Ai sẽ chịu trách nhiệm khi dự án đường sắt đô thị đội vốn 80 nghìn tỷ?


Thứ 6, 16/08/2019 | 03:09


Cùng sự kiện

Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho rằng, trách nhiệm về dự án đường sắt đô thị “đội vốn” trước tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó đến “trách nhiệm liên quan”.

Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho rằng, trách nhiệm về dự án đường sắt đô thị “đội vốn” trước tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó đến “trách nhiệm liên quan” của các bộ, ngành. 

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận bằng hoạt động chất vấn. Quan tâm đến việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn hai Bộ trưởng Tài chính, KH&ĐT về 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chậm tiến độ, “đội vốn” khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng. "Nguyên nhân, trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý điều hành, sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua và giải pháp thời gian tới, ra sao?”, ông Bình hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trước 1/7/2018, chức năng quản lý nhà nước về ODA thuộc Bộ KH&ĐT. Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính cũng chỉ là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định. Còn nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ trưởng là do giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. “Liên quan đến dự án chậm tiến độ, đội vốn…trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Chúng tôi có tham gia nên có trách nhiệm liên quan”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi dự án đường sắt đô thị đội vốn 80 nghìn tỷ.

“Chia lửa” với tư lệnh ngành Tài chính, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải: Do lần đầu tiên chúng ta thực hiện dự án đường sắt đô thị nên kinh nghiệm, năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Bộ trưởng, nguyên tắc sử dụng vốn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu, tư vấn của quốc tế lập dự án và các cơ quan của ta xem xét phê duyệt. Nhưng chúng ta không lường hết được từ khâu đầu đến khâu cuối dự án, vì vậy đã phải điều chỉnh tăng vốn rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP Hồ Chí Minh đã tăng vốn khoảng 30 nghìn tỷ đồng, còn dự án của Hà Nội cũng tăng khoảng 40 - 50 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng từ việc điều chỉnh tăng vốn dẫn đến những hệ lụy phải xử lý là: Nguồn vốn ở đâu? Thẩm quyền phê duyệt dự án thế nào? Vốn đã tính vào kế hoạch trung hạn chưa? Khả năng cấp phát và vay lại của địa phương thế nào? Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, đến nay, các dự án đường sắt đô thị đã đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, chỉ còn chờ TP Hồ Chí Minh phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh.

Cùng được mời trả lời câu hỏi kể trên, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thu hút quản lý và sử dụng ODA có nhiều nội dung. Về nguyên nhân dự án đường sắt đô thị “đội vốn, chậm tiến độ” mà đại biểu nêu ra, ông Dũng lý giải: Đây là dự án đường sắt lần đầu Việt Nam thực hiện, nên hiểu biết, năng lực của chúng ta chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta không lường hết được các khâu từ đầu đến cuối của dự án, nên có sự điều chỉnh và làm tăng vốn dự án.

“Việc tăng vốn do tính chưa hết, không đầy đủ, không lường hết được, chứ đội vốn cũng chỉ ở chừng mực nhất định thôi”, ông Dũng lý giải.

Kiều Trang (T/h)   

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-se-chiu-trach-nhiem-khi-du-an-duong-sat-do-thi-doi-von-80-nghin-ty-a288924.html