+Aa-
    Zalo

    Kiến nghị dùng máy bay bị bỏ quên 14 năm ở Nội Bài để làm dụng cụ giảng dạy

    • DSPL
    ĐS&PL Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị giao máy bay Boeing 727-200 bị bỏ tại sân bay Nội Bài cho Học viện Hàng không Việt Nam khai thác làm dụng cụ giảng dạy.

    Cục Hàng không Việt Nam vừa có kiến nghị bộ GTVT báo cáo Thủ tướng những vướng mắc liên quan quá trình đấu giá chiếc máy bay bị bỏ quên ở Nội Bài suốt 14 năm.

    kien nghi dung may bay bi bo quen 14 nam o noi bai de giang day cho hoc vien hang khong dspl
    Máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại sân bay Nội Bài 14 năm. Ảnh: Bnews

    Cụ thể, máy bay Boeing B727-200 bị Hãng hàng không Royal Khmer Airlines bỏ quên ở Nội Bài. Sau hơn 14 năm, chiếc máy bay vẫn nằm yên tại đây, bất chấp việc nhiều đơn vị liên tục có văn bản đề xuất được nhận lại.

    Trong hai năm 2018 và 2019 cơ quan này đã kiến nghị bộ GTVT báo cáo Thủ tướng các vướng mắc của quá trình bán đấu giá chiếc Boeing 727-200 nói trên, đề xuất Thủ tướng cho phép thay đổi phương án xử lý từ bán đấu giá sang giao tài sản công.

    Cục Hàng không nhận định nếu giao máy bay trên theo thủ tục tiếp nhận tài sản công cho Học viện Hàng không quản lý, làm mô hình, giáo cụ thực hành là phù hợp.

    “Về mặt chủ thể nhận tài sản, học viện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ GTVT. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành của cả nước về hàng không dân dụng, có vai trò quan trọng trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam”, cục Hàng không cho hay.

    Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu đấu giá, cơ quan này sẽ không có đủ điều kiện, chức năng để thực hiện xác định giá khởi điểm của tài sản cũng như bán đấu giá mà phải thuê một đơn vị định giá độc lập.

    Nếu tài sản là một tàu bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác, cơ quan này có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.

    Tuy nhiên, tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự.

    Do đó, Cục này nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra.

    Trong một diễn biến liên quan, Học viện Hàng không Việt Nam cũng có văn bản khẩn thiết xin được giao khai thác chiếc máy bay này về phục vụ công tác giảng dạy.

    Trong đề án gửi cục Hàng không, đơn vị này cho biết, trong danh mục quản lý của Học viện, các loại giáo cụ, trang thiết bị phục vụ đào tạo kiến tập và thực hành đa số cũ kỹ, lỗi thời. Trong khi việc mua sắm trang thiết bị thực hành thực tập vô cùng đắt đỏ do đa số phải nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không.

    Trong khi đó, tàu bay Boeing 727-200 bỏ lại tại sân bay Nội Bài mặc dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên có điều kiện được tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành hàng không.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-nghi-dung-may-bay-bi-bo-quen-14-nam-o-noi-bai-de-lam-dung-cu-giang-day-a517248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan