Ở lại nước Mỹ trong dịch Covid-19: Những đêm trắng đắn đo giữ hay bỏ giấc mơ


Chủ nhật, 02/08/2020 | 04:10


Nếu như bản thân tôi có về được Việt Nam nhưng sau khi dịch bệnh kết thúc việc quay trở lại Mỹ để tiếp tục học sẽ có khả năng gặp khó khăn về thủ tục.

Khi dịch Covid-19 bùng phát và trở nên phức tạp, những du học sinh Việt Nam lựa chọn ở lại nước Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh. Cơ hội việc làm bị thu hẹp, nguy cơ lây bệnh và đặc biệt là tương lai chưa xác định... khiến nhiều người ở lại phải đắn đo tiếp tục ở lại thực hiện giấc mơ hay trở về nhà.

PV: Anh có thể chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và những người xung quanh do ảnh hưởng của Covid-19?

Hoa Thái Thạnh: Kể từ khi dịch Covid-19 tại Mỹ bùng phát tới thời điểm hiện tại thì cuộc sống hiện tại của tôi có khá nhiều thay đổi.

Từ một cuộc sống tự do, mọi người có thể đi lại theo ý thích thì bỗng nhiên ai nấy đều phải ở nhà. Ngay từ đầu, việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc hoà nhập của tôi với môi trường sống mới, do bản thân tôi mới sang Mỹ từ tháng 2/2020. Việc phải học online khiến bản thân tôi không có nhiều cơ hội để tiếp xúc và tìm hiểu cuộc sống, văn hoá của người bản xứ.

Việc phải ở nhà khiến tôi bị stress. Mọi kế hoạch của tôi bị chệc hướng vì bản thân dự định sẽ tìm công việc làm thêm nếu muôn tăng thu nhập và tạo cơ hội làm quen văn hoá Mỹ sớm hơn. Ngoài ra, những lo lắng từ những người thân trong gia đình tại Việt Nam cũng khiến tôi càng căng thẳng hơn.

Những người xung quanh tôi cũng trong tình trạng  hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với vấn đề về tài chính, trang trải các chi phí sinh hoạt của bản thân và con cái.

Trịnh Ngọc Huy: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, nhịp sống cũng như việc học tập của tôi bị thay đổi rất lớn. Ví dụ như bản thân tôi phải hạn chế ra đường hoặc luôn luôn phải đeo khẩu trang để bảo vệ mình mỗi khi ra nơi công cộng.

Việc mua đồ ăn cũng trở nên khó khăn khi mà các chợ và những cửa hàng đóng cửa sớm hoặc phải dừng hoạt đông để tránh dịch Covid-19. Hiện tại, tôi đang là  du học sinh của trường đại học Western Washington nằm ở thành phố Bellingham, bang Washington. Khi dịch bắt đầu lan tràn và có dấu hiệu xấu, trường có gửi thư cho tất cả các học sinh và khuyên các bạn có thể ở lại khu ký túc xá của trường hoặc quay về nhà để tránh dịch và đồng thời tiếp tục chương trình học bằng cách học trực tuyến.

Giáo dục pháp luật - Ở lại nước Mỹ trong dịch Covid-19: Những đêm trắng đắn đo giữ hay bỏ giấc mơ (Hình 2).

Nước Mỹ đang căng mình chống dịch Covid-19 khi số các ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng nhanh.

PV: Sau nhiều tuần tỉ lệ tử vong do Covid-19 giảm, nước Mỹ phải đối mặt với số người chết vì dịch bệnh tăng trở lại. Tại khu vực nơi anh sống, các biện pháp giữ khoảng cách an toàn được thực hiện ra sao? 

Hoa Thái Thạnh: Hiện tại khu vực nơi tôi sinh sống không phải nằm trong khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao ở Mỹ. Tuy nhiên tất cả mọi nơi như siêu thị, quán cà phê đều triển khai các phương pháp phòng người như đứng cách nhau 6feet (xấp xỉ 2m), yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang khi vào cửa hàng. Tất cả siêu thị đều chuẩn bị khẩu trang và bao tay trong trường hợp khách hàng không mang theo.

Việc thực hiện các quy tắc đảm bảo an toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Theo bản thân tôi quan sát thì chỉ có những người già mới đeo khẩu trang khi đi bộ trên đường. Những người trẻ tuổi, nhất là trẻ em thì ít sử dụng vì bố mẹ không bắt buộc con mình phải đeo khẩu trang.

Có 2 lần tôi đi đến IKea thì thấy 2 trường hợp gia đình người Mỹ ba mẹ đeo khẩu trang nhưng trẻ nhỏ thì không. Nhân viên cửa hàng phải tới phát khẩu trang cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, cũng có rất nhiều lần tôi thấy rất nhiều người không chấp hành đeo khẩu trang dù chính quyền đã tuyên bố sẽ phạt nặng nếu không khẩu trang nơi công cộng.

Trịnh Ngọc Huy: Khi dấu hiệu của dịch Covido-19 trở nên nghiêm trọng, tôi nhận thấy mọi người ra đường ai cũng đeo khẩu trang thay vì không đeo chúng như lúc dịch mới phát tán. Khi dịch bệnh mới xuất hiện, các khu vui chơi, giao du, ăn uống đều đóng cửa trong một thời gian dài và tiếp tục duy trì công việc hàng quán bằng cách giao đồ ăn thức uống tới tận nhà. Sau đó khoảng hai đến ba tháng thì các cửa hàng tại nơi tôi sinh sống mới bắt đầu hoạt động trở lại bình thường.

PV: Những du học sinh tại Mỹ như anh gặp khó khăn gì khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp? Nhiều người chọn phương án trở về Việt Nam khi dịch mới lây lan, tại sao anh lại chọn phương án ở lại? Người thân phản ứng thế nào với quyết định của anh?

Hoa Thái Thạnh: Hiện tại, tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định khi ở lại Mỹ với tư cách là một du học sinh. Thứ nhất là về chính sách của nước sở tại đối với du học sinh liên tục thay đổi và phải thường cập nhật thông tin. Thứ hai là chất lượng của khoá học bị giảm sút rất nhiều khi phải học online mà hiện tại vẫn chưa tìm ra đc cách giải quyết.

Việc tôi chọn ở Mỹ khi dịch bùng phát là vì ở chung với bà con nên không bị ảnh hưởng khi nhà trường buộc phải rời khỏi ký túc xá khi dịch bùng phát như nhiều du học sinh khác. Lý do khiến tôi quyết định ở lại Mỹ trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát là vì tôi biết những chính sách quay lại Mỹ sau dịch sẽ rất khó khăn và nhiêu khê. Lúc đầu người thân ở Việt Nam cũng rất lo lắng nhưng khi tôi giải thích lý do thì mọi người hiểu và thông cảm, đồng thời tôi cũng thường xuyên vẫn cập nhật tình hình với người thân để mọi người không lo lắng nhiều.

Trịnh Ngọc Huy: Cho đến hiện tại, quyết định ở lại Mỹ vẫn là lựa chọn được bản thân tôi và gia đình đánh giá là an toàn. Ở lại Mỹ giúp tôi vẫn được tiếp tục được học qua môi trường trực tuyến, cũng như giảm thiểu rủi ro lây bệnh.

Nếu như bản thân tôi có về được Việt Nam thì sau khi dịch bệnh kết thúc, việc quay trở lại Mỹ để tiếp tục học sẽ có khả năng gặp khó khăn nhất định. Hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục học trực tuyến. Phương pháp học bằng hình thức này vẫn đáp ứng được khối lượng kiến thức và yêu cầu đặt ra về chất lượng để hoàn thành các môn học.

PV: Để đảm bảo cuộc sống cũng như theo đuổi giấc mơ của mình, mức chi tiêu cụ thể của anh tại Mỹ trong giai đoạn này thế nào? So với trước đây ra sao?

Hoa Thái Thạnh: Mức chi tiêu của bản thân tôi có sự thay đổi lớn khi phải giảm đi khá nhiều nhu cầu không cần thiết và chỉ tập trung vào việc mua đồ ăn. Tiền ăn hàng ngày của bản thân tôi khoảng 15 USD (Khoảng 350 nghìn đồng) nhưng dưới điều kiện là tự nấu ăn. Chi phí cho chỗ ở là 300 USD/tháng.

Trịnh Ngọc Huy: Cuộc sống của em bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch Covid-19. Thay vì một tuần sẽ đi chợ mua đồ ăn khoảng 3, 4 lần thì hiện tại số lần đi chợ đã giảm xuống, chỉ còn một lần trong tuần. Thậm chí, có thời điểm 2 tuần em mới ra ngoài đi chợ mua đồ ăn một lần. Tuy nhiên, mức chi tiêu mỗi lần ra ngoài lớn hơn trước đây vì bản thân tôi phải mua thêm đồ ăn dự trữ nhằm hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ và hạn chế nguy cơ mắc Covid-19. Ngoài ra, các chi phí khác như tiền thuê nhà, chi phí bến bãi đỗ xe và học phí thì bản thân tôi vẫn phải đóng đầy đủ.

Giáo dục pháp luật - Ở lại nước Mỹ trong dịch Covid-19: Những đêm trắng đắn đo giữ hay bỏ giấc mơ (Hình 3).

Du học sinh Trịnh Ngọc Huy quyết định ở lại nước Mỹ trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

PV: Suốt 3 -4 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh có kỉ niệm nào đáng nhớ khi phải đối mặt thường trực với nỗi lo bệnh tật?

Hoa Thái Thạnh: Có chứ! Bản thân tôi bị stress rất nhiều vì tình hình bệnh tật tại Mỹ. Trong khoảng một tháng đầu, bản thân tôi không thể đi ngủ đúng giờ như nếp sinh hoạt trước đó. Tôi thường xuyên thức trắng đến 4-5h sáng, sau đó mới thiếp đi. Tuy nhiên, dần dần tôi đã học đượcc cách đối diện và khắc phục nhờ việc tập thiền, đặc biệt là tập thể dục ngay trong chính căn nhà của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng tự ý thức chọn lọc các thông tin về Covid-19 để chính mình không bị nhiễu thông tin, tránh gây hoang mang và lo lắng cho bản thân và mọi người xung quanh.

Trịnh Ngọc Huy: Suốt thời gian đầu dịch bệnh phát tán, là một người châu Á cũng như biết được những thông tin về dịch từ nước nhà, em luôn tự ý thức đeo khẩu trang, găng tay để giảm thiểu tiếp xúc. Tuy nhiên, cũng trong thời gian ấy những người xung quanh tôi vẫn hoạt động, chơi thể thao như bình thường và quan trọng là họ không đeo khẩu trang. Khi tôi đi qua họ nhận được những ánh mắt không mấy thân thiện. Đồng thời, trong lúc ấy, tin tức về một số người châu Á đeo khẩu trang bị kì thị bởi một số người chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm do dịch bệnh Covid-19 lây lan làm bản thân tôi khá lo sợ. Tuy nhiên, để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, tôi quyết định đeo khẩu trang, mang găng tay mỗi khi cần ra ngoài.

Tôi hy vọng Việt Nam, Mỹ và toàn thế giới sẽ sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19 để việc học tập, lao động và cuộc sống trở lại bình thường.

GIA BẢO - NHÂN VĂN


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/o-lai-nuoc-my-trong-dich-covid-19-nhung-dem-trang-dan-do-giu-hay-bo-giac-mo-a332982.html