Đột nhập “tổng kho” hàng lậu và bí mật sau cánh cửa luôn đóng im ỉm


Thứ 6, 26/12/2014 | 12:16


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Sau nhiều ngày mật phục và theo dõi, lần theo từng manh mối nhỏ nhất, chúng tôi đã lần ra được địa chỉ thật của văn phòng hai địa chỉ mua bán hàng trên mạng.

(ĐSPL) - Sau nhiều ngày mật phục và theo dõi, lần theo từng manh mối nhỏ nhất, chúng tôi đã lần ra được địa chỉ thật của văn phòng hai địa chỉ mua bán hàng trên mạng. Trên thực tế, văn phòng và kho để hàng thật của hai siêu thị hàng lậu nhỏ, tồi tàn khác xa so với trụ sở “ảo” họ “treo” trên mạng.

Sau quá trình tìm hiểu, PV còn phát hiện ra rằng, cả hai trang web này đều do một công ty đứng phía sau điều hành. Cũng phải mất nhiều ngày mật phục, rất vất vả chúng tôi mới thâm nhập vào được tổng kho của công ty hàng lậu này.

PV báo Đời sống và Pháp luật đột nhập “kho hàng bí mật”

Theo tìm hiểu của PV, hai trang web Thoitrang360... và Sieuthihanghoa... đều thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần truyền thông đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam đặt trụ sở ở số 11, đường Nam Trung Yên 6 (Cầu Giấy, Hà Nội). Sau quá trình điều tra, theo dõi các nhân viên giao hàng, chúng tôi nhận ra rằng, công ty này có hai kho. Một kho lớn ở phòng 1209 (chung cư tầng thứ 12 tòa nhà B11A, khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) và một kho nhỏ hơn ở trên tầng 2 công ty.

Trụ sở làm việc của công ty cũng là nơi cất hàng lậu.

Do nhân viên Q. (người giao hàng cho PV đã viết ở kỳ trước) đã biết mặt PV nên chúng tôi quyết định mật phục ở dưới kho hàng của công ty này chờ đợi Q. đi khỏi mới đột nhập. Tuy nhiên, cả buổi sáng hôm ấy, do không có đơn hàng nên Q. và một nhân viên luôn cắm chốt ở đây. Chính vì thế, cả buổi sáng, PV đành “án binh bất động”.

Đầu giờ chiều, đang ngồi quan sát, chúng tôi thấy Q. cầm một kiện hàng đi giao. Xác định đây là thời cơ tốt, PV liền vào vai người mua nhà chung cư đến để xem phòng. Vừa bấm chuông, chúng tôi đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở phía trong. Sau này PV mới biết, đó chính là người nhà của ông giám đốc công ty đã dọn đến đó ở nhờ. Khoảng 1 phút sau, một thanh niên mở khóa cửa trong hé ra nhìn PV. Bên ngoài, vẫn còn một cửa song sắt đã được khóa từ phía trong.

“Chúng tôi đang đi xem căn phòng tầng 13, cùng vị trí với phòng của anh. Tuy nhiên, chủ nhà đi vắng nên ban quản lý tòa nhà bảo chúng tôi xuống xem nhờ nhà anh trước”. Nhân viên này bảo chúng tôi đợi rồi vào nhà gọi điện cho một ai đó. Có lẽ, mặc dù không muốn cho bất cứ ai “xâm phạm” kho hàng nhưng vì nói rằng ban quản lý tòa nhà bảo xuống xem, nên nhân viên này cũng miễn cưỡng cho vào. Sau hai lớp cửa lúc nào cũng được khóa kín, chúng tôi đã vào được kho chứa hàng lậu. Tuy nhiên, ở bên ngoài không hề có bất cứ sản phẩm nào mà toàn bộ hàng lậu họ đã đặt ở một gian phòng bên phía tay phải cửa và đóng im ỉm.

Tôi ngỏ ý muốn thanh niên này cho xem qua phòng khóa để sau này dễ dàng cho việc chọn nội thất. Tuy nhiên, lấy lý do bên trong là phòng làm việc của chủ nhà, có nhiều tài sản nên thanh niên này nhất quyết không cho chúng tôi vào. Nhìn qua khe cửa vào bên trong, tôi thấy lờ mờ những túi đựng sản phẩm chất cao như núi. Từ khi đặt chân vào phòng, thanh niên này luôn dõi theo chúng tôi từng bước chân. Khi PV vừa xuống đến tầng 1 thì nhìn thấy Q. vừa đi giao hàng về đến nơi. Có lẽ, nếu chậm chân một chút, chúng tôi đã bị nhân viên này phát hiện.

Trao đổi với PV, một người dân sống ở tầng 12 chỉ tay vào phóng 1209 bảo: “Đây là kho và văn phòng của công ty bán hàng qua mạng. Công ty kiểu gì mà mùa hè cũng như mùa đông, tối cũng như sáng lúc nào cũng đóng cửa im ỉm. Tôi thấy có hai thanh niên thường đến đây trông kho, kiêm luôn cả nhân viên giao hàng. Đến giờ cơm họ lại khóa cửa đi rồi hơn 1h chiều lại về. Trước đây, thỉnh thoảng buổi tối cũng thấy họ lục đục mở cửa rồi mang hàng đi ra ngoài. Vẫn biết đây là kho nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ nhập hàng về. Chắc công ty này toàn nhập hàng lúc nửa đêm”.

Hàng “đẳng cấp châu Âu” bán với giá... chợ quê

Trong mục giới thiệu của hai trang web Thoitrang360... và Sieuthihanghoa... đều ghi rất rõ rằng, đây là những website thương mại điện tử theo hướng B2C - Business to Consumer (từ Doanh nghiệp tới Khách hàng - PV), tập trung kinh doanh ở mảng chính là mua sắm - thời trang và phụ kiện. Với mong muốn trở thành một địa chỉ mua sắm trực tuyến đáng tin cậy đối với người tiêu dùng nên họ đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm được bán ra, đảm bảo quy trình trong việc kiểm tra chất lượng nhà cung cấp cũng như các đối tác khác. Thậm chí, với những nhãn hàng hiệu trên thế giới bán với giá vài chục, đến cả trăm triệu đồng thì “siêu thị hàng lậu” chỉ bán với giá vài trăm đến 2 triệu đồng. Theo lời của trang web này thì họ đã giảm giá đến 90\%. Với cách quảng cáo như vậy, nhiều khách hỉ hả tưởng đang được giảm giá nhưng họ đâu biết được rằng mình đang xài hàng hiệu nhưng “made in China”, không giấy tờ, hóa đơn.

Không chỉ đăng ký trụ sở “ma” ở những trung tâm thương mại lớn để tạo uy tín cho khách hàng mà công ty này còn bỏ tiền ra quảng cáo trên một số báo... Trên báo này, web Thoitrang360... thản nhiên quảng cáo đường link về một chiếc túi xách mà họ nói rằng đẳng cấp châu Âu HandPink nhưng có giá chỉ 560.000 đồng. Không ít “thượng đế” vào các trang báo điện tử để xem thông tin, thấy web này quảng cáo rầm rộ liền đặt tiền mua. Tuy nhiên, sau này họ mới vỡ lẽ ra rằng mình đã bỏ tiền ra rước hàng lậu về nhà.

Theo tìm hiểu của PV, thì công ty chuyên kinh doanh hàng lậu này đã hoạt động được hai năm nay. Quy mô khoảng 15-20 nhân viên. Công ty này có cả phòng kinh doanh, phòng chăm sóc khách hàng, phòng truyền thông, phòng kế toán... Trong phòng truyền thông luôn có những người sale (nhân viên bán hàng-PV) và có thu nhập khá ổn định.

Cũng theo một nguồn tin mà chúng tôi có được, tất cả các sản phẩm của công ty này đều nhập từ Trung Quốc. Những chiếc đồng hồ bán gần 3 triệu đồng thì khi họ nhập chỉ 1 triệu đồng. Thậm chí, có những sản phẩm giày dép quần áo, công ty nhập chỉ hơn 100.000 đồng nhưng được rao bán với giá 1 triệu đồng, đấy là còn treo biển giảm giá 40\%.

Một thông tin từ nội bộ của công ty này, mỗi lần đặt hàng, một loại sản phẩm họ thường mua khoảng 10-20 triệu đồng. Mỗi tháng, nhân viên kinh doanh sẽ đặt hàng 100 lần tất cả các đơn hàng từ Trung Quốc. Một tháng, công ty này bán được từ 1.500 đến 1.600 sản phẩm, doanh thu từ 1,2 đến 1,5 tỉ đồng.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-nhap-tong-kho-hang-lau-va-bi-mat-sau-canh-cua-luon-dong-im-im-a76179.html