Hé lộ danh tính 10 cán bộ ngành giáo dục liên quan đến vụ gian lận thi cử Sơn La


Thứ 7, 29/06/2019 | 01:30


Liên quan đến bê bối gian lận thi cử ở Sơn La, ngoài 8 bị can bị truy tố còn có 10 cán bộ trong ngành Giáo dục khác có liên quan đến nghi vấn nâng điểm thi ở tỉnh này.

Công an đọc quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Nga. Ảnh: Công an Sơn La.

Cụ thể, theo báo Bảo Vệ Pháp Luật, 10 cán bộ ngành Giáo dục liên quan đến gian lận thi cử Sơn La gồm:

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD–ĐT tỉnh Sơn La) thừa nhận: Trước khi chấm thi THPT quốc gia năm 2018, ông có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên Ban chấm thi nhờ giúp đỡ.

Cụ thể: Sau khi tập hợp lại, trực tiếp viết tay thông tin các thí sinh (Họ tên, số báo danh, môn thi, mã đề thi, địa điểm thi và tổng điểm) thành 4 danh sách, ông Hà chuyển cho: Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh và Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nhờ giúp đỡ.

Về động cơ, mục đích: Ông Hà khai, việc tiếp nhận danh sách các thí sinh và chuyển danh sách các thí sinh nêu trên cho một số thành viên Ban chấm thi là để nhờ giúp đỡ “xem điểm thi ” cho những thí sinh này. 

Lý do ông Hà đưa ra là: “Các thí sinh trên, sau khi thi xong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã tự tính toán và dự đoán số điểm các môn đạt được, sau đó gia đình các thí sinh đã trực tiếp hoặc thông qua người khác nhờ ông Hà giúp đỡ xem kết quả chấm thi có đạt được đúng với điểm số dự đoán hay không.

Về lợi ích vật chất: Ông Hà khai không nhận khoản lợi ích vật chất (tiền) nào từ gia đình các thí sinh, đồng thời cũng không chuyển khoản tiền nào cho các thành viên Ban chấm thi mà ông đã nhờ giúp đỡ.

Bà Phạm Thị Thu Huyền - Giáo viên Trường THPT Chuyên Sơn La - cho biết: Trước khi chấm thi, bà Lù Thị Kem - Giáo viên trường Tiểu học Mường Bú, huyện Mường La (Mẹ thí sinh Lò Công Ch.) đến nhà bà Huyền đặt vấn đề nhờ tìm người giúp đỡ nâng điểm thi 3 môn “Toán, Vật lý, Tiếng Anh” được tổng 27,0 điểm để đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Bà Huyền đồng ý và nhận thông tin cá nhân thí sinh này.

Đến ngày 30/6/2018, bà Huyền đến phòng làm việc của ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục trung học - nhờ giúp nâng điểm thi 3 môn “Toán, Vật lý, Tiếng Anh cho thí sinh Lò Công Ch. đạt 27,0 điểm.

Ông Hà đồng ý và yêu cầu bà Huyền cung cấp thêm thông tin mã đề thi từng môn vào tờ danh sách thông tin cá nhân mà bà Huyền đã đưa cho ông Hà. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La, thí sinh Lò Công Ch đạt kết quả 3 môn thi: Toán 8,4 điểm, Vật lý 9,5 điểm, Tiếng Anh 9,2 điểm, đạt điểm so với nguyện vọng nhờ giúp đỡ và trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân.

Bà Huyền được gia đình thí sinh Lò Công Ch. hứa hẹn nếu Ch. đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân thì sẽ cảm ơn (tiền) sau. Tuy nhiên, đến nay bà Huyền vẫn chưa nhận được khoản tiền nào từ gia đình thí sinh này, đồng thời cũng chưa chuyển khoản tiền nào cho ông Nguyễn Ngọc Hà.

Bà Trần Thị Thu Phương, Giáo viên THPT Mộc Ly, huyện Mộc Châu: Trước khi chấm thi THPT quốc gia năm 2018, bà Phương được thí sinh Lê Văn H., gọi điện cung cấp thông tin cá nhân cho bà Phương để nhờ “xem điểm thi”.

Ngày 27/6/2018, bà Phương đến gặp ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục trung học tại phòng làm việc, đưa cho Nguyễn Ngọc Hà tờ giấy viết tay có ghi thông tin cá nhân thí sinh Lê Văn H. để nhờ “xem điểm thi” giúp cho thí sinh này.

Phó trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD - ĐT tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Hương: Trước khi chấm thi THPT quốc gia năm 2018, tình cờ gặp 2 thí sinh: Ngô Đức A. và Lê Văn T. tại cổng Sở GD - ĐT tỉnh Sơn La, 2 thí sinh này đã chuyển thông tin cá nhân cho bà Hương nhờ “xem điểm thi” giúp, biết 2 thí sinh này là đồng hương cùng quê Thanh Hóa nên bà Hương đồng ý. Sau đó, bà Hương đã chuyển lại thông tin cá nhân của 2 thí sinh này cho ông Nguyễn Ngọc Hà giúp đỡ.

Tại cơ quan công an, bà Hương khai không nhận khoản lợi ích vật chất (tiền) nào từ 2 thí sinh nhận giúp đỡ, đồng thời cũng không chuyển khoản tiền nào cho ông Nguyễn Ngọc Hà cũng như thành viên nào khác trong Ban chấm thi.

Bà Dương Thị Đạt - Giáo viên trường THPT Chiềng Sinh, TP Sơn La: Trước khi chấm thi THPT quốc gia năm 2018, bà Đạt được ông Dương Duy Bồng (là chú ruột, trú tại huyện Phù Yên) chuyển thông tin của thí sinh Dương Hải V. và bà Chu Mai Hương  chuyển cho thông tin của thí sinh Phạm Anh D. nhờ giúp “xem điểm”, sau đó bà Đạt tiếp tục chuyển lại cho ông Nguyễn Ngọc Hà nhờ “xem điểm” cho các thí sinh trên.

Tại cơ quan công an, bà Đạt khai mục đích việc tiếp nhận, chuyển danh sách thông tin cá nhân 2 thí sinh là để giúp những thí sinh này “xem sớm kết quả điểm thi”. Sau đó, bà Đạt đã chuyển lại thông tin của các thí sinh cho ông Nguyễn Ngọc Hà là để ông Hà tiếp tục nhờ thành viên Ban chấm thi giúp đỡ “xem điểm thi” cho những thí sinh này, ngoài ra, không có mục đích nào khác.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phù Yên: Trước khi chấm thi THPT quốc gia năm 2018, ông Nguyễn Hồng Hà được bà Đào Thị Nhung - Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Phù Yên - chuyển thông tin cá nhân thí sinh Phạm Xuân D. để nhờ “nâng điểm” cho thí sinh này.

Sau đó, Nguyễn Hồng Hà đã gặp và chuyển lại thông tin cá nhân thí sinh Phạm Xuân D. cho ông Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục - nhờ giúp “nâng điểm thi”. Sau khi có kết quả thi, ông Nguyễn Hồng Hà được Lò Văn Huynh nhắn tin thông báo thí sinh Phạm Xuân D. được Huynh giúp nâng điểm đạt hơn 23,0 điểm.

Kết quả giám định tài liệu xác định: Tờ giấy viết tay thông tin cá nhân thí sinh Phạm Xuân D. chuyển cho Lò Văn Huynh (do bị can Nga giao nộp) là chữ viết tay của ông Nguyễn Hồng Hà. Về động cơ, mục đích: Ông Nguyễn Hồng Hà khai mục đích chuyển thông tin cá nhân của thí sinh Phạm Xuân D. cho Lò Văn Huynh để giúp “nâng điểm thi” cho thí sinh này. Về lợi ích, Nguyễn Hồng Hà khai không được bàn bạc, thỏa thuận tiền hay lợi ích vật chất gì với gia đình thí sinh và bị can Huynh.

Ông Trần Văn Phúc - Hiệu trưởng trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn: Việc ông chuyển thông tin cá nhân 2 thí sinh cho bà Nguyễn Thị Hồng Nga là để nhờ “xem điểm thi” cho các thí sinh và không nhận khoản tiền nào từ gia đình các thí sinh, đồng thời cũng không đưa tiền cho bà Nguyễn Thị Hồng Nga.

Ông Trần Văn Điện - Cán bộ thư viện Trung tâm Giáo dục thường xuyên, TP Sơn La: Việc nhận thông tin cá nhân của 4 thí sinh từ gia đình thí sinh, sau đó chuyển lại cho bà Nguyễn Thị Hồng Nga là để nhờ xem kết quả điểm thi của những thí sinh này đạt bao nhiêu điểm, thí sinh sẽ tính toán, lựa chọn, thay đổi nguyện vọng trường cho phù hợp với điểm số đạt được.

Ngoài việc nhận giúp xem điểm cho thí sinh, ông Điện khai không nhận tiền, lợi ích vật chất từ gia đình thí sinh và cũng không chuyển tiền, lợi ích vật chất cho bà Nguyễn Thị Hồng Nga.

Ông Lê Việt Dũng - Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, TP Sơn La (hiện đã chuyển công tác về trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) khai: Cuối tháng 6/2018, ông Dũng nhận chuyển  thông tin cá nhân của 4 thí sinh là để nhờ “xem trước kết quả điểm thi” cho các thí sinh. Ông không bàn bạc, trao đổi tiền hay nhận hứa hẹn lợi ích vật chất gì từ gia đình các thí sinh và cũng không đưa tiền cho ai khi nhờ giúp xem điểm cho các thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Mai Hà - Giáo viên trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La: đã chuyển thông tin thí sinh Lê Trung H. nhờ giúp “xem điểm trước” cho thí sinh này để gia đình tính toán điều chỉnh xét tuyển nguyện vọng phù hợp. Bà Hà khai, việc nhận, chuyển thông tin cá nhân thí sinh Lê Trung H. chỉ để nhờ “xem điểm trước” và cũng không bàn bạc, thỏa thuận gì về lợi ích vật chất.

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả điều tra, xác minh đối với nhóm đối tượng trung gian, Cơ quan điều tra xác định còn có một số nội dung mâu thuẫn giữa lời khai của một số bị can với một số đối tượng trung gian hoặc giữa đối tượng trung gian này với đối tượng trung gian khác, như: có chuyển thông tin cá nhân thí sinh hay không chuyển; Nhờ xem điểm hay nâng điểm; có đưa tiền hay không đưa tiền?... Đó cũng là những vấn đề sẽ được Công an tỉnh Sơn La tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó theo Vnexpress, ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Các bị can gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ).

Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn một của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của hai cựu cán bộ công an tỉnh... "Khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn 2 của vụ án cũng bắt đầu mở ra", vị này nói.

Bộ GD-ĐT xác định trong 44 thí sinh Sơn La được nâng điểm, người có mức nâng cao nhất tới 26,55 điểm.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-danh-tinh-10-can-bo-nganh-giao-duc-lien-quan-den-vu-gian-lan-thi-cu-son-la-a281863.html