+Aa-
    Zalo

    Cuộc chiến sách giả trên sàn thương mại điện tử: Gỡ bỏ, khoá tài khoản gian hàng có tạo ra "nắm đấm thép"?

    ĐS&PL Liên quan về các cáo buộc của First News về nạn sách giả khi các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee đồng loạt phản đối, cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng.

    Liên quan đến các cáo buộc của First News về nạn sách giả, sau khi các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee đồng loạt phản đối, cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng.

    Lazada, Shopee, Sendo bị tố cáo tiếp tay tiêu thụ sách giả

    Mới đây, công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) đã đưa ra lời tố cáo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo tiếp tay tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật, làm thiệt hại cho đơn vị này. Phía First News cũng cho biết đã gửi cảnh báo nhiều lần đến các sàn nhưng dường như không được quan tâm.

    Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News nói: “Nguyên nhân khiến sách giả có "đất" tiêu thụ trên không gian mạng là bởi khi truy cập vào sàn thương mại điện tử, khách hàng luôn chọn sản phẩm được giảm giá nhiều nhất. Chính chúng tôi đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên trên tất cả các sàn thương mại điện tử và kết quả tất cả đều là sách in lậu, sách giả”. Ngoài 128 đơn hàng này, First News cũng tuyên bố có trên 500 chứng cứ bán sách giả, sách in lậu của các công ty, các sàn thương mại điện tử trong cả nước do bạn đọc gửi về.

    “First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. First News có 1.000 tựa sách nhưng phải chiến đấu với trên 3.000 phiên bản sách lậu, sách giả khác nhau tìm mọi cách để tiêu thụ công khai cạnh tranh với sách thật. Và với trình độ in ấn cao, các nhà sách, đại lý và bạn đọc khó nhận biết được nếu không so sánh với một cuốn sách thật đặt ngay bên cạnh, so từng trang”, ông Nguyễn Văn Phước cho hay.

    First News lên tiếng tố cáo các sàn thương mại điện tử tiếp tay tiêu thụ sách giả.

    Đại diện First News cũng khẳng định, họ đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn thương mại điện tử nhưng dường như không được quan tâm. Các sàn này cho biết chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ hàng hóa giả khác. Tuy nhiên, qua trao đổi với PV, các sàn thương mại điện tử đều khẳng định, họ chưa từng nhận được phản ánh chính thức nào của First News về việc sách giả, sách in lậu được tiêu thụ công khai trên sàn của mình.

    Bằng văn bản, đại diện truyền thông của sàn Sendo khẳng định: “Gần 7 năm trên thị trường, Sendo luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Về thông tin một số sản phẩm sách không có bản quyền xuất hiện trên Sendo, chúng tôi đã thường xuyên gửi thông báo đến toàn bộ người bán hàng để nhắc nhở về chính sách của sàn và pháp luật hiện hành về xuất bản, kinh doanh sách”.

    Theo đó, phía Sendo sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp có liên quan để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời tất cả hành vi vi phạm của người bán, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Còn sàn Shopee cho rằng, theo Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, người bán hàng trên sàn phải bảo đảm tính chính xác, trung thực về thông tin hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, họ còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    “Các quy định pháp luật liên quan quy định rõ, Shopee đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử. Nói rõ hơn, Shopee chỉ cung cấp nền tảng cho  phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền, chức năng, nghiệp vụ và cũng không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là sách lậu, sách giả hay không”, đại diện sàn Shopee nói.

    Đồng quan điểm với Sendo và Shopee, sàn Lazada cũng khẳng định, phía Fisrt News cần cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn để họ xử lý các người bán có hành vi vi phạm pháp luật. Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được phản ánh chính thức của công ty First News về vấn đề này. Họ cho biết đã mua hàng và phát hiện sách giả thì phải nói rõ chi tiết về đơn hàng để chúng tôi kiểm tra. Còn nếu họ nói nhưng không có bằng chứng thuyết phục thì chúng tôi xin không bình luận”.

    “Theo quy trình xử lý khiếu nại của Lazada, doanh nghiệp sở hữu tác quyền có thể liên hệ với Lazada để chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này làm việc với người vi phạm tác quyền để xử lý”, đại diện Lazada cho hay.  Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử này cho biết luôn sẵn sàng hợp tác với phía nhà xuất bản để bảo đảm công tác rà soát, kiểm soát hàng hóa được thực hiện một cách hiệu quả theo quy định pháp luật.

    Nếu vi phạm phải có biện pháp gỡ bỏ gian hàng

    Liên quan đến vụ việc trên, sáng 19/6, trao đổi nhanh với PV báo ĐS&PL, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng tổng cục Quản lý thị trường (thuộc bộ Công Thương) chia sẻ: “Quy định về hoạt động thương mại điện tử đã nêu rõ trách nhiệm của các sàn trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ mà các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng vi phạm".

    Từ đó, ông Trần Hữu Linh khẳng định, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý ngành văn hóa trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu.

    Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho biết: “Theo Bộ luật  Hình sự 2015 sửa đổi 2017, thì có 4 tội liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, tội sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và vi phạm các quy định của luật Xuất bản đều quy cho người sản xuất sách giả, sách lậu. Vì vậy, việc quy tội cho đối tượng buôn bán các mặt hàng này trên môi trường mạng, các shop đều chỉ là đơn vị trung gian chứ không có kho hàng nên thực sự rất khó khăn để xử lý”.

    Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, hành vi in giả và buôn bán sách giả được coi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cuộc đấu tranh chống lại sách giả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, cơ quan chức năng, luật sư...

    Luật sư Châu Huy Quang, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: “Hệ thống luật pháp về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã rất đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề thực thi qua nhiều năm không có sự cải thiện, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết đều nêu rõ vai trò về bảo hộ quyền tác giả, thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có cam kết nhưng cần "nội địa hóa" cam kết sao cho có hiệu quả lại là vấn đề còn cần bàn tới nhiều”.

    Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp lý cần điều chỉnh theo hướng có quy định và chế tài xử lý mạnh tay hơn bởi tình trạng làm giả sách đã đến mức báo động, ảnh hưởng lớn đến uy tín của người làm sách.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 26

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-sach-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-go-bo-khoa-tai-khoan-gian-hang-co-tao-ra-nam-dam-thep-a282082.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan