Thiên đường nghỉ dưỡng chìm trong biển nước và lời cảnh báo từ chuyên gia


Thứ 2, 12/08/2019 | 11:46


Sự thiếu tầm nhìn phát triển du lịch bền vững của nhà quản lý cùng với sự tham lam của nhà đầu tư sẽ khiến Đà Lạt, Phú Quốc tiếp tục đối mặt với ngập lụt trong tương lai.

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, sự thiếu tầm nhìn phát triển du lịch bền vững của nhà quản lý cùng với sự tham lam của nhà đầu tư sẽ khiến Đà Lạt, Phú Quốc tiếp tục đối mặt với ngập lụt trong tương lai.

Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và đảo ngọc Phú Quốc - thiên đường về du lịch, nghỉ dưỡng ở Kiên Giang vừa trải qua đợt ngập lịch sử.

Ông Trần Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang cho biết, từ ngày 2 đến 5/8, do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên hầu khắp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có mưa giông và gió mạnh. Riêng ở đảo Phú Quốc, lượng mưa được Trung tâm khí tượng thủy văn Kiên Giang đo tổng của 4 ngày là 501,2mm. Đây là lượng mưa kỷ lục diễn ra trong thời gian ngắn.

Khi tình trạng ngập cục bộ chưa hết, thì mưa tiếp tục diễn ra; trong đó chiều ngày 8/8 mưa lớn làm cho mực nước liên tục dâng cao.

Ngày 11/8, trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc tiếp tục có mưa, nhưng lượng mưa nhỏ hơn những ngày trước đó.

Theo thống kê, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm ngập hơn 63km đường ở huyện Phú Quốc với độ sâu trung bình từ 0,7m, có nơi ngập tới 2m; toàn đảo Phú Quốc có khoảng 8.424 căn nhà bị ngập, 24 căn bị sập và tốc mái, rất nhiều vật dụng, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hỏng… Tổng thiệt hại do ngập gây ra hơn 107 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người.

Nước từ thượng nguồn đổ về suối Cam Ly không thoát kịp gây ngập nhà kính ở Đà Lạt. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Còn tại Đà Lạt, gần đây, nhiều khu vực của thành phố đã bị ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Trong đợt mưa lũ vừa qua, thành phố Đà Lạt có khoảng 11 căn nhà bị ngập, trong đó sập tường 3 nhà, 20ha hoa và rau màu, 3.000m² nhà kính tốc mái, hàng chục ô tô bị ngập.

Không chỉ đợt này, trong những năm qua, tình trạng ngập cục bộ tại thành phố Đà Lạt đã xảy ra tại các khu vực như quanh hồ Mê Linh, đường Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, dọc suối Cam Ly đoạn qua đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình (phường 8, phường 9), dọc suối Cam Ly đoạn qua khu dân cư Mạc Đĩnh Chi, Hoàng Diệu, ven suối Phan Đình Phùng khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tình hình ngập lụt mấy ngày qua ở 2 thành phố du lịch nói trên là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền. Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.

Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân ngập xuất phát từ công tác quy hoạch chưa bền vững, thiếu không gian dành cho nước. Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu này dù nó rất quan trọng.

Vị chuyên gia này cho biết tình trạng ngập úng là lời cảnh báo để chính quyền xem lại cách phát triển thiếu bền vững của mình. Nếu không xử lý từ quy hoạch, quản lý đô thị thì những năm tới ngập sẽ còn nặng hơn nữa.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chính sự phát triển nóng của hai thành phố du lịch đang làm cho đô thị quá sức chịu đựng dẫn đến ngập lụt ngày càng nhiều. Lẽ ra hạ tầng kỹ thuật phải đầu tư trước rồi mới xây dựng nhà cửa nhưng các thành phố này lại chưa đáp ứng được.

Còn theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển quá nhanh nhà kính cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng tại TP Đà Lạt.

Nếu như cuối thập niên 1990, thành phố Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính thì hiện nay đã tăng lên khoảng 2.400ha (toàn tỉnh Lâm Đồng có 4.500ha nhà kính). Xây dựng nhà kính góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không tính toán khu vực đó có phù hợp hay không đã dẫn đến hệ quả là nước bị chiếm không gian thẩm thấu xuống bề mặt đất, dồn vào một khu vực, gây ngập là điều không tránh khỏi.

Từ năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hệ thống quy chuẩn về việc xây dựng nhà kính để đảm bảo khả năng thoát nước nhanh khi trời mưa lớn… Tuy nhiên, hiện nay quy định này vẫn chưa được áp dụng và địa phương cũng chưa có quy hoạch những khu vực được dựng nhà kính.

“Về lâu dài, người dân khi dựng nhà kính cần thực hiện theo đúng quy định, đồng bộ về độ dốc, hệ thống thoát nước. Cụ thể, dựng 1ha nhà kính thì phải tính lượng nước đó sẽ thoát đi đâu. Rồi cần xác định được khu nào nên xây dựng nhà kính, khu vực nào đủ sức tiêu thoát nước mưa cho phần diện tích tại chỗ hay từ thượng nguồn. Từ đó sẽ giảm áp lực nước đổ dồn về gây ngập cho khu trung tâm”, ông Hưng nhấn mạnh.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thien-duong-nghi-duong-chim-trong-bien-nuoc-va-loi-canh-bao-tu-chuyen-gia-a288397.html