Trung Quốc có 494 vị Hoàng đế, nhưng chỉ 4 người được coi là "Thiên cổ nhất đế"


Chủ nhật, 31/05/2020 | 14:00


Cùng sự kiện

Trung Quốc chứng kiến sự thịnh suy của 24 triều đại với tổng cộng 494 vị hoàng đế, trong đó, để được xưng là "Thiên cổ nhất đế" lại chỉ có 4 người.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc chứng kiến sự thịnh suy của 24 triều đại với 494 vị hoàng đế. Tuy nhiên trong số đó, để được xưng là "Thiên cổ nhất đế" (Hoàng đế tài ba nhất) lại chỉ có 4 người.

Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN)

Nói về Thiên cổ nhất đế chắc chắn phải nhắc ngày đến Tần Thủy Hoàng. Ông là vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Cụm từ "Thiên cổ nhất đế" được Lý Chí dùng để nhận xét về Tần Thủy Hoàng, tuy nhiên hậu thế đối với ông vẫn còn nảy sinh nhiều tranh luận.

Tần Thủy Hoàng luôn được miêu tả như một vị Hoàng đế tàn bạo, người bị ám ảnh bởi các vụ ám sát. Sau này, ông bị các nhà sử học Khổng giáo lên án việc ông cho đốt sách và chôn sống Nho sĩ. Họ cuối cùng đã biên soạn danh sách "Mười tội ác của Tần" để miêu tả sự bạo ngược của Tần Thủy Hoàng.

Tuy nhiên, các sử gia phương Tây nhìn nhận ông là một trong những nhân vật kiệt xuất trong mọi thời đại. Ông chỉ xưng đế sau khi thống nhất hơn 10 năm mà làm cho Trung Hoa thống nhất về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, trở thành một đế quốc lớn thời cổ đại. Ngày nay cái tên "China" hay "Sino" mà người phương Tây dùng để gọi Trung Quốc đều xuất phát từ phiên âm chữ "Tần" (Qin) mà ra.

Hán Vũ Đế Lưu Triệt (156-87 TCN)

Những người tiền nhiệm của Lưu Triệt đã thiết lập được một nền móng tương đối vững chắc, để rồi đến thời một Hoàng đế tài ba như ông, nhà Hán đạt đến trạng thái phồn vinh cực thịnh.

Hán Vũ Đế Lưu Triệt tiến hành một loạt chính sách củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Dưới thời trị vì của ông, nhà Hán đã phát triển lớn về chính trị và quân đội, tiến hành các cuộc xâm lược vào Vệ Mãn Triều Tiên, Dạ Lang, Hung Nô, Nam Việt, Mân Việt, Đông Âu. Ngoài ra, Hán Vũ Đế còn mở rộng ngoại giao, kết thân và thiết lập quan hệ với các nước ở phía tây, mở rộng lãnh thổ phía đông đến bán đảo Triều Tiên, phía bắc đến vùng sa mạc Gobi, phía nam tới miền Bách Việt và phía tây vươn ra tận Trung Á.

Thế nhưng, Hán Vũ Đế là người tương đối mê tín, chính vì thế vào những năm cuối đời của ông đã xảy ra án "Vu cổ chi họa" nổi tiếng trong lịch sử, liên lụy hàm oan đến Thái tử Lưu Cứ, gia tộc Công Tôn và nhiều thành viên trong thân tộc họ Lưu.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, dưới thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt, triều đại nhà Hán rất mạnh và lãnh thổ Trung Quốc khi ấy gần như được mở rộng gấp đôi.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598-649)

Đường Thái Tông Lý Thế Dân là Hoàng đế đời thứ 2 của nhà Đường. Lý Thế Dân chính là người khuyên cha là Lý Uyên khởi binh phản Tuỳ, có công lao đánh dẹp các lộ anh hùng thiên hạ, đem lại cơ nghiệp nhà Đường nên thường được xem như một "khai quốc Hoàng đế" đồng sáng lập Nhà Đường với Đường Cao Tổ.

Mặc dù lên ngôi sau sự biến Huyền Vũ Môn (sự kiện tranh giành quyền lực, Lý Thế Dân đã giết chết hai người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát), nhưng không thể phủ nhận Đường Thái Tông làm một vị Hoàng đế tài ba lỗi lạc.

Đường Thái Tông thường được xem như là hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đại đế của lịch sử Trung Quốc. Nhà Đường dưới thời Lý Thế Dân phát triển về kinh tế và hùng mạnh về quân sự, trở thành đất nước rộng lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nhà Đường khi đó bao quát vùng đất gồm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, một phần Việt Nam và một phần lớn Trung Á kéo dài đến phía đông Kazakhstan.

Đường Thái Tông cũng là người đứng ra hòa giải xung đột giữa các dân tộc phương Bắc. Chính những điều này đã đặt nền móng cho sự thịnh vượng hơn 100 năm của nhà Đường, trở thành triều đại hoàng kim nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Khang Hi (1654-1722)

Khang Hi là Hoàng đế duy nhất trong danh sách này không phải người Hán. Khang Hi là vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh, đăng cơ khi mới 8 tuổi, đến năm 14 tuổi bắt đầu tự mình chấp chính.

Kể từ đó, ông bắt đầu trừ khử gian thần Ngao Bái, tiếp đến là dẹp loạn Tam Phiên, rồi sau loạt chiến tranh và những chính sách tích cực giúp dòng họ Ái Tân Giác La ngồi vững vị trí Hoàng đế ở Trung nguyên.

Khang Hi được đánh giá là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc và được xưng tụng là Khang Hi Đại đế. Dưới thời cai trị của ông, biên giới nhà Thanh mênh mông bát ngát, nhưng các con cháu đời sau của ông lại đánh mất đi không ít.

Khang Hi là Hoàng đế ngồi trên ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc (61 năm) và là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Thời gian tại vị của ông được xem là mở đầu của giai đoạn Khang Càn thịnh thế kéo dài hơn 100 năm. Cháu nội của Khang Hi là Càn Long rất ngưỡng mộ ông, do đó không dám vượt quá số năm trị vì của ông, mà thực hiện việc thiện nhượng.

Hoa Vũ (Theo Toutiao)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-co-494-vi-hoang-de-nhung-chi-4-nguoi-duoc-coi-la-thien-co-nhat-de-a325398.html