Giá điện đồng giá 1.747 đồng/kWh: Kịch bản nào giá cũng tăng!


Thứ 5, 17/09/2015 | 23:21


(ĐSPL) - EVN vừa hoàn tất một bản đề án dài 79 trang về cơ cấu biểu giá điện dự kiến tính theo các cách mới.

(ĐSPL) - EVN vừa hoàn tất một bản đề án dài 79 trang về cơ cấu biểu giá điện dự kiến tính theo các cách mới. Cách nào thì biểu giá điện cũng tăng theo lũy tiến, và các kịch bản được gợi ý vẫn có nhiều rắc rối.

Theo EVN, mục tiêu của đề xuất sửa biểu giá điện lần này theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, dễ áp dụng với giai đoạn 2015-2017, là hai năm thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Tuy nhiên, vẫn có đến ba phương án được đưa ra và phương án đang được EVN gợi ý chọn lại “chẻ” nhỏ tiếp thành nhiều kịch bản khác nhau (5 kịch bản). Mỗi một kịch bản lại chia tiếp thành nhiều bậc giá nhỏ hơn nữa.

Ngoài phương án thứ nhất là giữ nguyên 6 bậc giá như quy định hiện hành, EVN đưa ra phương án 2 là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh. Đây được coi là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành. Ưu điểm của nó là tiết kiệm nhân lực và chi phí quản lý cho ngành điện do một quý chỉ ghi chỉ số 1 lần. Tiền điện 2 tháng đầu quý sẽ tạm thu bằng mức tiền điện của bình quân quý trước. Tháng cuối sẽ thanh toán bù trừ theo chỉ số công tơ ghi được.

Tuy nhiên, EVN cho rằng việc áp đồng giá sẽ gây khó khăn cho những người nghèo, thu nhập bình quân thấp. Cách này cũng không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Cụ thể, theo tính toán của ngành điện, nếu áp dụng giá bán điện bình quân năm 2015 là 1.747 đồng một kWh làm giá bán chung, các hộ đang sử dụng điện 30-230 kWh mỗi tháng đều phải trả thêm tiền, so với cách tính lũy tiến bậc thang hiện hành. Mức trả thêm dao động trong khoảng 7.900-23.900 đồng mỗi tháng. Chỉ có các hộ dùng trên 230 kWh là được lợi. Chẳng hạn, hộ dùng 250 kWh giảm được gần 30.000 đồng, hộ dùng 500 kWh giảm được gần 190.000 đồng mỗi tháng.

Biểu đồ cho thấy thay đổi tiền điện hằng tháng (đường màu đỏ) của một hộ ở các mức tiêu thụ khác nhau (đường màu xanh) nếu áp dụng phương thức bán đồng giá.

Trong khi đó, cũng theo thống kê của EVN, năm 2013, tỷ lệ số khách hàng mua điện sinh hoạt sử dụng dưới 200 kWh mỗi tháng là xấp xỉ 81\%. Con số của năm 2014 là 80,44\%. Như vậy, nếu ngành điện áp dụng phương án bán đồng giá, sẽ có không dưới 80\% khách hàng phải trả thêm tiền điện so với cách tính hiện nay.

Ngoài ý tưởng nêu trên, nhằm rút gọn biểu giá, tránh phức tạp trong cách tính toán, đề án của EVN cũng đưa ra 5 phương án khác, nhằm giảm về 3 (4 phương án) hoặc 4 bậc (một phương án).

Với các phương án rút về 3 bậc, đơn cử như việc lấy các bậc thang 100, 200 và 300 kWh làm mốc, tính toán cho thấy tiền điện của các hộ sử dụng dưới 100 kWh sẽ không có nhiều thay đổi. Ngược lại, các hộ sử dụng 100-240 kWh mỗi tháng sẽ phải trả thêm tối đa 11.350 đồng, song nếu dùng trên mức này, tiền điện có thể giảm hơn 20.000 đồng mỗi tháng so với hiện nay.

Với phương án biểu giá điện 4 bậc, người chịu thiệt (phải trả thêm tiền) sẽ là các hộ dùng dưới 100 kWh mỗi tháng, hoặc dùng trong khoảng 257-300 số. Tuy nhiên, mức tiền tối đa khách hàng phải trả thêm trong mỗi trường hợp chỉ dao động trong khoảng 3.550-6.850 đồng. Trong khi đó, những người mua điện ở các mức tiêu thụ còn lại (chiếm khoảng một nửa số khách hàng), sẽ được giảm số tiền nộp hằng tháng.

Cùng với việc đưa ra các phương án nêu trên, EVN khẳng định dù tính theo cách nào, doanh thu của tập đoàn này cũng không thay đổi. Theo đó, với sản lượng điện thương phẩm dự kiến cho năm 2015 là 141,8 tỷ kWh thì riêng việc bán phục vụ sinh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp thu về gần 72.000 tỷ đồng.

Tại đề án, EVN cũng khẳng định trong dài hạn, ngành điện sẽ nghiên cứu, cải tiến đồng bộ, toàn diện cơ cấu biểu giá cho sản xuất, kinh doanh, khu vực hành chính sự nghiệp cũng như điện sinh hoạt để phù hợp với các bước triển khai thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh. Trong khi đó, các phương án nêu trên sẽ được lấy ý kiến, quyết định và áp dụng cho giai đoạn 2016-2017.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dien-dong-gia-1747-dongkwh-kich-ban-nao-gia-cung-tang-a111063.html