Vì sao bức tường 1,7m2 trên phố Nguyễn Văn Huyên có giá 1 tỷ đồng?


Thứ 4, 22/07/2015 | 00:15


(ĐSPL) - “Nếu mua lại bức tường này, mảnh đất bên trong tăng giá trị lên nhiều lần. Tính 350 triệu đồng/m2 thì mảnh đất bên trong bán được 23 tỷ đồng."

(ĐSPL) - “Nếu mua lại bức tường này, mảnh đất bên trong tăng giá trị lên nhiều lần. Tính 350 triệu đồng/m2 thì mảnh đất bên trong bán được 23 tỷ đồng. Do vậy, họ mua bức tường của tôi 1 tỷ đồng vẫn rẻ”, chủ nhân của bức tường giá 1 tỷ phân tích.

Nhiều ngày qua, thông tin về bức tường giá 1 tỷ đồng trên con đường "đắt nhất hành tinh" Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được sự quan tâm từ dư luận. Trên bức tường có dòng chữ: "Sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB), gia đình tôi còn lại 1,7 m2 đất, chiều dài 10,85 m, chiều rộng 0,14 m”, kèm theo số điện thoại liên lạc.

Vietnamnet đưa tin, thửa đất 1,7 m2 giá 1 tỷ trên là của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là chút ít còn lại của mảnh đất có diện tích 60,2 m2 trước khi mở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, chủ nhân số điện thoại ghi trên mẩu rao vặt cho biết, bức tường nằm trên mảnh đất do gia đình ông sở hữu. "Việc mua bán cũng như giá cả như thế nào chúng tôi đều làm đúng theo luật pháp", người này trả lời khi được hỏi về việc mua bán bức tường 1 tỷ.

Trao đổi trên Dân Việt, chủ sở hữu bức tường giá 1 tỷ trên nói thêm, sau khi giải phóng mặt bằng từ ngôi nhà mặt đường hơn 60m2, ông được trả lại 1,7m2. Trên mảnh đất này ông không xây nhà siêu mỏng siêu méo, nên đã rao bán.

Bức tường 1,7m2 được rao bán với giá... 1 tỷ đồng.

Ông phân tích, nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía trong nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Từ đó, giá đất cũng tăng vọt lên rất nhiều lần. Cụ thể, theo tìm hiểu của ông, mảnh đất của nhà bên trong ban đầu “trăm triệu không ai mua”, nếu trở thành đất mặt đường sẽ có giá 350 triệu đồng/m2.

“Nếu tôi cứ để bức tường đó, hay cho thuê là cái biển quảng cáo thì mảnh đất bên trong có giá trị rất thấp. Nếu mua lại bức tường này, mảnh đất bên trong tăng giá trị lên nhiều lần. Nếu tính 350 triệu đồng/m2 thì mảnh đất bên trong bán được 23 tỷ đồng. Do vậy, nếu họ mua bức tường của tôi 1 tỷ đồng vẫn rẻ”, ông này phân tích.

Phân tích ở khía cạnh khác, ông này cho hay, quy đổi theo cách tính thị trường “1m mặt đường ăn 4m trong ngõ”. Như vậy, bức tường 1,7m2 đất mặt đường tương đương với 6,8m2 đất bên trong. Như vậy, với 6,8m2 với giá thị trường 350 triệu/m2 bức tường trên có giá hơn 2,3 tỷ đồng.

“Trong khi đó, tôi chỉ bán có 1 tỷ đồng, như vậy rẻ chưa bằng nửa giá trị thị trường”, chủ nhân bức tường cho hay.

Theo một người sống trong khu vực đường Nguyễn Văn Huyên, gia đình hộ liền kề với bức tường đang được rao bán có hoàn cảnh khó khăn. "Chồng mất, gia đình còn bà mẹ và đứa con trai. Nhà của họ có thể ra mặt đường nếu không có bức tường kia. Nhưng hai mẹ con lấy đâu tiền tỷ để mua", người này cho biết.

Còn theo một người sống cạnh đoạn đường này, việc ông Châm rao bán bức tường 1 tỷ đồng đang gây bức xúc cho nhiều người xung quanh. Vài ngày trước, khi những dòng chữ có nội dung rao bán đi kèm mức giá vẫn còn ghi trên tường, nhiều người qua đường cũng như hàng xóm đã tỏ rõ thái độ không bằng lòng.

"Đại diện phường Quan Hoa phải xuống yêu cầu xóa dòng chữ đó đi, tránh gây bức xúc cho bà con ở đây", một người hàng xóm tiết lộ.

Cũng theo người này, ông Châm rao bán bức tường với giá cao là có nguyên nhân. "Ông ta biết rõ bức tường khi được phá đi sẽ tạo điều kiện cho hộ liền kề phía trong trở thành 'nhà mặt phố' nên mới để cái giá đó. Chứ bức tường này để đấy cũng có làm gì đâu", người hàng xóm nói.

Một chuyên viên của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, theo luật, ông Châm không được phép bán bức tường cho ai trừ người sở hữu hoặc người mua căn hộ liền kề. Mức giá của bức tường sẽ do thoả thuận dân sự giữa 2 bên.

Chuyên viên này cũng phân tích, trên thực tế, những trường hợp như của ông Châm diễn ra phần nhiều do vấn đề kinh phí trong giải phóng mặt bằng. "Cơ quan điều hành không bao giờ muốn những trường hợp như bức tường này hay các nhà siêu mỏng tái diễn. Tuy nhiên, khả năng kinh phí có hạn, dẫn đến không thể xử lý triệt để", vị này chia sẻ.

Theo thông tin trên Vietnamnet, ban đầu, người rao bán đưa ra mức giá 400 triệu đồng cho 1,7 m2. Hiện tại, mức giá được đưa ra là 1 tỷ đồng. “Trường hợp này, có lẽ chỉ có một đại gia bỏ tiền ra mua đứt cả 1,7 m2 và phần diện tích đất của hộ dân liền kề bên trong để hợp khối thì mới thỏa thuận được”, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, ông Nguyễn Minh Tuyên nói.

Bức tường với giá bạc tỷ như vậy không phải là chuyện hiếm. Trên "con đường đắt nhất hành tinh" Ô Chợ Dừa còn có 3 bức tường như thế. Tuy không thể gặp được những người chủ của các bức tường trên nhưng theo hàng xóm cạnh đó cho biết, những bức tường này do chưa được mua lại nên vẫn tồn tại đến bây giờ. Theo ông Phú chủ quán phở gia truyền Phú Gia cho biết những mảnh đất này có giá không dưới 1 tỷ.

Nhiều nhà sau giải tỏa chỉ còn vài mét vuông nhưng nhất quyết không bán mà bám trụ lại để buôn bán, kinh doanh. Từ đó xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng trên các con đường mới khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.

Do dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là dự án trọng điểm, Thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo chặt chẽ để đây là tuyến đường kiểu mẫu, không để “sạn”, không để nhà siêu phẳng, siêu méo tái diễn như nhiều dự án đường trên địa bàn Thành phố.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

[mecloud]nX1pavcd6l[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-buc-tuong-17m2-tren-pho-nguyen-van-huyen-co-gia-1-ty-dong-a102942.html