Yêu cầu kết thúc “đại án” Gang thép Thái Nguyên, VN Pharma trong năm 2020


Thứ 4, 15/01/2020 | 14:08


Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra.

Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra.

Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và hơn 20 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng…. Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những khâu, lĩnh vực còn yếu, có khó khăn, vướng mắc, trong đó đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng.

Chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kết thúc xử lý 6 vụ án, 3 vụ việc ban chỉ đạo theo dõi, trong đó có vụ án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, vụ thuốc giả của công ty VN Pharma…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Dân trí

Được biết, trước đó, ngày 1/10/2019, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa ra phán quyết đối với vụ án “Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 17 năm tù (thấp hơn mức đề nghị 18-19 năm tù của Viện kiểm sát nhân dân). Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tuyên 20 năm tù cùng về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999.

8 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3-12 năm tù, riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan an ninh điều tra (bộ Công an) nhanh chóng điều tra về Raymundo - người có vai trò đặc biệt quan trọng, để tránh lọt tội. Ông này từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam; hồ sơ vụ án có ảnh nhận dạng, email trao đổi qua lại với Cường...

Toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, giả về chất lượng, đã được Công ty VN Pharma trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện lớn. Hành vi buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả của các bị cáo trên đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy mô vô cùng lớn. Trong đó, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu; 10 bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm tích cực.

Về vụ án của Gang thép Thái Nguyên, những sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II khiến tình hình tài chính của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nợ trên vốn chủ sở hữu chiếm trên 81%.

Không chỉ công ty khó khăn, dự án này cũng khiến loạt quan chức vi phạm tới mức bị xem xét kỷ luật.

Cụ thể, các nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đặng Thúc Kháng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy.

Ông Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc và ông Trịnh Khôi Nguyên, ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban cán sự Đảng bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với dự án Tisco II.

Theo đó, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016), chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng bộ Công Thương.

Ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án Tisco II.

Ngoài ra, hai nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Kinh tế ngành, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án…

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/yeu-cau-ket-thuc-dai-an-gang-thep-thai-nguyen-vn-pharma-trong-nam-2020-a308433.html