Hà Nội: Yêu cầu giáo viên sát sao với việc học online của học sinh


Thứ 7, 14/03/2020 | 10:11


Để việc học online trên truyền hình đạt kết quả tốt nhất, giáo viên cần hướng dẫn học sinh lớp 9 và 12 tham dự, ghi chép nội dung và gửi sản phẩm học tập đầy đủ.

Để việc học online trên truyền hình đạt kết quả tốt nhất, giáo viên cần hướng dẫn học sinh lớp 9 và 12 tham dự, ghi chép nội dung và gửi sản phẩm học tập đầy đủ.

Giáo dục & Thời đại đưa tin, thực hiện thông báo số 2510/TB-TU ngày 5/3/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hồ hấp cấp Covid-19, sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài PTTH Hà Nội tổ chức chương trình dạy học trên truyền hình.

Từ ngày 9/3, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu học tập qua truyền hình trên kênh của Đài PTTH Hà Nội. Các bài giảng trên truyền hình chủ yếu nhắm đến các đối tượng là học sinh cuối cấp, cuối bậc học, lớp 9 và lớp 12.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 9 và lớp 12 tham dự đầy đủ các buổi dạy học trên truyền hình.

Sau 1 tuần triển khai, hình thức này đã nhận được sự hào hứng của học sinh và khiến phụ huynh yên lòng trong bối cảnh các trường học đang tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.

Theo Lao động thủ đô, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, sở đã huy động gần 50 cán bộ, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD&ĐT. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 với thời lượng khoảng 40 phút/môn học.

Đối với lớp 9 có 3 môn học gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh; đối với lớp 12 có 9 môn học gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.

Lịch phát sóng cụ thể của từng môn học trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 21/3

Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở GD&ĐT Hà Nội có thể sẽ tiếp tục xây dựng bài giảng để triển khai dạy học trên truyền hình đối với học sinh các khối lớp khác.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT, các nhà trường hướng dẫn các em HS ôn tập, củng cố kiến thức, tự học qua các hình thức ứng dụng CNTT phù hợp với thực tế địa phương, nhà trường.

Hướng dẫn học sinh tham gia học tập có hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8, 9 và lớp 11, 12 trên địa bàn TP.

Nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo để 100% giáo viên các bộ môn của đơn vị nghiên cứu sách giáo khoa, cùng theo dõi bài dạy trên Đài PTTH Hà Nội và các địa chỉ truy cập; trao đổi kinh nghiệm trong tổ nhóm chuyên môn, xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy, gửi bài tập cho học sinh làm và chữa bài cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cập nhật việc học tập của học sinh lớp mình, kịp thời thông báo với nhà trường để khuyến khích, động viên kịp thời những học sinh tích cực, chủ động trong học và làm bài tập, đồng thời thông tin tới cha mẹ học sinh về tình hình học và làm bài tập của học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh lớp 9, lớp 12 tham dự đầy đủ 100% các buổi dạy học trên truyền hình, ghi chép nội dung bài học và hoàn thành, gửi sản phẩm học tập cho giáo viên.

Đối với các môn học thuộc khối lớp còn lại, nhà trường chủ động chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có kế hoạch cụ thể hướng dẫn học sinh tự học, giao nội dung, bài tập và chữa bài cho học sinh, có biện pháp quản lý, kiểm tra, đánh giá quá trình tự học của học sinh.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường, nhà trường có thể tiến hành dạy học Online cho học sinh. Việc dạy học Online phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-yeu-cau-giao-vien-sat-sao-voi-viec-hoc-online-cua-hoc-sinh-a315345.html