+Aa-
    Zalo

    Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì!

    ĐS&PL Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng không có gì là giới hạn cho năng lực của con người. Hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động.

    Nhắn gửi tới những người trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, người lot top 5 nghìn trong danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2020, cho biết không có gì là giới hạn cho năng lực của con người. Hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động!

    Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông trường Đại học Công nghệ, đã vinh dự lọt top 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới với vị trí 5.798. PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Nguyễn Đình Đức 

    Giáo sư Nguyễn Đình Đức (áo đen) được xếp hạng 5.798 trong danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

    Pv: Xin chào GS. Nguyễn Đình Đức, chúc mừng ông được xếp hạng thứ 5.798 trong danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020. Việc được xếp hạng này có ý nghĩa thế nào đối với bản thân Giáo sư?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Tôi rất bất ngờ và cảm thấy tự hào. Đây là sự ghi nhận khách quan và công bằng của cộng đồng khoa học quốc tế về sự hội nhập của các nhà khoa học Việt Nam. Thành công này sẽ cổ vũ tôi và nhóm nghiên cứu, đồng thời cũng là niềm vui của các thế hệ học trò nói riêng và của trường ĐH Quốc gia Hà Nội cùng cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam nói chung.

    Pv: Theo Giáo sư đâu là yếu tố giúp ông nhiều lần lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới? Đặc biệt, năm nay thứ hạng của ông còn cao hơn các năm trước?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi cho rằng trước hết là nhờ sự kiên trì đeo đuổi hoài bão trong khoa học dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và hạn hẹp về kinh phí.

    Hai là phải tiếp cận được với các hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì chỉ có như vậy các kết quả nghiên cứu mới tạo được sự ảnh hưởng với cộng đồng khoa học quốc tế và được các nhà nghiên cứu nước ngoài tham khảo, trích dẫn.

    Ba là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh để thông qua đó tập hợp được lực lượng, phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Điều quan trọng nhất là sự bền bỉ, miệt mài, làm việc quên mình của tôi và các bạn trẻ trong nhóm nghiên cứu trong nhiều năm, nay đã được đền đáp, đơm hoa kết trái.

    Pv: Vậy GS. Nguyễn Đình Đức có đặt mục tiêu sẽ tăng thứ hạng trong những năm tiếp theo không?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Được xếp hạng cao là điều nhà khoa học nào cũng mong muốn. Điều mà tôi hy vọng nhiều nhất là kết quả này sẽ tạo động lực hun đúc hoài bão và sự tự tin của các bạn trẻ trong nhóm nghiên cứu, của các học trò với khoa học, từ đó đào tạo được những cán bộ khoa học thực tài, hội nhập với quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và chấn hưng đất nước. 

    Pv: GS. Nguyễn Đình Đức có thể chia sẻ thêm về những công việc và hoạt động nghiên cứu trong thời gian sắp tới?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Trong thời gian tới, tôi và nhóm nghiên cứu tiếp tục tập trung vào các hướng nghiên cứu mũi nhọn về vật liệu mới như vật liệu penta-graphin, vật liệu auxetic và các vật liệu nano. Đồng thời, nhóm chúng tôi cũng tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu về năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu mới về Machine learning trong nhóm nghiên cứu, gắn với trí tuệ nhân tạo.

    Tôi cũng ấp ủ hoài bão xây dựng những hướng nghiên cứu mạnh về công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật tiên tiến nhất trong xây dựng để đáp ứng những yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cho đất nước.

    Pv: GS. Nguyễn Đình Đức từng được mời làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Clemson (Hoa Kỳ) nhưng lại quyết định trở về Việt Nam, tại sao ông đưa ra quyết định này?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Tôi là người Việt Nam và thế hệ của chúng tôi đã trải qua những năm tháng tuổi thơ vô cùng khó khăn, gian khổ. Vì vậy, mong muốn được đem trí tuệ và công sức của mình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước luôn là hoài bão và lý tưởng của thế hệ chúng tôi.

    Mặc dù việc đưa ra quyết định đó không phải là điều dễ dàng và những năm đầu về nước, để hội nhập với môi trường là rất khó khăn nhưng với sự bền bỉ, kiên trì và say mê với công việc, sau 20 năm nhìn lại, tôi thấy việc trở về quê hương là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn.

    Ngày nay, đất nước chúng ta đang đổi mới, rất năng động và hội nhập mạnh mẽ nên cần nhiều nhân tài. Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ phát triển năng lực bản thân. Vì vậy, các bạn hoàn toàn có thể trở về nước để phát huy tài năng, trí tuệ, cống hiến và thành danh ngay trên quê hương Việt Nam.  

    Giáo sư Nguyễn Đình Đức (đứng giữa) mong muốn có thể đào tạo nhiều nhân tài phục vụ đất nước.

    Pv: GS. Nguyễn Đình Đức đánh giá thế nào về tình trạng chảy máu chất xám hiện nay?

    GS. Nguyễn Đình Đức: CMCN 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức với nhóm nghiên cứu và các trường đại học. Một nhà nghiên cứu có thể đồng thời tham gia nhiều nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu đa quốc gia. Một lẽ đương nhiên là ở đâu có điều kiện và môi trường nghiên cứu thuận lợi, chế độ đãi ngộ tốt sẽ thu hút được nhiều nhà nghiên cứu tài năng. Do đó, việc cạnh tranh, thu hút nhân tài, chảy máu chất xám là lẽ đương nhiên.

    Thực tế, những năm gần đây cho thấy nhiều trường đại đã đầu tư rất mạnh cho việc thu hút Giáo sư giỏi trong và ngoài nước, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Kết quả, trong số các nhà khoa học Việt Nam được ghi danh trên bảng xếp hạng, có rất nhiều nhà khoa học thuộc về các trường này. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta đã nhận thức được vấn đề và dần dần thu hút chất xám.

    Các chuyên gia trong và ngoài nước đều chỉ ra rằng trong bối cảnh CMCN 4.0, con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi của cơ quan, tổ chức. Tôi tin rằng tất cả lãnh đạo trường đại học đều ý thức được vấn đề cốt lõi này và từ đó sẽ có những giải pháp thiết thực để không bị tụt hạng.

    Pv:Là một người đi trước và đạt được nhiều thành tựu lớn trong công tác nghiên cứu khoa học, GS. Nguyễn Đình Đức muốn nhắn gửi gì tới những nhà khoa học trẻ của Việt Nam hiện nay?

    GS. Nguyễn Đình Đức: Để có được thành công, ngay từ bây giờ, các bạn trẻ nên bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Không có gì là muộn và không có gì là giới hạn cho năng lực của con người. Khi bạn chọn được một nhóm nghiên cứu tốt để tham gia, một hướng nghiên cứu tiên tiến hiện đại để đeo đuổi thì nhất định thành công sẽ tới. Hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động!

    Chân thành cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức!

    An Nhiên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-su-nguyen-dinh-duc-hanh-phuc-chi-mim-cuoi-voi-nhung-ai-kien-tri-a346438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan