+Aa-
    Zalo

    Không để thí sinh đoán mò khi đánh giá năng lực trong kỳ tuyển sinh 2021

    • DSPL
    ĐS&PL Năm 2021, thay vì tuyển sinh theo cách cũ nhiều trường đại học sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh...

    Năm 2021, thay vì tuyển sinh theo cách cũ nhiều trường đại học sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh...

    Đề thi không đánh giá khả năng thuộc lòng

    Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2021 qua 2 đợt thi đánh giá năng lực. Cụ thể, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT ở 7 địa phương.

    Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 15/1 đến 5/3. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực đợt 1 vào ngày 28/3 tại TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Đắk Lắk. Kết quả thi đợt 1 được dự kiến công bố đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 5/4.

    Vào đợt thi thứ 2, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4/5 đến 4/6 và tổ chức thi vào ngày 4/7 tại 4 địa phương TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12/7. Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng sẽ kéo dài trong 1 tháng, từ ngày 4/5 đến ngày 4/6.

    Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng đánh giá năng lực năm 2021 của các trường thành viên đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đều tăng. Trong đó, trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn với mức chỉ tiêu tối đa 50%, trường đại học Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này...

    Kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

    Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

    Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút, chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Việc tham dự kỳ thi đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.

    Cấu trúc đề thi thay đổi

    Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa có thông tin dự kiến về kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh năm 2021. Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học Quốc gia Hà Nội), đại học Quốc gia Hà Nội chủ động khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT với nhiều mục đích, trong đó có mục tiêu trước mắt sử dụng kết quả kỳ thi này như bổ sung thêm một phương án tuyển sinh đại học, song song với sử dụng kết quả kỳ thi THPT và các phương thức tuyển sinh khác như đã được triển khai trong những năm vừa qua.

    Đề thi trong kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia Hà Nội năm nay sẽ có sự thay đổi về cấu trúc.

    Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 có những điểm khác so với trước đây. Về mục đích, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015, 2016 là để tuyển sinh đại học. Kỳ thi đánh giá năng lực lần này được đổi mới, phù hợp với những điều chỉnh mới trong chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời, có thể sử dụng nhằm đa mục đích khác nhau. Trên cơ sở kế thừa ma trận đề thi, mô hình triển khai thi năm 2016, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT tới đây sẽ được điều chỉnh, dự kiến gồm 3 phần: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút), Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).

    Về cơ bản, cấu trúc bài thi kế thừa trên 90% dạng thức bài thi của năm 2016, có 3 điểm mới. Phần Lựa chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội sẽ gộp lại thành 1 phần Khoa học (bắt buộc) với thời gian 60 phút, 50 câu hỏi. Tổng điểm bài thi là 150 điểm, mỗi phần 50 điểm. Năm 2021, tăng số câu hỏi điền đáp án thêm 3 câu ở phần Khoa học (để giảm khả năng đoán mò của thí sinh). Tổng số câu hỏi điền đáp án là 18 câu.

    Bài thi đáng giá năng lực học sinh THPT vẫn là thi trên máy tính, và được gán mã Q00. Về phương thức chấm điểm như cũ, mỗi câu đúng được 1 điểm, câu sai không được điểm.

    Năm 2021, dự kiến sẽ tổ chức thi cho 1.000 - 2.000 thí sinh/đợt với khoảng 4- 5 đợt/năm tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Kỳ thi sẽ có nhiều cải tiến mới, chẳng hạn, thí sinh tự chọn ngày thi, giờ thi, ca thi; thí sinh được thay đổi ca thi trước 14 ngày dự thi. Thí sinh tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi trên tài khoản cá nhân tại cổng thông thi Khảo thí. Năm 2021, dự kiến chỉ thi ở Trung tâm Khảo thí và địa điểm thứ hai là trường đại học Công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nội.

    Thời gian làm bài thi dự kiến là 195 phút, mỗi thí sinh sử dụng 1 mã đề thi độc lập. Thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi; quá trình đăng ký dự thi, phân phòng thi và tổ chức các đợt thi vận hành chuyên nghiệp...

    Thủy Tiên
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (3)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-de-thi-sinh-doan-mo-khi-danh-gia-nang-luc-trong-ky-tuyen-sinh-2021-a353658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan