Chuyện đi học lại chẳng hề dễ dàng của tử tù bị kết án oan suốt 7 năm


Thứ 5, 26/12/2019 | 09:21


Vào ngày tốt nghiệp, anh Ryan Matthews mặc trang phục cử nhân với dòng chữ “Người bị án oan số 115” in trên cánh tay.

Vào ngày tốt nghiệp, anh Ryan Matthews mặc trang phục cử nhân với dòng chữ “Người bị án oan số 115” in trên cánh tay.

Anh Ryan Matthews tốt nghiệp đại học sau khi được giải oan.

Hôm 14/12, anh Ryan Matthews chính thức tốt nghiệp cử nhân khoa học tại đại học Phụ nữ Texas (Mỹ). Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách đây 15 năm Ryan lại là tử tù, không những thế anh còn là tử tù oan.

Trước đó vào năm 1997, một tên cướp đội mũ trùm mặt đã bắn chết chủ tiệm tạp hóa ở Bridge City (Mỹ). Ngày hôm đó cậu thiếu niên Ryan Matthews mới 17 tuổi không đến Bridge City nhưng xe ô tô của anh giống xe hung thủ theo mô tả của các nhân chứng. Chính vì vậy Ryan bị bắt và anh phải ngồi tù 2 năm rưỡi cho đến ngày xét xử. Cuối cùng Ryan bị kết án tử hình lúc mới 19 tuổi.

Bên ngoài, các luật sư và gia đình kiên trì chứng minh Ryan vô tội. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm ADN trên mũ trùm mặt bỏ lại hiện trường đã giải oan cho Ryan. Ryan được trả tự do năm 2004. Hai tháng sau anh lấy chứng chỉ GED (tương đương bằng tốt nghiệp trung học).

Sau đó Ryan quyết tâm theo học tại đại học Phụ nữ Texas và vừa mới tốt nghiệp vào tháng 12 vừa qua.

Chuyện đi học của Ryan hẳn nhiên không hề dễ dàng. Chị Candice Matthews kể chị đã chứng kiến chồng mình về nhà sau ca làm lúc 12 giờ đêm tại công ty bao bì, sau đó đưa bốn đứa con đi học rồi mới học bài.

Nỗ lực của Ryan đã truyền cảm hứng cho chị của anh là Monique Coleman tiếp tục học lên tiến sĩ. Chị Monique Coleman tiếp tục đi học với mục đích sửa đổi luật pháp về án oan và đưa người bị kết án oan tái hòa nhập.

Được biết Ryan không phải là người duy nhất phải chịu án oan ở Mỹ. Trước đó, một tù nhân có tên Valentino Dixon cũng được trả tự do sau 27 năm ngồi tù oan.

Vụ việc xảy ra vào năm 1991, khi Valentino Dixon mới 17 tuổi thì bị bắt và kết tội sử dụng súng bắn chết người. Dixon luôn kêu oan, xác nhận là có mặt ở hiện trường khi vụ nổ súng xảy ra nhưng không hề nổ súng. Dù vậy, tòa vẫn xử và tuyên phạt tù Velentino Dixon.

Trong tù, Dixon vẽ tranh và thể hiện là người có năng khiếu hội hoạ. Một người quản tù đã đưa cho Dixon bức tranh sân golf và anh đã vẽ lại.

Người quản giáo kia gửi những bức hoạ của Dixon tới tạp chí Golf Digest. Năm 2012, tạp chí này cho đăng những bức vẽ cảnh sân golf rất đẹp của Dixon, đăng một bài tuỳ bút của Dixon và một bài báo về vụ án mạng liên quan đến bản án mà tòa đã tuyên đối với Dixon. Trong bài tuỳ bút của mình, Dixon viết dòng kết: “Có thể có một ngày nào đó tôi được chơi cuộc chơi mà cho tới nay tôi chỉ mới tưởng tượng ra”.

Valentino Dixon bị án oan suốt 27 năm. 

Cuối cùng tổ chức Prison and Justice Initiative của trường đại học Georgetown để ý đến vụ việc này và tiến hành điều tra lại. Họ phát hiện ra cả cảnh sát điều tra lẫn tòa án đều ngay từ đầu cho rằng và muốn rằng Dixon bị coi là thủ phạm. Tất cả đều không có bằng chứng gì khác ngoài mỗi sự xác nhận là Dixon có mặt tại hiện trường. Người bình thường cũng không nghĩ có mặt ở hiện trường chắc chắn là thủ phạm.

Trên người Dixon không có vũ khí, cũng không thấy dấu tích gì của thuốc súng. Hơn nữa, ngay sau khi vụ việc xảy ra và Dixon bị bắt, đã có người tự thú nhận là thủ phạm nhưng cảnh sát và tòa không tin. Mới đây, phiên tòa xét xử người kia được tiến hành và tại đó, người này miêu tả lại chi tiết diễn biến vụ việc, khẳng định đã bắn súng và chuyện này chẳng liên quan gì đến Dixon hết.

Người này còn nhắc lại rằng khi trước anh ta đã công khai thú nhận tội lỗi trên truyền hình nhưng không được cảnh sát và tòa tin. Valentino Dixon được trả tự do ngay, sau 27 năm ngồi tù oan.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-di-hoc-lai-chang-he-de-dang-cua-tu-tu-bi-ket-an-oan-suot-7-nam-a306103.html