+Aa-
    Zalo

    "Nếu thời gian quay trở lại, bị cáo sẽ không hành động như vậy"

    • DSPL
    ĐS&PL Đó là những lời sám hối của Phạm Văn Dũng trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX của TAND TP.Hà Nội vào nghị án.

    Đó là những lời sám hối của Phạm Văn Dũng trong lời nói sau cùng trước khi HĐXX của TAND TP.Hà Nội vào nghị án. Nhưng giờ có nói gì cũng không thay đổi được thực tế, Dũng là hung thủ trong 1 vụ án Giết người và phải đối mặt với án phạt tù 13 năm đằng đẵng.

    “Bị cáo là người lành tính”?

    Trong con mắt của người nhà bị cáo Phạm Văn Dũng (SN 1989, trú tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) thì Dũng là người hiền lành, trước giờ không la cà, tụ tập, hết giờ làm việc là về với gia đình. Cũng vì biết hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, bản thân lại là lao động chính trong nhà nên Dũng chắt chiu từng đồng, từng hào để nuôi mẹ già và vợ con.

    Sáng 5/8, trong thời tiết mưa lay phay, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với gia đình bị cáo Dũng ở chốn công đường. Một tốp khoảng 7 – 8 người dắt díu nhau từ Thường Tín (Hà Nội) lên TAND Thành phố để tham dự phiên xét xử, cũng là mong ngóng được gặp Dũng sau thời gian dài xa cách, kể từ ngày Dũng bị bắt tạm giam về hành vi giết người.

    Ngồi cùng tôi là vợ và 1 người em họ của bị cáo, mắt người nào người nấy đỏ hoe cho biết: Bố Dũng mới mất khoảng 4, 5 năm nay. Ngày trước, Dũng đi làm công nhân tại công ty TNHH dây cáp điện Minh Hiền có trụ sở tại khu công nghiệp Quất Động ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, lương tháng được khoảng 6 – 7 triệu đồng. Cộng thêm tiền lương ít ỏi của vợ, vợ chồng Dũng phải cáng đáng nuôi cả gia đình.

    Bị cáo Phạm Văn Dũng tại tòa.

    Nước mắt lưng tròng, em họ của Dũng cho biết, vì nhà Dũng quá nghèo nên cả ba chị em Dũng đều dở dang con đường học vấn, lớn lên xin đi làm công nhân. Chị gái của Dũng lấy chồng xa, mặc dù biết ngày em trai bị đưa ra xét xử, song đường sá xa xôi, kinh tế eo hẹp, lại vào đúng mùa dịch covid-19 bùng phát nên chẳng thể về gặp mặt em. Chưa kể vì di truyền hay vì môi trường sống thiếu thốn, không chỉ con của chị gái Dũng mà ngay cả con gái đầu của bị cáo cũng chậm phát triển so với các bạn cùng trang lứa; điều này khiến gia đình hết sức phiền lòng.

    Ngày Dũng vướng vòng lao lý, tất thảy người thân đều hoang mang, đau đớn. Cũng trong thời gian này vợ Dũng sinh con thứ hai. Tiếc thay đứa bé chào đời mà không được nhìn thấy bố. Bé gái đầu (khoảng 3 tuổi) cũng chỉ được nhìn thấy bố qua những bức ảnh. Khi cháu gọi đòi bố, mẹ và bà cũng chỉ biết gạt nước mắt nói “bố đi làm xa chưa về”...

    Vợ bị cáo ở nhà nuôi 2 con, không công ăn việc làm. Mất đi người đàn ông trụ cột, thay vì được nghỉ ngơi, được con cháu phụng dưỡng, mẹ Dũng giờ đây phải chạy vạy buôn bán rau củ và hoa quả ở chợ thôn, kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn.

    Bênh mẹ, nam công nhân khiến đồng nghiệp “thừa sống thiếu chết”

    Ngày TAND TP.Hà Nội đưa Phạm Văn Dũng ra xét xử về tội Giết người, mọi người gặp bị cáo trong bộ dạng đầu húi cao, nước da trắng xanh, khiến người nào người nấy không khỏi xót xa. Bị hại trong vụ án, anh Hoàng Quang M. (SN 1973, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), may mắn không chết nhưng bị tổn hại 47% sức khỏe.

    Để xảy ra nông nỗi người trọng thương, kẻ tù tội như ngày hôm nay xuất phát từ những câu chuyện "ngồi lê đôi mách". Tội trạng của Dũng được tái hiện như thước phim quay chậm qua giọng đọc đanh thép của vị đại diện VKSND TP.Hà Nội.

    Đều là công nhân tại công ty TNHH dây cáp điện Minh Hiền có trụ sở tại khu công nghiệp Quất Động ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, trước giờ Dũng và anh M. không hề có mâu thuẫn.

    Song chẳng hiểu “nghe hơi nồi chõ” ở đâu, anh M. lại nói mẹ của Dũng đi... ngoại tình. Sự việc đến tai Dũng, trong lúc “ba máu sáu cơn”, Dũng nảy sinh ý nghĩ sẽ đánh anh M. trả thù.

    Trưa mùng 4/10/2019, khi đang trong xưởng sản xuất thì Dũng nhìn thấy anh M. đi bộ vào và đi ngang qua nơi Dũng đang đứng. Trong cơn nóng giận, Dũng nhanh tay nhặt 1 thanh sắt rồi lao đến vụt nhiều nhát vào vùng đầu, thái dương đồng nghiệp khiến anh M. ngã dúi dụi xuống nền đất.

    Mọi người trong xưởng can ngăn, Dũng mới dừng tay. Về phía anh M. được mọi người đưa đi cấp cứu nên may mắn bảo toàn được tính mạng, nhưng bị tổn hại 47% sức khỏe. Ngày 08/10/2019, Phạm Văn Dũng bị cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín bắt giữ.

    Bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội Giết người, không còn vẻ hung hãn, bặm trợn như khi gây án, Dũng lí nhí khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố.

    Dũng thừa nhận do anh M. nói xấu mẹ mình, bị cáo bức xúc, không kiềm chế được bản thân nên mới gây ra trọng tội. “Bị cáo rất hối hận về việc làm của mình. Thời gian bị bắt, bị cáo đã nhờ cán bộ trại giam nhắn cho vợ bị cáo đến xin lỗi và bồi thường cho anh M.”, Dũng khai tại tòa.

    Trong lời nói sau cùng, Dũng tha thiết xin tòa cho một lối về: “Thưa HĐXX, bị cáo xin lỗi anh M. vì đã đánh anh M. hơi nặng tay. Nếu thời gian quay trở lại, bị cáo sẽ không hành động như vậy, mong anh M. và HĐXX cho bị cáo cơ hội sửa sai, sớm trở về chăm mẹ già và các con”. 

    Giá đắt phải trả cho cơn nóng giận

    Với hành vi phạm tội nêu trên, TAND TP.Hà Nội đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Văn Dũng phạm tội Giết người, theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS. Xét thấy hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người khác, nên cần thiết phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe, giáo dục. Sau khi nghị án, HĐXX quyết “ định tuyên phạt Phạm Văn Dũng 13 năm tù giam.

    Tư Viễn

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (32)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/neu-thoi-gian-quay-tro-lai-bi-cao-se-khong-hanh-dong-nhu-vay-a334846.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan