Những thương hiệu Việt vang bóng một thời: Kem Trang Tiền và thương vụ "áo gấm đi đêm"?


Thứ 7, 13/06/2020 | 23:56


Cùng sự kiện

Là thương hiệu lớn, có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường Việt, thế nhưng, giờ đây, kem Tràng Tiền đang phải "vất vả" tìm chỗ đứng giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Là thương hiệu lớn, có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường Việt, thế nhưng, giờ đây, Kem Tràng Tiền đang phải "vất vả" tìm chỗ đứng giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt với không ít các đối thủ.

Kem Tràng Tiền trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất Hà thành. Ảnh minh họa

Nét văn hóa đặc trưng của đất Hà thành

Ra đời từ năm 1958, Kem Tràng Tiền (số 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn là cái tên được người dân Hà Nội nhắc đến khi nói về những thức quà vặt làm say lòng người đất Hà thành.

Sở dĩ có tên "Tràng Tiền" là bởi kem được bán và sản xuất ở phố Tràng Tiền, lần đầu tiên là tại số nhà 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Kem Tràng Tiền đa dạng về hương vị, chủng loại, đã chinh phục đông đảo người dân, đặc biệt là lứa thế hệ đi qua thời bao cấp 6x, 7x và 8x,… Theo năm tháng, Kem Tràng Tiền đã trở thành thương hiệu ẩm thực nổi tiếng, uy tín và là một nét văn hóa đặc trưng của đất Hà thành.

Tuy nhiên, thương hiệu kem truyền thống của Hà Nội hiện đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ cả trong và ngoài nước, như Kido, Vinamilk, TH Truemilk hay Nestlé... Sự phát triển mạnh mẽ của các đối thủ tư nhân đang đẩy Kem Tràng Tiền vào cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, chiến lược chỉ bán ở một địa điểm duy nhất là trên con phố Tràng Tiền lại là “con dao hai lưỡi” chặn đứng bước phát triển của hãng.

Khi mà các thương hiệu khác mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình bằng các điểm phân phối thì Kem Tràng Tiền lại tự bó buộc mình bằng cách định vị chính mình trong tâm trí khách hàng rằng, chỉ có địa chỉ 35 Tràng Tiền là “hàng chuẩn”.

Mặc dù hiện tại, hãng cũng đã triển khai những cửa hàng ở nhiều địa điểm khác nhau theo hình thức nhượng quyền (Franchise), nhưng điều đó chưa tạo được thành công như mong muốn

Khi "đại gia" mua kem… không phải vì kem

Trong khi tình hình kinh doanh ngày càng èo uột, thì Kem Tràng Tiền lại sở hữu một loại tài sản rất có giá trị, là lợi thế về đất đai.

Do đó, đối với giới tài chính, ngoài giá trị về mặt thương hiệu, họ đánh giá cao giá trị của CTCP Tràng Tiền nhờ mảnh đất "vàng" 1.300 m2 giữa lòng Thủ đô .

Với lợi thế lớn như vậy, sẽ không bất ngờ nếu một vị "đại gia" nào đó mạnh tay mua lại thương hiệu kem này nhưng không phải vì... kem.

Năm 2008, màn thâu tóm Kem Tràng Tiền của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) của đại gia lừng danh một thời Hà Văn Thắm gắn liền với khoản tạm ứng hơn 600 tỷ đồng với cựu Chủ tịch Hà Trọng Nam từng làm tốn không ít giấy mực của báo giới, qua đó phần nào phản ánh giá trị của lô đất 35 Tràng Tiền.

Về tay Ocean Group, Kem Tràng Tiền đã có những chuyển biến đáng chú ý.

Ông Hà Văn Thắm từng chia sẻ, khi mua lại vào năm 2008, doanh số công ty chỉ có 12 tỷ/năm nhưng đã tăng lên 100 tỷ trong năm 2013, lợi nhuận theo đó đạt khoảng 25 tỷ đồng.

Kem Tràng Tiền cũng đã mở rộng địa bàn bao gồm 24 đại lý trực thuộc công ty; 10 hệ thống cửa hàng tại Hà Nội và 2 cửa hàng tại TP.HCM.

Năm 2019, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đã thay đổi toàn bộ Hội đồng quản trị mới. Công ty con của Ocean Group là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền cũng thay lãnh đạo mới. Theo đó, Chủ tịch mới của thương hiệu này là ông Nguyễn Thành Trung.

Ông Thành từng chia sẻ với báo chí là đã bỏ ra 10 tỷ đồng để tu sửa toàn bộ không gian ở Kem Tràng Tiền.

Toàn bộ không gian bên trong hàng kem cũng được thiết kế lại với nhiều dấu ấn của nét kiến trúc pha lẫn cổ điển và hiện đại. Mặc dù vậy, cửa hàng vẫn không có bàn ghế cho khách ngồi thưởng thức. Có lẽ là do ăn kem đứng đã trở thành đặc trưng của nơi đây nên mọi người không muốn thay đổi.

Khoác một chiếc áo mới, kem Tràng Tiền bề ngoài có sinh khí hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn có không ít người nuối tiếc vẻ mộc mạc, giản dị, mang đậm dấu ấn thời gian của thương hiệu kem nhất nhì đất Hà thành.

Là thương hiệu truyền thống từng "làm mưa làm gió" trên thị trường với vị thế gần như tuyệt đối thế nhưng, đến nay, thương hiệu Kem Tràng Tiền phải chật vật tồn tại khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Bên cạnh đó, vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng khiến cho hình ảnh của Kem Tràng Tiền không còn giữ vững được vị thế như trước.

"Bảo vệ" thương hiệu Kem Tràng Tiền không đơn giản là "bảo vệ" một nhãn hàng mà hơn hết, đó còn là bảo vệ một nét văn hóa đặc sắc, tinh tế của ẩm thực thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-thuong-hieu-viet-vang-bong-mot-thoi-kem-trang-tien-va-thuong-vu-ao-gam-di-dem-a327041.html