Tập đoàn điện lực EVN lãi bao nhiêu trong năm 2018?


Thứ 4, 18/12/2019 | 15:18


Bộ Công Thương vừa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 vào chiều ngày 18/12.

Bộ Công Thương vừa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 vào chiều ngày 18/12.

EVN lãi gần 700 tỷ đồng kinh doanh trong năm 2018. Ảnh: Zing.vn.

Theo Vnexpress, giá thành sản xuất kinh doanh năm 2018 của EVN là 1.727,41 đồng một kWh, tăng 3,58% so với 2017. Giá bán điện (sau khi cộng các chi phi phát điện, truyền tải...) là 1.731,04 đồng mỗi kWh. "Như vậy, mỗi kWh điện EVN lãi khoảng 4 đồng", Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói.

Năm 2018, EVN lãi gần 700 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 0,47%. Với tỷ suất lợi nhuận này, ông Vượng nhận xét, về lâu dài EVN sẽ gặp khó khăn tài chính nếu phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, EVN ghi nhận doanh thu bán điện năm 2018 gần 333.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 15%. Sản lượng điện thương phẩm gần 193 tỷ kWh.

Bóc tách từng chi phí trong giá bán điện thương phẩm, theo ông Tuấn, khâu phát điện chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 255.700 tỷ đồng, ứng với giá thành khâu này trong điện thương phẩm là 1.329,17 đồng một kWh. Chi phí truyền tải tương ứng 102,36 đồng trong mỗi kWh điện bán ra; phân phối là 288,99 đồng một kWh; phí phụ trợ, quản lý khoảng 6,88 đồng một kWh.

Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn còn khoản chênh lệch tỷ giá từ mua bán điện treo lại từ năm 2015 và 2017, gần 3.091 tỷ đồng và chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Thông tin thêm trên báo Tuổi Trẻ về kế hoạch cung cấp điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung ứng điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình chậm tiến độ vào vận hành.

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh.

Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành năm 2020 là khoảng 4.300 MW, với gần 2.000 MW điện gió và điện mặt trời mới vào vận hành, cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương ứng với 4,16% tổng nhu cầu điện.

Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp điện, ông Tuấn cho biết sẽ phải huy động 3,397 tỷ kWh từ nguồn chạy dầu với giá thành cao.

Riêng mùa khô năm 2020 phải dự kiến huy động 3,153 tỷ kWh từ nguồn chạy dầu, và có thể huy động tăng thêm nếu xảy ra tình huống cực đoan nếu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-dien-luc-evn-lai-bao-nhieu-trong-nam-2018-a305114.html