+Aa-
    Zalo

    Hành trình trắng đêm bắt gỗ lậu tại Khánh Hòa

    • DSPL
    ĐS&PL Trắng đêm thức cùng lực lượng kiểm lâm bắt gỗ lậu, chúng tôi mới phần nào hiểu được những khó khăn, nguy hiểm mà các anh phải đối mặt khi lâm tặc ngày càng liều lĩnh.
    Trắng đêm thức cùng lực lượng kiểm lâm bắt gỗ lậu, chúng tôi mới phần nào hiểu được những khó khăn, nguy hiểm mà các anh phải đối mặt khi lâm tặc ngày càng liều lĩnh, manh động.
    Một trong 3 xe máy vận chuyển gỗ lậu bị chặn bắt tại khu vực cầu treo Cầu Bà rạng sáng 13/11.
    Đối phó với “đề lô”
    Trời nhá nhem tối, như đã hẹn, chúng tôi có mặt tại trạm Kiểm lâm Sơn Thái để cùng lực lượng của trạm xuyên đêm bắt gỗ lậu. Đón chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thịnh, trạm trưởng trạm Kiểm lâm Sơn Thái nói vui: “Hôm nay có sự phối hợp của nhà báo, phương án “tác chiến” sẽ dễ dàng hơn đây”. Nói rồi anh giục anh em trong trạm chuẩn bị áo quần cải trang, đèn pin... để đi làm nhiệm vụ. Đích đến của chúng tôi là bãi bồi nơi ngã 3 sông Cái, thuộc xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Để qua mắt được đám “đề lô” (người được lâm tặc thuê để theo dõi động tĩnh của lực lượng kiểm lâm - PV) chuyên lượn lờ ở những quán cà phê trước mặt trạm Kiểm lâm Sơn Thái, các cán bộ kiểm lâm vờ đi ngược lên trung tâm xã Sơn Thái rồi theo con đường đất vòng sang xã Yang Ly, Khánh Thượng để đến xã Liên Sang. “Từ Trạm đến ngã 3 sông Cái có đến 4 - 5 tên “đề lô” mắc võng, ngồi ở quán nước, chạy xe máy... Nếu không đi đường vòng, các đối tượng này sẽ báo tin ngay cho đồng bọn tẩu tán gỗ lậu”, anh Thịnh chia sẻ.
    Ra đến bãi bồi ở ngã 3 sông, chúng tôi tìm nơi giấu xe cẩn thận, còn các cán bộ kiểm lâm thì vội mặc đồng phục rồi tìm nơi náu mình. Trời tối đen, phải căng mắt chúng tôi mới có thể quan sát được những động tĩnh trên sông. Vừa quan sát, anh Bùi Thanh Sang, cán bộ trạm Kiểm lâm Sơn Thái vừa chia sẻ: “Gần đây, do bị chặn bắt quá nhiều, bị xử phạt nặng nên lâm tặc chuyển sang vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông. Từ chập tối đến khoảng 22h đêm là giờ cao điểm gỗ lậu qua địa bàn xã Liên Sang. Biết vậy nhưng để bắt được gỗ trên sông không phải dễ. Chỉ cần mình sơ hở, các đối tượng sẽ thông báo cho nhau xả bè, giấu gỗ xuống lòng sông ngay. Phải ẩn mình cẩn thận chứ không bọn “đề lô” xuống sông tìm, phát hiện ra chúng ta nằm phục thì phí công đi làm”.
    Lực lượng của trạm Kiểm lâm Sơn Thái chặn bắt các bè gỗ vận chuyển trái phép trên sông Cái.
    Anh Sang vừa dứt lời, chúng tôi đã nghe tiếng xe máy tiến ra phía sông Cái. Từ xa, có 2 đối tượng dùng đèn pin quét khắp bãi bồi, một đối tượng còn dùng đá ném vào các bụi cây trên bãi. Nhờ tính toán trước nên ánh đèn pin của các đối tượng không quét đến nơi chúng tôi nằm phục. Thấy bãi bồi thanh vắng, một đối tượng bốc máy gọi cho đồng bọn: “Ngã 3 sông Cái không có ai. OK”. Dứt lời, các đối tượng rồ ga phóng đi. Sau khi toán dò đường đi khỏi, anh Sang bảo: “Bọn “đề lô” này đi tìm tiếp ở các bến sông khác đó. Tý nữa bọn nó quay lại đây lần nữa, nếu chắc chắn thì chúng mới báo tin cho đồng bọn chống bè gỗ xuống”. Nằm phục hơn 10 phút, chúng tôi lại thấy nhóm “đề lô” quay lại. Lần này, chúng quan sát kỹ hơn, lùng sục để tìm người, tìm xe máy. Không may cho chúng tôi khi bị chúng phát hiện 3 chiếc xe máy của lực lượng chức năng được giấu trong rẫy keo. Tức thì, một tên điện thoại báo: “Có động, stop”, rồi phóng xe đi.
    Thấy bị lộ, anh Thịnh phân vân: “Nếu bây giờ cả 6 người chúng ta cứ nằm phục ở đây chúng sẽ không cho bè xuống nữa. Phải tương kế tựu kế mới bắt được gỗ lậu”. Rồi anh phân công 3 người ở lại, 3 người lên lấy xe máy để về. Một người trong chúng tôi theo anh Thịnh và một cán bộ kiểm lâm khác chạy xe về, cố tình để cho bọn “đề lô” nhìn thấy. Về đến trạm, chưa đầy 3 phút sau đã có 2 đối tượng chạy xe máy lượn lờ trước trạm 4 vòng để “do thám”. Còn tại ngã 3 sông Cái, 2 tên “đề lô” khác tiếp tục quay lại bãi bồi lùng tìm lực lượng kiểm lâm. Thấy đã an toàn, chúng liền báo cho đồng bọn, nhưng chúng không ngờ, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn còn 2 người nằm phục ở bờ sông. Và thế là...
    Gỗ lậu sa lưới
    Khoảng 30 phút sau, 2 bè gỗ lừ lừ xuất hiện. Khi bè gỗ vừa đến nơi các kiểm lâm mật phục, 3 ánh đèn pin vụt sáng kèm theo tiếng hô lớn: “Cho bè dừng lại, tấp vào bờ”. Hai gã chèo bè định dùng dao chặt bè nhằm tẩu tán gỗ nhưng không kịp. Trong tích tắc, lực lượng kiểm lâm lao ra giữa sông, tiếp cận các đối tượng và giữ bè gỗ lại. Thấy không còn khả năng chạy thoát, 2 gã chống bè mới ngoan ngoãn đưa bè vào bờ để cơ quan chức năng làm việc. Mỗi bè được các đối tượng kết bằng 5 hộp gỗ và lấy ruột bánh xe ô tô để làm nổi bè. Người đàn ông có dáng vóc nhỏ thó, tự nhận với lực lượng kiểm lâm: “Tôi tên Bình còn người kia tên Tư đều ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Mỗi bè gỗ nếu đưa trót lọt qua trạm kiểm lâm về đến Diên Thọ, mỗi người chống bè sẽ được 500.000 đồng. Nếu bị bắt, chỉ được bồi dưỡng 200.000 đồng”. Quay sang chúng tôi, anh Sang nói nhỏ: “Lâm tặc giờ chỉ đứng đằng sau đưa tiền để thuê người vận chuyển, nếu bị bắt thì cũng chỉ mất gỗ, không bị bắt người. Tất cả các bè gỗ này đều được kết bè ở xã Khánh Thương, huyện Khánh Vĩnh và cho xuôi xuống đây. Lực lượng kiểm lâm không phát hiện ra thì khoảng 4 - 5h sáng là bè về đến điểm tập kết”.
    Lực lượng kiểm lâm cơ động tỉnh Khánh Hòa kiểm tra lâm sản vận chuyển trên tuyến đường Cầu Lùng - Khánh Lê.
    Trong lúc các cán bộ ở trạm Kiểm lâm Sơn Thái đang làm thủ tục với các đối tượng vận chuyển gỗ tại điểm bị bắt, bỗng xuất hiện 10 đối tượng tướng mạo hung tợn. Nhóm người này miệng nói xin tha, nhưng thái độ thì có vẻ muốn uy hiếp nhằm cướp lại gỗ. Trước tình thế đó, anh Sang cấp tốc gọi điện về trạm và hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh để được hỗ trợ. Một lúc sau, thấy lực lượng kiểm lâm đông, các đối tượng mới chịu hạ giọng, số gỗ vừa bị bắt đã được đưa về trạm an toàn.
    Từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh tuy đã giảm nhưng vẫn diễn biến khá phức tạp. Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đã xử lý 142 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 258m3 gỗ xẻ, 15,5m3 gỗ tròn, 10 phương tiện vận chuyển. Cũng tại địa bàn này, đội Kiểm lâm cơ động tỉnh đã phát hiện và xử lý 93 vụ vi phạm, tịch thu 120m3 gỗ xẻ, 27m3 gỗ tròn, 1 ô tô, 12 xe máy.
    Đoán được hoạt động của bọn lâm tặc, nên anh Thịnh cảnh báo: “Chắc chắn sẽ còn nhiều bè nữa đang ở phía trên. Mình lộ rồi, rút về để đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tiếp tục chặn bắt”. Nghe vậy, chúng tôi nhanh chóng rời trạm Kiểm lâm Sơn Thái về đội Kiểm lâm cơ động của tỉnh đang chốt ở dốc A Meo (thị trấn Khánh Vĩnh). Khi chúng tôi đến nơi, đồng hồ đã điểm 22h. Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động tỉnh Nguyễn Văn Tỉnh phán đoán, sau khi các đối tượng bị bắt ở đường sông, chúng sẽ tiến hành vận chuyển bằng đường bộ vượt qua cầu treo Cầu Bà để về Khánh Nam trong khoảng thời gian từ 1 đến 5h sáng. Để qua mặt được các “đề lô” cảnh giới khắp nơi, tổ tuần tra chỉ đi 4 người và chia nhỏ nhóm đi theo nhiều hướng. Gần đến địa điểm đầu cầu treo Cầu Bà, cả tổ ém quân trên một quả đồi thấp. Sau nhiều giờ mật phục, gần 4h sáng vẫn không thấy các xe vận chuyển gỗ đi qua, anh Nguyễn Văn Tâm, phụ trách tổ tuần tra lệnh cho tổ di chuyển ra phía cầu treo. Khi lực lượng vừa đến thì cũng là lúc 3 chiếc xe độ chế chở 12 hộp gỗ pơ mu gầm rú qua cầu bị chặn lại. Các đối tượng đã ra sức chống đối, vừa giằng co, vừa buông những lời hăm dọa.
    Còn lắm gian nan
    Chứng kiến lực lượng kiểm lâm bắt giữ gỗ lậu trên cầu treo Cầu Bà, chúng tôi mới hình dung được phần nào sự manh động của lâm tặc. Khi bị bắt, đối tượng tên Phong (ở thị trấn Khánh Vĩnh) sau một hồi năn nỉ không có kết quả, liền quay ra chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ và hăm dọa: “Chúng mày sẽ biết tay tao. Tao sẽ đốt nhà chúng mày...”. Hỏi ra mới biết, Phong đã nhiều lần bị bắt khi vận chuyển gỗ lậu. Cách đây chưa lâu, cũng tại cầu treo Cầu Bà, khi lực lượng kiểm lâm kiên quyết đưa phương tiện vi phạm về xử lý, Phong đã châm lửa đốt chiếc xe máy y dùng để vận chuyển gỗ lậu. “Mỗi khi gỗ lậu bị bắt, lâm tặc kéo đến rất đông, sẵn sàng chửi bới, manh động hòng cướp lại phương tiện vi phạm. Trong trường hợp này, nếu có lực lượng công an phối hợp thì chắc chắn các đối tượng này sẽ bớt hung hăng”, anh Tỉnh nói.
    Ông Nguyễn Khương, chi cục phó phụ trách chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Điểm nóng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đến nay đã giảm 80 - 90\%. Hiện nay, các đối tượng chủ yếu vận chuyển gỗ bằng đường sông bởi mùa mưa nước sông dâng cao dễ vận chuyển. Nắm bắt được điều này, chi cục đã chỉ đạo hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát trên đường bộ, phải tập trung lực lượng để chặn bắt gỗ lậu trên sông Cái. Điểm nóng này tuy đã hạ nhiệt nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất nạn khai thác, vận chuyển gỗ lậu, nhất là việc xử lý các đối tượng manh động rất cần sự hỗ trợ của lực lượng công an".
    Còn trong câu chuyện với anh Thịnh, chúng tôi được biết, mùa này Khánh Vĩnh mưa nhiều nên việc truy quét sâu vào rừng gặp rất nhiều khó khăn. Để ngăn chặn gỗ lậu về xuôi, trạm Kiểm lâm Sơn Thái phải tìm đủ mọi cách để chặn bắt trên sông. Việc chặn bắt rất gian nan bởi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người vi phạm. Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Sơn Thái mở điện thoại cho chúng tôi xem một số tin nhắn từ số máy 01657177967 của đối tượng vận chuyển gỗ bị bắt hù dọa anh: “Tao thấy mày là tao chặt mày ra thành tám khúc. Tao nói trước cho mày biết để mày về nhà thăm vợ con đi rồi bỏ xác ở Khánh Lê...”, hay “Ông phải thê thảm hơn ông Tâm (trạm trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Liên Sang bị lâm tặc chém gần đứt lìa bàn tay - PV) thì ông mới thấy...". Hỏi anh Thịnh có sợ bị trả thù không? Anh chia sẻ: “Mình thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, lâm tặc dù có manh động đến đâu mình cũng không nao núng. Sau vụ việc anh Tâm bị chém, một số đối tượng bị bắt, lâm tặc cũng đã bớt hung hăng hơn trước”.
    Đêm làm việc của đội Kiểm lâm cơ động tỉnh kết thúc khi mặt trời đã ló rạng. Trên đường từ Cầu Bà về dốc A Meo, một số kiểm lâm viên trẻ vẫn nói chuyện cười đùa nhưng trên khuôn mặt các anh, đã hiện nét mệt mỏi sau một đêm mất ngủ. Đi ngược chiều với chúng tôi, những chiếc xe độ chế lại tiếp tục gầm rú tiến về hướng đại ngàn. Chợt nghĩ, việc giữ rừng sẽ còn lắm gian nan.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-trang-dem-bat-go-lau-tai-khanh-hoa-a69590.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan