Sao vẫn để ” doanh nghiệp “thổi phồng” công dụng của mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh?


Thứ 2, 21/12/2020 | 01:52


Cùng sự kiện

Thời gian qua, nhiều vụ việc ghi sai nhãn sản phẩm hoặc quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm đã bị phạt nặng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời gian qua, nhiều vụ việc ghi sai nhãn sản phẩm hoặc quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm đã bị phạt nặng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nhưng hiện nay, không ít cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm.

Sản phẩm "Thảo mộc hỗ trợ giảm béo Cenly" (trái) và sản phẩm "Giảm cân gia truyền Cenly" (phải) vi phạm vì thổi phồng công dụng và sử dụng hình ảnh nghệ sĩ trái phép.

Vô tình hay cố ý?

Theo phản ánh của chị V.A. (Hà Nội), vừa qua, tìm hiểu về một số mặt hàng làm đẹp được quảng cáo trên các web- site, kênh bán hàng online để mua phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân, chị thấy lạ khi nhiều mặt hàng mỹ phẩm lại được quảng cáo có công dụng như đặc trị hay điều trị. Điều này khiến chị cảm thấy khá hoang mang vì không biết công dụng thực sự của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo “có cánh” kia không.

Từ phản ánh của người tiêu dùng, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật đã tìm hiểu một số website kinh doanh mỹ phẩm được quảng cáo là “ngoại”, đơn cử như: https://nava.vn của công ty TNHH Mỹ phẩm Quốc tế NAVA.VN và https://smiraclevietnam.vn của công ty TNHH GENESIS Châu Á...

 Tại đây, PV nhận thấy một số sản phẩm được quảng cáo quá mức về công dụng. Ví dụ như sản phẩm Lakme tinh chất K.Theraphy trị gàu được quảng cáo có tác dụng trị gàu, giúp làm sạch nhẹ nhàng, không gây kích ứng da đầu; sản phẩm gel nóng hủy mỡ do được quảng cáo có tác dụng sinh nhiệt đốt cháy năng lượng và hỗ trợ hóa lỏng mỡ, giúp người dùng có được thân hình thon gọn...

Theo nhận định, đây chỉ là mỹ phẩm, không phải là thuốc. Tuy nhiên, cả nhà sản xuất lẫn đơn vị phân phối đều “thổi phồng” công dụng của chúng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã liên hệ với công ty TNHH NAVA.VN cả trực tiếp lẫn thông qua e.mail theo yêu cầu của công ty nhưng nhiều ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời. Tương tự, với công ty mỹ phẩm GEN- ESIS Châu Á, sản phẩm combo dưỡng trắng, trị nám bằng tinh chất HA và kem dưỡng lên men, sản phẩm kem trị mụn và làm dịu da S+Miracle do công ty này phân phối cũng được quảng cáo với những từ kiểu “đặc trị”, gây hiểu lầm cho khách hàng về công dụng sản phẩm có khả năng chữa mụn và điều trị các vấn đề da liễu.

Qua trao đổi với PV, đại diện công ty thừa nhận “có một chút sai sót về quảng cáo” và sẽ sửa đổi lại nội dung theo đúng quy định. Tương tự, thời gian qua, tòa soạn Đời sống & Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm giảm cân Cenly (được phân phối và chịu trách nhiệm bởi công ty TNHH Cenly Organic (có địa chỉ tại số 35, ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) được quảng cáo với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm này thực chất chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên Thảo mộc hỗ trợ giảm béo Cenly có Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm số 5743/2020/ĐKSP và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2306/2020/XNQC-ATTP, với công dụng được phép quảng cáo chỉ có “hỗ trợ giảm béo, hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo trong cơ thể”.

Ngày 2/6, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt công ty TNHH Cenly Organic do có nhiều hành vi quảng cáo không đúng sự thật đối với sản phẩm hỗ trợ giảm cân Cenly, thế nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên tái diễn vi phạm.

Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Tào Văn Đức (công ty luật Tín phát và Cộng sự, đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Thông tư 06/2011/TT-BYT có quy định rõ về cách đặt tên và ghi công dụng đối với các sản phẩm mỹ phẩm.

Theo đó, với một số từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa khỏi” hay “xóa sẹo”, “trị mụn”, “làm lành mụn” đối với các sản phẩm chăm sóc da sẽ không được phép sử dụng để đặt tên sản phẩm hoặc công dụng của sản phẩm. Trường hợp nhà sản xuất biết luật nhưng vẫn cố tình ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm không đầy đủ nội dung theo quy định sẽ bị chi cục Quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành từ 15 đến 30 triệu đồng (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 53, Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Mức phạt này cũng áp dụng đối với các nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở vi phạm còn bị buộc phải tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm quảng cáo.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm như: Quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng không đúng theo quy định đều bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin và tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo theo quy định tại Điều 69, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với các hình thức như: Phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.

Lê Hoàng

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (202)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sao-van-de-doanh-nghiep-thoi-phong-cong-dung-cua-my-pham-nhu-thuoc-chua-benh-a350053.html