Siêu dự án liên hiệp thể thao Rạch Chiếc 34.000 tỷ đồng bất động


Thứ 3, 13/08/2019 | 23:55


Cùng sự kiện

Sau hàng chục năm, “siêu dự án” Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc với các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic vẫn chỉ là bãi đất trống bao la.

Sau hàng chục năm, “siêu dự án” Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc với các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic vẫn chỉ là bãi đất trống bao la.

Toàn cảnh bãi đất của dự án Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc nhìn từ trên cao. Ảnh: cafef.vn

Theo báo Sài Gòn Giải phóng, hơn 25 năm trước, khi dự án Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic đã được TP.HCM phê duyệt, đã làm nức lòng giới thể thao thành phố và trong ánh mắt ngưỡng mộ của các tỉnh, thành ngành khác. Nhưng đến nay, “siêu dự án” này vẫn chỉ là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm.

Theo quy hoạch từ tháng 2/1994, Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc, với quy mô 466ha, sẽ có sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... nhằm có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Ngoài ra, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. 

Tuy nhiên, tới nay, diện tích quỹ đất dành cho Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc còn lại chưa đầy 180 ha.

Báo Đất Việt cho biết, hồi tháng 8/2016, có 4 nhà đầu tư gồm công ty Nutifood, công ty Thái Sơn Nam, tập đoàn J – CODE của Nhật Bản và Công ty TNHH Vietnam Sports Platform của Hàn Quốc muốn tham gia đầu tư các công trình thuộc dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc. 

Trong đó, công ty Vietnam Sports Platform đề xuất xây dựng sân vận động thể thao tiêu chuẩn quốc tế tích hợp đường đua xe đạp lòng chảo trong nhà và đường đua xe mô tô ngoài trời trên diện tích đất khoảng 15ha.

Tập đoàn J – CODE muốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ Khu liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc theo hình thức hợp tác công tư.

Công ty Thái Sơn Nam lại đề xuất được đầu tư xây dựng Trung tâm Thể thao bóng đá Futsal với diện tích 11ha trong dự án này. Công ty Nutifood đề xuất xây dựng một học viện bóng đá quy mô hiện đại bằng nguồn vốn xã hội hóa trên diện tích khoảng 5ha.

Những con đường dẫn vào dự án vẫn còn khá dang dở. Ảnh: cafef.vn

Dự kiến thành phố sẽ phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư triển khai các hạng mục bên trong khu.

Tháng 8/2017, thành phố đã làm việc với Công ty Bouygues Batiment International nhằm bàn về dự án sân vận động 50.000 chỗ ngồi tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc. Đây là dự án quan trọng trong đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) của TP.HCM. Sân vận động này sẽ có quy mô hiện đại nhất nước với 50.000 chỗ ngồi (sân Mỹ Đình chỉ có 40.000 chỗ).

Tuy nhiên tới năm 2018, sau khi TP.HCM không được chọn trao quyền đăng cai SEA Games năm 2021 (Hà Nội và một số địa phương lân cận sẽ chịu trách nhiệm tổ chức), người làm thể thao TP.HCM càng trăn trở hơn và lo ngại rằng dự án này phải khá lâu nữa mới được “bấm máy” khởi động, trong khi nhu cầu phát triển nhiều môn trọng điểm như bóng đá, điền kinh, xe đạp… dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngày càng lớn.

Khu LHTT Rạch Chiếc chưa ra đời, cho nên mọi hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ của thể thao TP.HCM chủ yếu diễn ra ở các công trình Nhà thi đấu do quận, huyện quản lý, một số công trình được giao cho các đơn vị sự nghiệp có thu phụ trách (Nhà thi đấu Phú Thọ, Nhà tập luyện Phú Thọ, Trung tâm HLTT TPHCM, Trung tâm TDTT Hoa Lư, Trung tâm TDTT dưới nước Thanh Đa…).

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-du-an-lien-hiep-the-thao-rach-chiec-34000-ty-dong-bat-dong-a288585.html