Các dự án nhiệt điện TQ làm tổng thầu tỉ lệ nội địa gần bằng...0\%


Thứ 2, 08/12/2014 | 04:16


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải loạt bài 37 kỳ, phân tích và đưa ý kiến của các chuyên gia về những nghi ngại các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc t

(ĐSPL) - Báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải loạt bài 37 kỳ, phân tích và đưa ý kiến của các chuyên gia về những nghi ngại các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Mới đây, vấn đề này đã gây "nóng" nghị trường khi được các ĐBQH đưa ra chất vấn vị "tư lệnh" ngành Công Thương trước Quốc hội. Trả lời các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư khi để rất ít doanh nghiệp Việt được tham gia vào các công trình nhiệt điện...

Câu chuyện làm nóng nghị trường Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII) đã nêu vấn đề: Hiện nay, trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0\% tại 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Trong khi đó, những dự án do Việt Nam làm tổng thầu tỉ lệ nội địa hóa đạt 25\%. Điều đáng quan tâm là về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được 40\% giá trị thiết bị các nhà máy này.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hiện nay, tất cả nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng phần lớn đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công rồi sau đó bàn giao cho chúng ta vận hành). Chính vì vậy, trong tổng thầu EPC, phần lớn công việc liên quan đến máy móc, thiết bị do nhà tổng thầu đảm nhận. Trong số các máy móc, thiết bị này, kể cả các kết cấu kim loại, doanh nghiệp (DN) trong nước có điều kiện làm được nhưng trên thực tế, sự tham gia của DN Việt Nam rất ít.

 - Các dự án nhiệt điện TQ làm tổng thầu tỉ lệ nội địa gần bằng...0\%

Nhiều ĐBQH bày tỏ nghi ngại về các nhà máy nhiệt điện rơi vào tay nhà thầu ngoại với tỉ lệ nội địa hóa bằng... 0\%.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhận thức được sự cần thiết trong việc tạo điều kiện cho DN trong nước được tham gia vào các công trình công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo, Chính phủ đã có không ít văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu phải tách bạch những gói thầu mà DN Việt có thể làm được ra khỏi các gói thầu do nhà đầu tư nước ngoài đảm nhận.

"Trong yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong nhiều văn bản đều nêu rõ chủ trương này. Rất tiếc, có chủ trương rất rõ ràng, nhưng một số trường hợp, do nhiều lý do, các chủ đầu tư của chúng ta không thực hiện được việc tách các gói thầu này ra. Cho nên, trên thực tế vẫn nằm trong gói thầu của tổng thầu EPC do nhà đầu tư nước ngoài triển khai", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Về giải pháp để giải quyết việc các dự án nhiệt điện lớn, doanh nghiệp Việt phải "ra rìa", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: "Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ và một số bộ, ngành liên quan thường xuyên xây dựng, ban hành danh mục máy móc, thiết bị chúng ta có thể sản xuất để khuyến cáo các chủ đầu tư sử dụng những máy móc, nguyên liệu này. Định kỳ, Bộ Công Thương sẽ công bố danh mục và phổ biến rộng rãi đến các địa phương, các DN. Bộ còn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trao đổi, khuyến nghị các chủ đầu tư ngoài quốc doanh, khi đầu tư các công trình lưu ý việc này. Về mặt quản lý Nhà nước đã làm rốt ráo như vậy nhưng thực tế hiệu quả chưa cao".

Mổ xẻ nguyên nhân yếu kém khiến dự án nhiệt điện rơi vào nhà thầu ngoại

Trước đó, như báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng thì có 15 công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa bằng 0\%. Song, điều đáng nói ở đây lại là chất lượng, tiến độ thi công và vấn đề đội giá của nhà thầu Trung Quốc khiến không ít chuyên gia đặt ra câu hỏi về công tác tổ chức đấu thầu, chọn thầu của chủ đầu tư, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 (giai đoạn 2006-2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ...; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1. Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương... đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2-3 năm.

Không những thế, trong quá trình thi công, nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: Thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật... Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.

Bên lề hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII), ĐBQH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) nói với PV bản báo: "Trong trả lời, Bộ trưởng cũng đã thừa nhận chúng ta thiếu chính sách, nhưng có một ý trong câu hỏi của chúng tôi, đó là trách nhiệm trong việc thiếu chính sách. Trách nhiệm của các bộ, ngành và trách nhiệm của Bộ Công Thương, của Bộ trưởng với vấn đề này".

Trong khi đó, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ ra các nguyên nhân yếu kém dẫn đến việc các dự án nhiện điện rơi vào tay nhà thầu ngoại. Trong đó, nguyên nhân đề cập đến có chính sách nhưng thiếu cấp độ pháp lý cũng như không đồng bộ. "Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong những nguyên nhân quan trọng nhất của tình hình yếu kém vừa qua chính là sự thiếu tập trung về quản lý lãnh đạo của Nhà nước đối với công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo. Nếu đúng như vậy thì thông điệp của chúng ta ở đây là sắp tới nên tập trung quản lý lãnh đạo cho tốt", Đại biểu Đáng cho hay.

Trước đó, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: "Ở nước ta, thời gian qua tồn tại tình trạng các chủ dự án lập ra ban quản lý dự án đảm nhiệm công việc đấu thầu, giám sát các nhà máy nhiệt điện nhưng họ lại thiếu vốn, kinh nghiệm và năng lực. Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án, ban quản lý không có đủ tính chuyên nghiệp cộng với "luật hở" khiến các nhà thầu nước ngoài lần lượt chiếm hết các công trình lớn, quan trọng. Chính vì vậy, phải có cơ quan có đội ngũ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm tốt để có thể gánh vác được những hạn chế mà các chủ đầu tư đã để lại".

Tập trung nội địa hóa cho các nhà máy nhiệt điện

"Chính phủ cũng có những giải pháp cụ thể như dự án điện, hiện đang giao ngành điện, cơ khí trong nước tập trung thử nghiệm chế tạo máy phát công suất 600MW, sẽ áp dụng ở nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lưu và Quảng Trạch (Quảng Bình). Hiện các DN, tổ hợp trong nước đang triển khai dự án thử nghiệm này. Nếu làm được sẽ mở ra con đường nội địa hóa ngày càng cao phần đầu tư các nhà máy nhiệt điện".

(Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng)

Cần thành lập Bộ Năng lượng?

Mới đây, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã đề xuất, Nhà nước nên sớm thành lập bộ Năng lượng để giúp Chính phủ trong việc quy hoạch, giải quyết các cơ chế chính sách về năng lượng. Trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa ngành năng lượng nhằm phát triển thị trường năng lượng một cách bền vững, lâu dài đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đề xuất của ông Trần Viết Ngãi được không ít chuyên gia kinh tế, năng lượng đồng thuận.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-du-an-nhiet-dien-tq-lam-tong-thau-ti-le-noi-dia-gan-bang0-a72790.html