Nợ của Xi măng Hạ Long giảm 1.440 tỷ đồng và câu chuyện tái cơ cấu tài chính của VICEM


Chủ nhật, 16/09/2018 | 02:43


Qua quá trình tái cơ cấu đến nay, VICEM đã và đang chứng tỏ đường hướng, phương hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Qua quá trình tái cơ cấu đến nay, VICEM đã và đang chứng tỏ đường hướng, phương hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Vì sao nợ của Xi măng Hạ Long giảm 1.440 tỷ đồng?

Xi măng Hạ Long gánh trên vai 7.989 tỷ đồng nợ phải trả và lỗ lũy kế là 3.640 tỷ đồng; nợ phải trả của Xi măng Sông Thao là 1.076 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 436 tỷ đồng; Bộ Tài chính phải trả nợ thay 52,2 triệu USD vay nước ngoài cho Xi măng Hạ Long trong 07 kỳ; trả nợ thay cho Xi măng Sông Thao 03 kỳ với tổng giá trị là 1,92 triệu EUR và 2,92 triệu USD…. Đó là những thống kê sơ bộ về bức tranh tài chính của Xi măng Hạ Long và Sông Thao trước khi chuyển về VICEM.

Kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nợ phải trả lớn, dòng tiền thu về không đủ trả nợ đã đẩy Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao đến bờ vực phá sản. Nếu không được tái cơ cấu, “gánh nặng” Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao không biết sẽ đi về đâu?

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, VICEM đã tiếp nhận Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà (tháng 3/2016) và tiếp nhận Xi măng Sông Thao từ Tổng công ty HUD (tháng 6/2017).

Ngay sau khi tiếp nhận Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao, VICEM thực hiện tái cơ cấu toàn diện cho Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm: tài chính; sản xuất; vật tư chuỗi cung ứng; tiêu thụ; tổ chức; hệ thống quản trị doanh nghiệp với các mục tiêu chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền tăng; doanh nghiệp tự cân đối dòng tiền để trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài, nợ quỹ tích lũy Bộ Tài chính, góp phần giảm nợ công, đồng thời tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp từ nội tại của từng doanh nghiệp.

Đến nay, sau hơn 2 năm tiếp nhận Xi măng Hạ Long và hơn 1 năm tiếp quản Xi măng Sông Thao, tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của hai đơn vị đã tốt lên rất nhiều. Đặc biệt sau khi được VICEM tái cơ cấu, bổ sung vốn điều lệ (VICEM đã thực hiện tăng vốn điều lệ 02 đợt cho Xi măng Hạ Long với tổng số tiền là 960 tỷ đồng), hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long đã khá hơn: Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của Xi măng Hạ Long tăng từ 200-300 tỷ đồng mỗi năm so với thời điểm trước khi VICEM tiếp nhận; Xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng (43,06 triệu EUR và 3,06 triệu USD) và trả nợ Quỹ tích lũy là 782 tỷ đồng (29,17 triệu EUR). Nợ phải trả của Xi măng Hạ Long đến nay là 6.549 tỷ đồng, giảm 1.440 tỷ đồng so với thời điểm trước khi VICEM tiếp nhận.

Mặc dù Xi măng Hạ Long đang nhiều khó khăn do lỗ lũy kế quá lớn nhưng sau khi tái cơ cấu, Xi măng Hạ Long là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt của VICEM, tỷ suất hoạt động Ebitda/Doanh thu thuần đạt mức cao từ 27% trở lên. Cụ thể: Năm 2016, lợi nhuận trước thuế là 148,12 tỷ đồng; năm 2017, lợi nhuận trước thuế là lỗ 199,5 tỷ đồng do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng (nếu loại trừ ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá cuối kỳ thì lợi nhuận của Xi măng Hạ Long là 112,65 tỷ đồng); dự kiến, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ.

Cùng với đó, tình hình “sức khỏe” của Xi măng Sông Thao cũng khá lên nhiều sau khi VICEM tiếp nhận, tái cơ cấu. Lợi nhuận trước thuế của Xi măng Sông Thao trong năm 2017 là 0,56 tỷ đồng; dự kiến năm 2018, lợi nhuận trước thuế Xi măng Sông Thao là 30 tỷ đồng. Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của Xi măng Sông Thao tăng khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù VICEM không thực hiện tăng vốn điều lệ cho Xi măng Sông Thao nhưng Xi măng Sông Thao đã tự cân đối để trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính. Cụ thể Xi măng Sông Thao đã trả nợ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính đến nay là 96,8 tỷ đồng (1,92 triệu EUR và 1,94 triệu USD). Dự kiến Xi măng Sông Thao sẽ trả nợ hết số nợ còn là 22,4 tỷ (0,975 triệu USD) cho Quỹ tích lũy Bộ Tài chính trong năm 2018.

Câu chuyện tái cơ cấu của VICEM

Bước sang năm 2018, VICEM đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện với mục tiêu tăng năng lực sản xuất, khả năng tiêu thụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn VICEM, tạo động lực và tiền đề để cổ phần hóa Công ty mẹ VICEM trong năm 2019. Kết quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù doanh thu thuần của Công ty mẹ VICEM giảm nhưng lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại tăng 47,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Theo báo cáo tài chính của VICEM, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty mẹ VICEM đạt 120,09 tỷ đồng, giảm 195,53 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017 (doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 đạt 315,63 tỷ đồng). Nguyên nhân sụt giảm là do thực hiện tái cơ cấu, từ năm 2018, Công ty mẹ VICEM không  thực hiện ủy thác xuất khẩu clinker và tổ chức mua sắm tập trung tại Tổng VICEM như trước  mà chuyển về các đơn vị thành viên thực hiện. Hiện doanh thu của Công ty mẹ VICEM chỉ còn doanh thu phí tư vấn, không ghi nhận phần doanh thu của các hoạt động ủy thác xuất khẩu clinker và mua sắm tập trung như trước đây.

Theo đại diện lãnh đạo VICEM, về bản chất hoạt động ủy thác xuất khẩu và mua sắm tập trung là thu hộ, chi hộ, không tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận cho công ty mẹ VICEM, có thể rủi ro về pháp lý, làm tăng công nợ nội bộ, đồng thời tạo nên sức ì cho một số đơn vị thành viên. Từ năm 2018, hoạt động này đưa về đơn vị thành viên để các đơn vị chủ động thực hiện, Công ty mẹ VICEM đẩy mạnh tái cơ cấu để tập trung điều hành, chỉ đạo quản lý phần vốn đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường đổi mới, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không “ăn bám” vào Công ty mẹ để nâng cao hiệu quả hoạt động....

Một nguyên nhân nữa khiến doanh thu thuần của VICEM giảm so với năm 2017 là do năm  2017, tập đoàn LafageHolcim thực hiện thoái vốn tại Holcim Việt Nam cho Công ty SiamCityCement của Thái Lan, VICEM đã yêu cầu Tập đoàn LafageHolcim chia toàn bộ lợi nhuận còn lại của Holcim Việt Nam đến thời điểm chuyển nhượng cho các bên liên doanh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, VICEM đã nhận được 892,73 tỷ đồng từ Holcim, trong đó 714,35 tỷ đồng lợi nhuận từ Holcim Việt Nam (tăng 514,5 tỷ đồng so với năm 2018 là 199,8 tỷ đồng) và 178,38 tỷ đồng khoản bồi hoàn cho VICEM.  Nếu loại trừ ảnh hưởng của việc Holcim Việt Nam chia lợi nhuận thì tổng cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư của Công ty mẹ VICEM trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 61,19 tỷ đồng tương đương tăng 13 % so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, VICEM đã thực hiện tăng 480 tỷ đồng vốn điều lệ đợt 2 cho Xi măng Hạ Long trong đề án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng thông qua. VICEM thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với khoản đầu tư tăng thêm này là 480 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018 do Xi măng Hạ Long trước khi chuyển về VICEM còn lỗ lũy kễ. Trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại xi măng Sông Thao sau khi tiếp nhận từ TCT HUD là 347 tỷ đồng.

Tính chung, nếu loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố bất thường, thì lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của công ty mẹ VICEM tăng 86,87 tỷ đồng bằng 110 % so với cùng kỳ năm 2017.

Hiệu quả từ tái cơ cấu


Thực hiện bám sát chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 12/NQ-TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, VICEM đã cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, tăng cường nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để xứng đáng với nhiệm vụ của Nhà nước giao là lực lượng nòng cốt, là đầu tàu dẫn dắt, bình ổn thị trường xi măng.

Hiện Tổng công ty đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, với mục tiêu tăng năng lực sản xuất, khả năng tiêu thụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn VICEM, tạo động lực và tiền đề để cổ phần hóa Công ty mẹ VICEM trong năm 2019.

6 tháng đầu năm 2018, VICEM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: Sản lượng sản xuất đạt 10, 040 triệu tấn clinker và 11,524 triệu tấn xi măng, tương ứng tăng 690.000 tấn clinker và 646.000 tấn xi măng so với cùng kỳ năm 2017; Tiêu thụ cũng tăng tương ứng 617.000 tấn clinker và 708.000 tấn xi măng đạt 2.537.000 tấn clinker và 11.728.000 tấn xi măng so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2017; doanh thu hợp nhất tăng 596 tỷ đồng so với năm 2017 đạt 13.532 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.213,96 tỷ đồng tăng 47,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Dự kiến năm 2018, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng đạt 25 triệu tấn, doanh thu của toàn VICEM đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch năm 2018, đạt mức cao nhất của VICEM; lợi nhuận trước thuế tổng hợp toàn đạt 2.700 tỷ đồng, vượt 1,5% so với kế hoạch năm 2018, tăng 7% so với thực hiện 2017 (mặc dù năm 2017 công ty mẹ VICEM có khoản lợi nhuận tăng đột biến 892,73 tỷ đồng từ việc chia cổ tức của các Công ty Liên doanh).

Qua quá trình tái cơ cấu đến nay, VICEM đã và đang chứng tỏ đường hướng, phương hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thông qua tái cơ cấu, tăng cường đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, quản trị giúp cho VICEM nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung hạn chế, khắc phục những yếu kém hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Vũ Đậu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-cua-xi-mang-ha-long-giam-1440-ty-dong-va-cau-chuyen-tai-co-cau-tai-chinh-cua-vicem-a244097.html