“Kỹ sư chân đất” sáng chế máy cày phao nổi cho vùng đất ngập nước


Thứ 3, 09/02/2021 | 01:47


Cùng sự kiện

Chỉ mới học hết lớp 4, nhưng ông Nguyễn Văn Rô đã chế tạo thành công máy cày phao nổi cho vùng đất ngập nước vừa tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ cho nông dân.

Chỉ mới học hết lớp 4, nhưng ông Nguyễn Văn Rô đã chế tạo thành công máy cày phao nổi cho vùng đất ngập nước vừa tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ cho nông dân.

Những chiếc máy có 1 không 2 của ông Rô bán ra thị trường phù hợp với phù hợp với túi tiền bà con nông dân. 

“Kỹ sư” không bằng cấp

Về ấp Giá Ngự (xã Đông Hưng, Cái Nước, Cà Mau), chỉ cần hỏi nhà ông Rô máy cày) thì ai ai cũng biết. Bởi, hình ảnh lão nông không qua trường lớp nhưng đã chế tạo thành công máy cày phao nổi khiến nhiều người nể phục.

Nói về cơ duyên đến với nghề, ông Rô cười hiền cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, ông phải bỏ dở việc học để chuyển sang học nghề thợ máy chuyên sửa chữa nông ngư cụ nông nghiệp. Bằng sự chăm chỉ, niềm đam mê và tinh thần tự học, ông nhanh chóng trở thành thợ cơ khí lành nghề có tiếng trong vùng. Làm nghề được khoảng hơn 10 năm, ông Rô chuyển sang nhận thầu làm các công trình cầu đường.

Vào tháng 1/2001, huyện Cái Nước có chủ trương cho chuyển dịch nuôi tôm đồng loạt theo hình thức quảng canh cải tiến. Ban đầu, người dân nuôi tôm đạt hiệu quả cao, nhưng kể từ năm 2008 tình hình nuôi tôm của bà con không còn mang lại hiệu quả như trước nữa. Tôm nuôi đến khoảng 2 tháng tuổi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh chết dần.

“Trong thời gian đi làm công trình, tôi nghe bà con than khổ hoài việc nuôi tôm bị mất mùa liên tiếp mà thấy sốt ruột. Nhiều đêm liền, tôi suy nghĩ xem có cách nào chế tạo chiếc máy cày có thể chạy được trong vùng đất ngập nước, giúp cho bà con nông dân nuôi tôm, trồng lúa có hiệu quả hơn”, ông Rô tâm sự.

Sau nhiều ngày trăn trở, vào đầu năm 2014, ông bắt tay vào thử nghiệm chế ra chiếc “máy cày siêu nhẹ”. Dù mới chỉ học hết lớp 4, các kiến thức về chế tạo máy móc cũng chỉ vỏn vẹn ở xưởng cơ khí mà ông gắn bó từ thời trai trẻ, nhưng người nông dân ấy vẫn quyết định phải làm ra chiếc máy và lần ấy thành công trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Theo lời ông Rô, sản phẩm đầu tay được ông bán ra thị trường với giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đầu phần bánh lồng của máy cày được làm bằng sắt nên máy có trọng lượng khoảng 180kg và nhanh bị gỉ sét do tiếp xúc với môi trường nước mặn. Nhận thấy sáng chế còn những hạn chế như giá thành cao và trọng lượng lớn gây khó khăn cho người dân, từ đó, ông suy nghĩ tìm cách cải tiến và cho ra đời sản phẩm Máy cày phao nổi và máy trục - ước mơ nhà nông.

Ông Rô giải thích: “Để máy nhẹ hơn, tôi dùng inox 304 thay thế các linh kiện bằng sắt, giúp chiếc máy giảm từ 180kg xuống còn 100kg. Ngoài ra, tôi cũng lắp thêm lưỡi cày có thể điều chỉnh độ cao theo phương thẳng đứng để thay đổi độ sâu của đất cần được cày xới. Hiện nay, máy cày phao nổi và máy trục có thể trục 1 giờ khoảng 2.000m2 đất, người dân chỉ tốn khoảng 15.000 đồng tiền xăng”.

“Nông dân cần gì tôi làm nấy”

Chỉ tay về chiếc máy cày đang lắp ráp, ông Nguyễn Văn Rô cho hay, điểm khác biệt trong sáng chế của ông là việc sử dụng các thùng phuy đưa vào phía trong khung hình trụ của các bánh lồng, giúp máy cày có thể dễ dàng nổi lên mặt nước. Các thùng phuy có cửa nạp và xả chất lỏng nên khi di chuyển máy qua sông hoặc kênh rạch và trong quá trình thao tác trên vùng đất ngập nước sẽ được tháo toàn bộ chất lỏng để tạo độ nổi cho máy. Nhờ vậy, máy di chuyển dễ dàng trên mặt kênh, rạch mà không cần phải cho lên ghe, xuồng để vận chuyển đến nơi canh tác.

Ngược lại, nếu hoạt động trên vùng đất cứng, có nhiều cây cỏ, thùng phuy được thêm chất lỏng để tạo sức nén xuống mặt đất. Nhờ vậy, dù máy có trọng lượng nhẹ hơn so với máy cày thông thường nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương, do đó tiết kiệm được chi phí vật liệu chế tạo cũng như nhiên liệu vận hành máy.

Nhấp chén trà nóng, lão nông kể tiếp: “Mấy cái máy tôi làm chủ yếu phục vụ bà con nông dân. Nông dân cần gì tôi làm nấy, bà con dùng hữu ích, thích thú, bớt cực nhọc là tôi vui rồi. Từ trước đến nay, tôi đã bán khoảng 200 chiếc cho các xã, huyện trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Dương,...”.

Với những ưu điểm trên, chiếc máy cày dùng cho vùng đất ngập nước của “nhà sáng chế” nông dân Nguyễn Văn Rô đã được cục Sở hữu trí tuệ tỉnh Cà Mau cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002403 cấp ngày 25/9/2020. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Cà Mau lần thứ 4 (2014 - 2015), chiếc “máy cày siêu nhẹ” của ông đoạt giải Ba. Còn tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Cà Mau lần thứ 6 (2018 - 2019), Máy cày phao nổi và máy trục - ước mơ nhà nông của ông đoạt giải Nhất.

Hơn thế nữa, năm 2018, “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô được mời tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương tôn vinh các anh hùng, điển hình tiên tiến diễn ra tại Hà Nội. Gần đây nhất, ông Rô còn được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020 diễn ra tại Thủ đô vào ngày 9/12/2020.

Tiếp tục nghiên cứu các loại máy phục vụ nông nghiệp

Là người đam mê sáng chế, thời gian tới ông Nguyễn Văn Rô sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu ra những loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông dự định trong năm 2021 sẽ cố gắng nghĩ và sáng chế một cái máy “siêu gọn nhẹ” cho bà con nông dân cày để trồng rau, hoa màu,…

Việt Tâm

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (19)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-su-chan-dat-sang-che-may-cay-phao-noi-cho-vung-dat-ngap-nuoc-a355116.html