Cô gái 17 tuổi mới đi học và hành trình chạm tay tới học vị tiến sĩ


Thứ 7, 22/02/2020 | 09:53


Cùng sự kiện

Trong suốt hành trình giáo dục, trở ngại lớn nhất đối với Tara không phải sự thiếu thốn về tài chính mà là những cuộc đấu tranh tinh thần âm thầm và khốc liệt.

Trong suốt hành trình giáo dục của Tara, trở ngại lớn nhất đối với cô không phải là sự thiếu thốn về tài chính mà là những cuộc đấu tranh về tinh thần âm thầm và khốc liệt.

Tara Westover từng là một cô bé không được đến trường cho tới năm 17 tuổi. Ảnh: AP

Tara Westover sinh năm 1986 ở bang Idaho, nước Mỹ. Cô không biết sinh nhật của mình là ngày nào, thậm chí đôi khi bố mẹ cô cũng không nhớ chính xác con gái mình bao nhiêu tuổi.

Thời thơ ấu của Tara gắn liền với bãi phế liệu của bố và ngôi nhà trên đỉnh đồi nằm cạnh những ngọn núi Buck ở Idaho.

Gia đình cô không giàu có nhưng chưa lúc nào rơi vào cảnh túng quẫn. Tuy nhiên, Tara cũng như hầu hết các anh chị của cô không được đến trường bởi bố cô không tin tưởng hệ thống trường công và cho rằng trường học sẽ khiến các con ông xa rời Chúa.

Mẹ cô là một người phụ nữ thông minh và khéo léo nhưng không thể thoát ra khỏi cái bóng của người chồng gia trưởng. Bà làm nghề đỡ đẻ và pha chế thảo dược để kiếm sống. Trong nhiều năm, bà dùng kỹ năng đỡ đẻ của mình để giúp những đứa trẻ ra đời tại nhà. 

Tài pha chế thảo dược cũng giúp bà cứu mạng chồng và các con nhiều lần khi họ bị thương lúc đang làm việc trong bãi phế liệu và công trường xây dựng.

"Tất cả anh em chúng tôi đều không có hồ sơ bệnh án vì chúng tôi được sinh ra tại nhà và không bao giờ đi bác sĩ khi ốm. Chúng tôi không có học bạ vì chúng tôi chưa từng đến trường một ngày nào", Tara nói.

Thời gian trôi qua với Tara không được tính theo ngày tháng, mà tính theo mùa thu hoạch quả - những loại quả được mẹ cô và các anh em cô đóng hộp dự trữ dưới tầng hầm để chuẩn bị cho "ngày tận thế", điều mà cha của Tara tin tưởng.

Trong suốt nhiều năm, anh em nhà Westover là những công dân không tồn tại trong hệ thống chính quyền liên bang.

Tara từng nghĩ mình sẽ mãi mãi ở núi Buck, lấy chồng và sống trên khoảnh đất cha mẹ cô cho như người chị gái của cô, nếu như trong cái thế giới nhỏ của gia đình cô không có một người anh trai, ngày làm việc trên bãi phế liệu, tối miệt mài đọc sách. 

Khi người anh của cô quyết định dự kỳ thi ATC (tương đương với kỳ thi tốt nghiệp trung học) và rời nhà đi học đại học, khát vọng đến trường của Tara thực sự bùng lên.

Tara khi còn nhỏ. Ảnh: Cornerstone

Lái xe 40 dặm để mua cuốn sách luyện thi ATC, Tara dành tất cả những khoảng thời gian cô gom góp được giữa những giờ lượm phế liệu và giúp mẹ làm thảo dược để tự học, tự ôn thi, tự "dắt" mình qua mê cung rối rắm của những kiến thức lạ lẫm. 

17 tuổi, bước chân vào phòng thi cô không biết làm gì với tờ giấy được phát và chỉ bắt đầu làm bài sau khi được giám thị hướng dẫn cách sử dụng tờ giấy thi.

Lần thi thứ nhất cô chỉ được 22 điểm cho 4 môn, nhưng đó là một kết quả kỳ diệu đối với cô, một người không được học. Lần thi thứ hai cô đạt 28 điểm, đủ điểm đỗ vào Đại học Brigham Young, thuộc bang Idaho.

Cô nhập học với vài trăm USD mà cô tích cóp được qua những ngày gom phế liệu. Khi mới nhập trường, toàn bộ nỗi lo của cô là làm sao có thể "qua" được một kỳ học, khi mà cô chẳng biết gì về những điều các giáo sư nói đến, thậm chí trong suốt cả tháng trời cô cứ nghĩ châu Âu là một quốc gia. 

Nhiều kiến thức và khái niệm quen thuộc với những đứa trẻ khác là điều mới mẻ và lần đầu tiên được nghe thấy đối với Tara. Trong buổi học đầu tiên ở trường đại học, cô khiến cả lớp dồn mắt vào mình khi ngây ngô hỏi giáo sư về khái niệm "diệt chủng". Họ chỉ nghĩ rằng cô đang đùa thật vô duyên.

Cô xấu hổ và bàng hoàng khi nhận ra những lỗ hổng kiến thức khổng lồ của mình và lao vào học. Ngày nào cũng vậy, cô học đến 2h sáng để cố lấp các lỗ hổng ấy cho đến khi cô nhận ra mình gặp phải một trở ngại lớn hơn, đó là học phí.

Suốt năm thứ nhất ở trường đại học cô cứ đánh vật với "hai gã khổng lồ" là tiền và những lỗ hổng kiến thức. Số tiền học bổng bán phần có được nhờ nỗ lực học tập phi thường của Tara chẳng giúp cô trụ được bao lâu. Vừa làm chân bảo vệ của một tòa nhà, vừa lau dọn nhà thuê Tara mới có đủ tiền để trang trải cho một năm học.

Nhờ một vị giám mục giàu lòng quan tâm và nhờ áp lực từ một đợt đau răng khủng khiếp, Tara đã dẹp lòng tự trọng và niềm tin tôn giáo mà bố cô đã gieo vào cô sang một bên để xin một khoản trợ cấp của chính phủ dành cho các sinh viên gặp khó khăn.

Không phải lo về tiền, Tara có thể tập trung vào việc học. Những khả năng trong con người cô được đánh thức, suy nghĩ độc đáo của cô tìm được "đường ra". Những bài luận của cô khiến các giáo sư chú ý. 

Cô kết thúc những năm tháng ở trường đại học một cách không hề dễ dàng. Mặc dù được nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc và được nhận vào học cao học ở ĐH Cambridge, Tara vẫn còn bị ám ảnh và nặng trĩu những tư tưởng của bố.

Cô gặp khủng hoảng trong những năm hoàn thành bậc học tiến sĩ. Luận văn của cô không được giáo sư hướng dẫn chấp nhận. Tara quyết định tới gặp tư vấn viên của trường - một quyết định mà sau này cô cho là ‘sáng suốt nhất’ trong quãng thời gian đó.

Cô gái được sinh ra ở đồi dần dần lấy lại tinh thần để hoàn thành nốt con đường học tập của mình. Một lần nữa, luận văn của cô được đánh giá là xuất sắc. Công trình nghiên cứu về lịch sử giáo hội Mặc Môn của cô là những góc khám phá mới mà chưa một ai từng khai thác.

Tara Westover hiện tại. Ảnh: The Australian

Trong suốt hành trình giáo dục có một không hai của Tara, trở ngại lớn nhất đối với cô không phải là sự thiếu thốn về tài chính hay những thách thức của việc "học đuổi", học để lấp những lỗ hổng kiến thức, mà là những cuộc đấu tranh về tinh thần âm thầm và khốc liệt cho quyền được học của một con người trong thế giới văn minh.

Tara đã lựa chọn bước ra thế giới, chọn sống cuộc đời mà cô muốn, chọn trau dồi giáo dục cho bản thân, dù như thế cô phải trả giá bằng việc bị gia đình ruồng bỏ.

Bố mẹ của Tara nói linh hồn cô đã bị quỷ dữ đánh cắp, bị thế giới ngoài kia tẩy não. Họ bắt cô phải chọn giữa gia đình và việc nói lên sự thật. Kể từ đó, Tara không được phép gặp gia đình mình một lần nào nữa.

Trong số 7 anh em nhà Westover, có 3 người đã trái lời bố để đi học. Cả 3 đều đã có học vị tiến sĩ. 4 người anh em còn lại chọn cách ở lại và làm việc cho cơ sở sản xuất dược liệu của bố mẹ. Dĩ nhiên, họ chưa từng được đến trường và không bao giờ chịu đi gặp bác sĩ.

Trong cuốn tự truyện của mình, Tara gọi việc cô từ một đứa bé quanh năm chỉ biết tới ngọn núi Buck trở thành một nhà sử học của Cambridge là "hành trình giáo dục".

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gai-17-tuoi-moi-di-hoc-va-hanh-trinh-cham-tay-toi-hoc-vi-tien-si-a312614.html