nước từ nơi có tên là "Ngọc Tuyền viên" ở ngoài cung, sau đó chuyển vào phía Tây của Di Hòa Viên.

Cung nhân nơi này sẽ kiểm tra và nấu số nước được chuyển vào rồi đem đi phân bổ khắp hoàng cung. Thói quen kiêng kỵ nước giếng và chỉ lấy nước ở bên ngoài để dùng từ lâu đã trở thành luật bất thành văn nơi Tử Cấm Thành.

Mồ chôn các phi tần, cung nữ

Các giếng nước trong Tử Cấm Thành. 

Theo hồi tưởng của một thái giám cuối thời nhà Thanh, miệng giếng trong cung từng là nơi kết thúc sinh mệnh của vô số cung nữ.

Nếu may mắn sở hữu vóc dáng đẹp, dung nhan thanh tú và may mắn, một vài cung nữ có thể được Hoàng đế ân sủng, thậm chí còn đổi đời nếu mang long chủng. Tuy nhiên, cơ hội ấy quả thực quá đỗi mong manh.

Do đó, đại đa số các cung nữ đều làm công việc tạp dịch vất vả, thường xuyên bị tần phi trách mắng, bị nữ quan chèn ép. Có không ít người vì không chịu nổi đã tìm cách trốn ra ngoài, một số khác thì quá bế tắc mà nhảy giếng tự vẫn.

Các miệng giếng trong hoàng cung không chỉ là nơi kết liễu sinh mạng của cung nữ, mà còn là chốn cho các cung phi bị thất sủng gieo mình xuống để chấm dứt một phận đời bạc bẽo.

Chưa dừng lại ở đó, giếng trong cung còn là một địa điểm hoàn hảo để giết người diệt khẩu, phi tang thi thể.

Theo cuốn "Nhật ký Gia Sơn", một viên quan đã của Tử Cấm Thành đã ghi lại câu chuyện: Vào đêm trước khi liên quân tám nước tấn công vào Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái hậu trong lúc tháo chạy vì không muốn mang theo Trân Phi – người luôn chống đối mình, đã sai người dìm chết Trân Phi dưới giếng.

Ảnh minh họa vụ việc Trân Phi bị hãm hại.

Có sách ghi, thi thể của Trân phi chỉ được đưa khỏi giếng sau một năm. Sau khi khâm liệm, quan tài được di táng tại Cung nữ mộ địa ngoài Tử Cấm Thành. Tương truyền, chị Cẩn phi sau này đem miệng giếng đục thêm hai lỗ nhỏ và đặt côn sắt khoá ngang, từ đó không sử dụng.

Theo Beijing Attractions, nơi này sau được gọi là Giếng Trân phi, trở thành điểm tham quan hút khách ở Cố Cung. 

Ngoài Trân Phi, trong hậu cung không thiếu cảnh đấu đá, trả thù, vô số cung tần, mỹ nữ, cung nữ bị ép chết hoặc tự tử đều bị đẩy xuống giếng, cuối cùng chết đuối.

Chính vì vậy, nhiều giếng nước trong Tử Cấm Thành trở thành "nấm mồ" chôn thân của những người xấu số nên không ai dám dùng nước lấy từ các nơi này.

Thêm vào đó, thời vua Minh Hiếu Tông, mẹ ruột của ông là Kỷ Thục phi chết bất ngờ, bị đồn là do Vạn Quý Phi thả độc vào trong giếng, dùng nước trong giếng mà chết.

Giếng ngầm trong Tử Cấm Thành đều được kết nối với nhau. Chỉ cần một giếng bị nhiễm độc, nguồn nước ở những giếng khác cũng sẽ bị lây lan, tạo thành uy hiếp đến tính mạng của hoàng đế, hoàng tộc.

Nước giếng sau đó cũng khiến mọi người lo lắng, không dám dùng tùy tiện.

Giếng Trân Phi ngày nay.  Ảnh: Chinareport.com

Chữa cháy trong cung

Có một giả thiết khác về việc nước giếng không được sử dụng trong sinh hoạt, là do Tử Cấm Thành được xây dựng bằng gỗ quý, rất dễ gặp hỏa hoạn do sét đánh hoặc do sơ suất của những người làm trong cung gây ra. 

Mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, người trong cung đều múc nước từ giếng gần đó để ứng cứu kịp thời, có thể nói nước giếng là nguồn chữa cháy hiệu quả nhất trong Tử Cấm Thành lúc bấy giờ.

"Minh sử" có ghi chép, năm Gia Tĩnh thứ 36 và năm Vạn Lịch thứ 25, trong Tử Cấm Thành đã xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn khiến nhiều cung điện bị thiêu rụi, gây ra tổn thất cực kỳ nghiêm trọng.

Do đó, theo các chuyên gia, việc xây dựng và tái tạo lại các công trình tốn rất nhiều chi phí, điều này khiến các nhà cầm quyền phải quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng cháy và chữa cháy, từ đó, những giếng nước trong cung dần trở nên hữu dụng.

Vì vậy, về cơ bản, biệt viện, cung lớn nào cũng đều có giếng nước đề phòng. Nước trong giếng không được phép sử dụng, chủ yếu là để phòng hỏa hoạn.

Tử Cấm Thành là một công trình được xây dựng hầu hết bằng gỗ.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-tu-cam-thanh-co-hon-70-gieng-nuoc-trong-vat-ngot-lanh-nhung-khong-ai-dam-uong-a351908.html