+Aa-
    Zalo

    Ngày đen tối nhất của Tổng thống Biden từ đầu nhiệm kỳ đến nay

    • DSPL
    ĐS&PL Vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Kabul đã đánh dấu ngày đen tối nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

    Quyết định rút quân vốn đã nguy hiểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phương Tây đã trở nên "đen tối" hơn nhiều sau vụ tấn công khủng bố, vốn đã được cảnh báo từ trước, diễn ra bên ngoài sân bay Kabul tối 26/8. 

    Theo đó, một loạt các cuộc tấn công trong tối 26/8 đã khiến ít nhất 12 quân nhân Mỹ thiệt mạng và 15 người bị thương, con số thương vong lớn nhất mà Washington phải chịu kể từ khi đưa quân tới Afghanistan vào năm 2001. Politico nhận định vụ việc trên chính là sự kiện thảm khốc nhất được ghi nhận trong thời gian đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden. 

    danh bom o san bay kabul2
    Vụ tấn công khủng bố ở sân bay Kabul ngày 26/8 đã khiến ít nhất 12 quân nhân Mỹ cùng 60 người ở Afghanisan thiệt mạng. Ảnh: AFP

    Ít lâu sau đó, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã lên nhận trách nhiệm về vụ tấn công liều chết trên.

    Trước sự kiện đẫm máu trên, các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch sơ tán người dân khỏi Afghanistan. Điều này đã khiến dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi về khả năng xử lý của Tổng thống Biden đối với cuộc chiến đã kéo dài 20 năm ở Afghanistan. 

    Đối với những nhân viên Nhà Trắng, ngày 26/8 có thể là một ngày bận rộn và khiến họ phải "quay cuồng" nhiều nhất kể từ đầu nhiềm kỳ tới nay. Khi nhận các báo cáo đầu tiên về các vụ nổ xung quanh Kabul, các quan chức đã phải đối mặt với một lượng lớn thông tin, khiến họ phải nhắc nhở các nhân viên cần tách biệt và phân tích rõ ràng giữa sự thật và những lời đồn đoán. 

    Politico trích nguồn thạo tin cho biết trong cuộc họp, người ta có thể nghe thấy những tiếng sụt sịt của các nhân viên khi nhận thông tin về con số thương vong của các quân nhân Mỹ tại Afghanistan. Một quan chức Nhà Trắng đã mô tả nhịp độ công việc trong ngày này khiến họ cảm thấy "quá tải". 

    Bản thân Tổng thống Joe Biden cũng đã ngồi hàng giờ cùng thảo luận với đội ngũ an ninh quốc gia của mình tại phòng Bầu dục. Trong khi đó, bên ngoài, dư luận bắt đầu gọi tên ông, những dòng hashtag như "Tổng thống Biden đang ở đâu?" đã trở nên thịnh hành trên mạng xã hội.

    Cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Tổng thống Biden đã nhận được thông tin cập nhật liên tục về tình hình trong ngày. Trong khi đó, phó Tổng thống Kamala Harris, dù đang trong chuyến công du đến châu Á, cũng đã tham gia cuộc họp trực tuyến với ông chủ Nhà Trắng và đội ngũ an ninh về tình hình ở Afghanistan. 

    ngay den toi nhat cua ong biden1
    Tổng thống Joe Biden lộ rõ vẻ buồn bã trong bài phát biểu sau vụ đánh bom ở Kabul. Ảnh: AP

    Theo một quan chức, trước đó, Nhà Trắng đã thường xuyên liên lạc với các chỉ huy bộ binh tại Afghanistan vì họ đã tính toán mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công chết người đến thời hạn rút quân vào ngày 31/8 sắp tới của tổng thống. Tuy nhiên, dù đã được dự đoán trước, cuộc tấn công của IS vẫn gây ra một sự chấn động mới tại Afghanistan.

    Phát biểu trong tối 26/8, ít lâu sau vụ việc, ông chủ Nhà Trắng lộ rõ vẻ buồn bã, đôi chi còn rơi nước mắt, giữa bài diễn văn. Trong khi đó, những người khác có mặt tại Nhà Trắng cũng suy tư và cố giữ bình tĩnh. 

    Trong bài phát biểu của mình, ông Biden tôn vinh những quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ và truyền đạt hai mục tiêu chính của mình: Hoàn thành nhiệm vụ sơ tán tất cả những người Mỹ muốn rời đi và càng nhiều đồng minh càng tốt trong thời gian hạn chế; Trả đũa những kẻ đứng sau các cuộc tấn công.

    Cụ thể, ông Biden tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người phải trả giá".

    the-darkest-day-of-joe-bidens-presidency---politico.mp4

    Video Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không tha thử cho những kẻ muốn làm tổn hại đến Mỹ. Nguồn: Politico

    Trong suốt ngày hôm ấy, những nỗ lực đã được tiến hành để cố gắng xác định và sơ tán những người Mỹ còn đang bị kẹt lại Kabul. Trợ lý của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, bà Amanda Finney, đã quản lý một danh sách dài về những người mà họ vẫn đang cố gắng giúp sơ tán. Những người đã được giải cứu thành công sẽ được đánh dấu xanh. 

    Mất đi những quân nhân Mỹ chính xác là kịch bản mà ông Biden nỗ lực tránh gặp phải khi kết thúc sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan. Chính quyền Mỹ đã cảnh báo trong nhiều ngày về nguy cơ tấn công khủng bố đang rình rập. Các nhà lập pháp đầu tuần này cũng được thông báo chi tiết về khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ ISIS-K. Theo đó, ngày 25/8, đại sứ quán Mỹ đã khuyến cáo người dân tránh đến sân bay hoặc tụ tập gần cổng sân bay vì lý do này.

    Khi tin tức về các quân nhân thiệt mạng được báo cáo, những người thân tín lâu năm của ông Biden tin rằng tổng thống đang trải qua nhiều cảm xúc ở mức độ cá nhân. Trước đó, khi còn là phó tổng thống, ông Biden đã làm việc và có quan hệ gần gũi với các gia đình quân nhân. 

    Ông từng nhiều lần thể hiện tình cảm và sự quan tâm đối với các gia đình quân nhân sau khi con trai lớn của ông Beau Biden, người đã qua đời năm 2015, phục vụ nghĩa vụ ở Iraq. Ngày 26/8, chia sẻ với những gia đình quân nhân, ông Biden đã nhắc về con trai lớn của mình và bày tỏ sự cảm thông với nỗi đau mà họ phải trai qua khi mất người thân.

    Ông chủ Nhà Trắng chia sẻ: "Tôi có sự thấu hiểu đối với những gì một vài người trong các bạn, những gì mà thân nhân của các vị anh hùng đang trải qua. Nó giống như bạn đang bị hút vào một hố đen, ở ngay giữa ngực mình".

    Tổng thống đã giữ tấm thẻ của những quân nhân Mỹ đã thiệt mạng ở Iraq và Afghanistan trong 12 năm qua và con số này có thể sẽ tăng lên dưới sự theo dõi, chỉ đạo của ông. 

    Cựu Thượng nghị sĩ Chris Dodd, một người bạn thân lâu năm của ông Joe Biden, chia sẻ: "Việc con trai ông ấy phục vụ ở Iraq có ý nghĩa rất lớn đối với ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy sẽ có những cảm nhận về vụ tấn công này khác với những người chưa từng mất người thân. Trong trường hợp của ông Joe, đó sẽ là một khía cảnh cảm xúc khác của ông ấy".

    Vụ tấn công của IS tại sân bay Kabul cũng đã trở thành một lý do để những thành viên đảng đối lập công kích và kêu gọi ông Biden từ chức. Tuy nhiên, lên tiếng về vấn đề này, Thư ký báo chí Jen Psaki cho rằng đây không phải thời điểm để bàn về chính trị. 

    Kể từ khi quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden đã vấp không ít chỉ trích từ các chính trị gia. Số lượng những lời công kích nhằm vào ông ngày càng tăng sau sự trỗi dậy của Taliban và sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan cũ. Những gì đã xảy ra đã đặt ra nhiều thách thức đối với ông Joe Biden trong thời gian đầu nhiệm kỳ và ông chủ Nhà Trắng có lẽ sẽ phải tốn thêm nhiều thời gian để giải quyết việc này.

    Minh Hạnh (Theo Politico)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-den-toi-nhat-cua-tong-thong-biden-tu-dau-nhiem-ky-den-nay-a511403.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan