Rà soát trách nhiệm của bộ GD&ĐT liên quan tới chương trình, sách giáo khoa


Chủ nhật, 18/10/2020 | 12:06


Cùng sự kiện

Sau khi dư luận có những phản ứng gay gắt về việc sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều có nhiều sạn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ GD&ĐT cần rà soát ngay.

Sau khi dư luận có những phản ứng gay gắt về việc sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều có nhiều sạn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa.

Nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều sẽ được điều chỉnh.

Cần tiếp thu cầu thị, khoa học

Thông báo nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu và liên quan tới mọi gia đình nên trong quá trình đổi mới luôn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện cần được trân trọng, nghiên cứu tiếp thu, phản hồi với tinh thần thực sự cầu thị, khoa học.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một quá trình, được thực hiện theo một lộ trình khoa học trong đó đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một khâu rất quan trọng.

Quốc hội, Chính phủ đã có các nghị quyết; Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định rõ ràng, cụ thể (kể cả về trách nhiệm, thẩm quyền) đối với việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được bộ GD&ĐT phản hồi kịp thời.

Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32, luật Giáo dục (luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2, luật Số 43/2019/QH14.

Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới vừa qua, bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.

Điều chỉnh nhiều nội dung phản giáo dục

Ở một động thái liên quan, trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã yêu cầu hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 (hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGDĐT-GDTH ngày 09/10/2020).

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,...; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà... quà”, “chén”,...

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.

Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020. Bộ GD&ĐT, hội đồng thẩm định và nhóm tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều cho biết, rất trân trọng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các bậc phụ huynh, giáo viên và nhân dân cả nước, đã chỉ ra những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu giáo dục học sinh trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.

Trong thời gian tới, bộ GD&ĐT mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó sách giáo khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và bộ GD&ĐT làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa các lớp học tiếp theo.

Trước đó, bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển sách giáo khoa lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyển sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt vừa qua).

Hương Lan - Thủy Tiên

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (42)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ra-soat-trach-nhiem-cua-bo-gddt-lien-quan-toi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-a342832.html