Sửa lỗi sách giáo khoa kiểu “chữa cháy”, nên chăng?


Thứ 7, 21/11/2020 | 09:00


Cùng sự kiện

Tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều đã được nhà xuất bản công khai để xin ý kiến góp ý trước ngày 20/11.

Tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều đã được nhà xuất bản công khai để xin ý kiến góp ý trước ngày 20/11. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là hình thức “chữa cháy”. Bởi, lỗi sai không chỉ nằm ở một vài từ ngữ.

“Chữa cháy” để trấn an dư luận

Theo kế hoạch dự kiến, hội đồng thẩm định sẽ làm việc ngày 21/11 để thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều. Trước ngày 30/11, nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu này cho học sinh.

Trong thời gian đến ngày 20/11, những nội dung chỉnh sửa, bổ sung sẽ xin góp ý của giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các nhà khoa học và xã hội. Cụ thể, trước đó, nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều để xin ý kiến góp ý.

Theo Ths. Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (giáo viên Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh), căn cứ vào tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều mà nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã công bố, cho thấy một cách sửa theo kiểu chắp vá, “chữa cháy” để trấn an dư luận.

Ths. Phan Thế Hoài.

Ths. Phan Thế Hoài chỉ ra một số dẫn chứng: “Về từ ngữ, từ “lá hẹ” trong văn bản “Chăm bà” (trang 3) rất xa lạ với học sinh lớp 1. Thay “dưa đỏ” bằng “quả dưa” (trang 58) là chưa đúng với hình minh họa, phải nói là dưa hấu mới đúng, vì loại dưa này có ruột đỏ. Để nguyên từ “gà nhép” (trang 105) cũng khiến học sinh khó hiểu. Về văn bản, tất cả các văn bản được thay thiếu chất văn, chưa suôn sẻ, thậm chí lặp ý và không biết tác giả là ai. Ví dụ văn bản “Hồ sen” (trang 6), lặp ý: “Khắp hồ thơm ngát” và “... sân nhà Ngân thơm ngát”...”.

“Tóm lại, đội ngũ tác giả chỉ mới chỉnh sửa được một phần nhỏ lỗi sai của quyển sách, thậm chí rất bảo thủ khi vẫn giữ nguyên từ “gà nhép”. Với tư cách là người nghiên cứu ngôn ngữ, tôi khẳng định, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều không thể sử dụng cho học sinh lớp 1. Sách sửa theo kiểu chắp vá, “chữa cháy” để trấn an dư luận.

Cái sai của quyển sách này là sai có hệ thống, từ: Từ, ngữ, câu, ngữ liệu, nội dung văn bản, ý nghĩa giáo dục - kể cả xuyên tạc văn hoá Việt và tính phổ quát văn hoá của nhân loại” - Ths. Phan Thế Hoài nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của Ths. Phan Thế Hoài, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hãy xem mục lục, ngay cả việc tên tiêu mục, không biết thế nào là “ số trang” và thế nào là “trang số” thì thôi, không cần bàn gì nữa, ấu trĩ, làm bừa ngay từ mục lục”.

“Đính chính” nhưng lỗi sai còn nguyên trong sách

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, lỗi của cuốn sách không chỉ nằm ở mấy từ này để bỏ hoặc thay. “Đó chỉ là tiểu tiết. Và hội đồng biên soạn, thẩm định sách, sau thời gian khẳng định “không sai” nay lại thừa nhận sai và sửa, thay, bỏ chính những từ, câu, ý, đoạn mà chính dư luận xã hội vạch ra, rồi coi như hoàn thành, coi như kẹp nội dung “đính chính” này vào cho giáo viên dạy với hai tiếng “miễn phí”...

Một văn bản thay thế theo tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa tiếng Việt 1 - Cánh Diều.

Cái sai là hệ thống, cách thức, khoa học soạn sách, đã sai ngay từ chủ đích, ngay từ gốc của sách này. Sách dạy cho trẻ lớp 1 về tiếng Việt trước hết là chuyển tải, là lôi kéo, là dẫn dụ, là cầm tay các cháu đi vào khu vườn chữ Việt với âm thanh trong trẻo, với sự ấm áp của ngôn từ thông qua những câu, những chuyện của cuộc đời này, chất chứa ở đó cái đạo, cái đức, cái lý như lời mẹ ru, không phải nơi để bày ra một thứ ma trận, một thứ áp đặt, một thứ ráo hoảnh của chữ, một thứ cứng nhắc của từ, vô hồn... “Đính chính” cho thầy cô nhưng mọi lỗi sai vẫn nằm nguyên trong sách, có thể cấm các trò nhỏ không đọc được không?” - ông chia sẻ.

Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ: “Vấn đề của cuốn sách không phải lỗi chính tả, lỗi câu để có thể đính chính. Mà vấn đề là góc nhìn của người soạn sách, xơ cứng, máy móc, không nhân văn khi lựa chọn chất liệu. Thậm chí, chạy theo ý kiến xã hội ở vài từ ngữ, câu cú, đối phó một cách khó chịu và kém ý thức. Chính vì vậy, theo tôi, cách tốt nhất là thu hồi và tiêu hủy bộ sách này, thay bằng bộ sách khác, hội đồng biên soạn sách khác”.

Là một người tâm huyết với giáo dục, Ths. Phan Vũ Diễm Hằng (nữ sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự và đoạt Huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế) bày tỏ: “Những người làm sách đã sai ngay từ đầu, bản thân những cuốn sách đó có những sai sót rất lớn. Chúng ta phải nhìn nhận sách giáo khoa là chuẩn mực, đó không phải là sách tham khảo để muốn dùng thì dùng, không dùng thì thôi. Chính vì vậy, khi xây dựng sách giáo khoa, ta phải làm hoàn toàn đầy đủ, một cách tròn trịa, không để lọt một sai sót nào, không thể làm “khơi khơi” rồi nói sách như thế này nhưng ai muốn sáng tạo dạy ra sao thì dạy. Sau khi soạn thảo xong hết rồi thì phải rà soát thật kỹ lưỡng. Và quan trọng nhất là người đứng đầu phải thiết kế một bộ máy soạn thảo, thẩm định tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ.

Phải làm sao để đảm bảo cho tiếng Việt là một ngôn ngữ trong sáng, hay, truyền cảm và chuẩn mực... Chuẩn mực ấy từ đâu ra? Từ sách giáo khoa “vỡ lòng” mà ra”.

“Hiện tại, với những sai sót lớn như đã được dư luận chỉ ra trong thời gian qua, chắc chắn nên bỏ cuốn sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, thay bằng bộ sách khác. Và bài học kinh nghiệm cho biên soạn bất kỳ bộ sách nào, phải dạy thử nghiệm so sánh trong một thời gian đủ dài để đánh giá được hiệu quả bộ sách” - Ths. Phan Vũ Diễm Hằng nhấn mạnh.

Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (185)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sua-loi-sach-giao-khoa-kieu-chua-chay-nen-chang-a346395.html