+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện vào lớp 1: Phụ huynh học cách để con cái “thuận theo tự nhiên”

    ĐS&PL Thay vì cố tìm cách nhồi nhét kiến thức, hiện nay nhiều phụ huynh đã dần chọn cách “thuận theo tự nhiên” để con dễ dàng tiếp thu kiến thức từ thầy, cô.

    Khác với trước kia, khá nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 không còn cố tìm cách nhồi nhét kiến thức vì sợ thua kém bạn bè mà dần chọn cách thả nổi, cho con cái “thuận theo tự nhiên” để con dễ dàng tiếp thu kiến thức từ thầy, cô.

    Nhiều phụ huynh chọn cách giáo dục "thuận theo tự nhiên", không nhồi nhét, ép buộc con cái.

    Với chị Nguyễn Như Mai (Hà Nội), năm học 2019 – 2020 là năm học khá đặc biệt khi cậu con trai thứ 2 của chị bước vào lớp 1, đánh dấu bước khởi đầu cho 12 năm đèn sách.

    Chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật, chị Mai cho biết, chị khá lo lắng khi cậu con trai nhỏ của mình chính thức học lớp 1. Chị Mai tâm sự, để chuẩn bị cho cậu con trai nhỏ, chị đã từng cho đi học thêm vì lo lắng sợ cháu bước vào lớp 1 sẽ bị choáng ngợp bởi nhiều kiến thức. Tuy nhiên, chỉ sau 4 buổi chị đã cho con nghỉ học thêm vì cháu không thích ứng và kết quả thu được không đáng kể. Sau đó, chị Mai đã dành nhiều thời gian giúp con làm quen bước đầu với những kiến thức cơ bản và bảng chữ cái.

    Theo chị Mai, khác với cách dạy học truyền thống, chị sử dụng phương pháp dạy học bằng trò chơi để tạo nhiều kích thích, sự tò mò, ham học hỏi cho con trẻ. Hiệu quả mà chị thu về từ phương pháp này khá khả quan. Cậu con trai nhỏ của chị ngồi học với mẹ suốt 4 – 5 tiếng mà không thấy chán. Cháu tiếp thu bài nhanh hơn có lẽ nhờ phương pháp vừa học vừa chơi khiến con không bị cảm giác bị ép buộc hay căng thẳng.

    Bên cạnh đó chị Mai cũng cho biết đã dạy con tự chăm sóc bản thân, chia sẻ công việc, giúp đỡ người khác từ những việc nhỏ như lau chùi bàn học, phụ mẹ lấy đồ dùng cần thiết nhằm giúp con hòa nhập tốt, không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm,… trong ngày đầu tới trường.

    Khi được hỏi về những kỳ vọng khi con bắt đầu vào lớp 1, chị Như Mai cho hay: “Tôi rất coi trọng việc học bởi có tri thức mới giúp con người ta khôn lớn trưởng thành và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên tôi không đồng tình với việc nhồi nhét con hay tạo áp lực bắt con phải học quá nhiều thứ dẫn đến quá tải. Khi con vào lớp 1 tôi kỳ vọng cháu sẽ rèn luyện ý thức tự lập, vững vàng và cứng cáp hơn trong cuộc sống.”

    Có cùng quan điểm, chị Nguyễn Chi (Hồ Tùng Mậu, Hà Nội), một phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay cho biết: “Tôi không nặng nề kết quả học hành. Tôi chỉ mong con vui vẻ, hòa nhập, sống đúng với tuổi của bé là được”.

    Là một phụ huynh có con đã trải qua năm đầu của bậc tiểu học, chị Lê Duyên (Hà Nội) đưa ra lời khuyên: “Thực sự, khi có con vào học lớp 1 các phụ huynh không khỏi bỡ ngỡ khi chọn trường học cho con. Họ lo lắng sợ con không hòa nhập được, không theo kịp các chương trình học. Có người còn cấp tốc cho con đi học thêm các khóa luyện chữ, học tiếng Anh, học Toán… Tâm lý là để con theo kịp bạn bè. Rồi họ quan niệm phải chọn trường chuyên, lớp điểm cho con… Chính việc này khiến cho họ mệt mỏi, lo sợ và kéo theo những hệ lụy khác như tạo áp lực cho con trẻ và cho cả chính mình”.

    Theo chị Duyên, các bậc phụ huynh nên để con cái của mình “thuận theo tự nhiên” nên chọn trường gần nhà, đúng tuyến thì mình cho con học. Bởi chương trình học tiểu học đều giống nhau. Có chăng, chỉ là học nâng cao thêm mà thôi.

    Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề về việc chọn trường mà quên đi môi trường giáo dục tại nhà. Chính cách dạy dỗ, hỗ trợ con gia đình mới là nền tảng quyết định tới tính cách, sự phát triển, nhận thức của con, chị Duyên chia sẻ.

    Thanh Tùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-vao-lop-1-phu-huynh-hoc-cach-de-con-cai-thuan-theo-tu-nhien-a291569.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan