Bầu Chủ tịch HĐQT mới ở Eximbank: Chỉ có thể làm đúng luật


Thứ 6, 29/03/2019 | 13:39


Cùng sự kiện

Eximbank là Công ty đại chúng, có hàng ngàn cổ đông trong đó có cổ đông chiến lược nước ngoài từ nhiều năm nay...

Eximbank là Công ty đại chúng, có hàng ngàn cổ đông trong đó có cổ đông chiến lược nước ngoài từ nhiều năm nay, nên mọi quyết định của Hội đồng quản trị, ban điều hành đều phải theo luật và chỉ có thể làm đúng luật.

Thời gian qua, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng. Mới đây, việc Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức phiên họp ngày 22/3/2019 để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Ngay sau quyết định này đã có phản ứng không đồng thuận từ nguyên Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Quốc.

Tiếp đó, một số thông tin về việc “Tòa án nhân dân TP HCM ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng”, cũng làm nóng thêm vấn đề bổ nhiệm nhân sự ở ngân hàng này.

Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại ngày 28/3 của Eximbank gửi Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM và các cơ quan liên quan, HĐQT ngân hàng tiếp tục nêu rõ những cơ sở, căn cứ khẳng định quyết định của Tòa án TP.HCM là trái luật.

HĐQT Eximbank khẳng định quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức Chủ tịch là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng.

Cụ thể, theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng. Ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà Tòa án TP đã thụ lý.

“Vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật” – đơn khiếu nại của Eximbank nêu rõ.

Theo điều lệ Eximbank, HĐQT có thẩm quyền họp để bầu chủ tịch và ra các quyết định khác; HĐQT có thể họp định kỳ hoặc bất thường và cuộc họp sẽ được tiến hành khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp…

Tại Eximbank, hiện nay HĐQT có 10 thành viên, các cuộc họp của HĐQT sẽ được tiến hành khi có từ tối thiểu 8 thành viên dự họp lần thứ nhất, nếu không triệu tập đủ số thành viên theo quy định thì cuộc họp triệu tập lần 2 trong vòng 7 ngày tiếp phải có tối thiểu 6 thành viên. Và trong trường hợp trên, cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22-3 và ban hành nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT bầu chủ tịch mới là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ của ngân hàng. Do đó, nội dung cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật.

Và việc Tòa án TP.HCM thụ lý vụ án về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp các quy định, dẫn đến việc thẩm phán ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank.

Theo ban lãnh đạo Eximbank, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho ngân hàng, các cổ đông, Eximbank đã có đơn khiếu nại yêu cầu hủy toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án TP.HCM.

Cũng phải nói thêm, số lượng thành viên HĐQT tham dự tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước có sự đồng thuận của 2 thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - Cổ đông chiến lược của Eximbank. Phải nói thêm, SMBC là cổ đông chiến lược của Eximbank từ năm 2007 đến nay, nắm giữ 15% cổ phần và đã gắn bó với ngân hàng này trong nhiều năm qua. Vai trò cổ đông chiến lược của SMBC ở Eximbank ngày càng được khẳng định, đóng góp không nhỏ vào quá trình tái cấu trúc của ngân hàng.

Và để nhận được cái “gật đầu” từ cổ đông chiến lược Nhật Bản trong quyết định bầu chủ tịch HĐQT mới không hẳn dễ dàng, cũng như đã khẳng định quyết định của HĐQT về nhân sự mới là hợp lý.

“Quan điểm của Eximbank là luôn tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của khách hàng và của cổ đông. Bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đi ngược lại với tôn chỉ này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngân hàng sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm: quyền khiếu nại, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án ngay khi ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu; đồng thời, yêu cầu các cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” - đại diện Eximbank khẳng định.

Eximbank là ngân hàng được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán (MCK: EIB - HOSE), nên mọi thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tình hình nhân sự, quản trị đều phải được công khai cho cổ đông, công chúng được rõ. Do đó, mọi quyết định của HĐQT cũng đều dựa trên quy định, điều lệ của ngân hàng và không thể đi lệch mục tiêu này. Thực tế là HĐQT đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy Ban chứng khoán nhà nước về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới.

Theo lãnh đạo ngân hàng này, Eximbank đang đi những bước đi trong hành trình trở thành ngân hàng chất lượng hàng đầu tại Việt Nam. Do đó, những thông tin không chính thống, mang tính suy diễn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của Eximbank, quan trọng không kém là tâm lý, niềm tin của hơn 6.000 cán bộ ngân hàng.

P.V

Theo Công luận

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-chu-tich-hdqt-moi-o-eximbank-chi-co-the-lam-dung-luat-a268838.html