+Aa-
    Zalo

    Nguyễn Đức Mậu với những trang thơ đẫm mùi bùn đất và trận mạc

    • DSPL
    ĐS&PL Có lẽ Nguyễn Đức Mậu ở trong số ít nhà thơ viết khá nhiều về người lính và chiến tranh trong những năm tháng trận mạc mà người lính và nhà thơ có chung một chân dung...

    Có lẽ Nguyễn Đức Mậu ở trong số ít nhà thơ viết khá nhiều về người lính và chiến tranh trong những năm tháng trận mạc mà người lính và nhà thơ có chung một chân dung, một khát vọng và những ước mơ.

    Những kỷ niệm hóa trầm

    Trong số những bài thơ hay còn lại đến hôm nay, khi nói về những hy sinh mất mát trong chiến tranh, người yêu thơ thường nhắc tới bài thơ Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu. Không chỉ riêng với anh mà đối với mọi người, những kỷ niệm thiêng liêng và xót xa về những mất mát trong cuộc chiến tranh này vẫn là những dự cảm lớn lao và xúc động khi hồi tưởng lại như mấy trích đoạn thơ dưới đây:

    Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm…/ Chúng mình có ở cách xa nhau/ Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?/ Một thước đất hoá khoảng trời vời vợi/ Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa/ Những lá thư Hùng chưa kịp đọc mình nghe/ Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở/ Vết máu đỏ nhoà đi không rõ chữ/ Mình đọc bao điều xúc động sâu xa…/ Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi./ "Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng… (Nấm mộ và cây trầm).

    Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

    Khi tôi hỏi nhà thơ về những kỷ niệm của người lính trong thơ anh và ở bài thơ Nấm mộ và cây trầm, Nguyễn Đức Mậu kể lại bài thơ ấy anh viết năm 1969 khi 21 tuổi và đã gửi cho một biên tập viên ở một tờ báo thì bị biên tập viên chê là tư tưởng yếu. Hồi ấy cả nước đang chiến tranh, thơ mà nhắc tới sự hy sinh mất mát là biên tập viên sợ “không an toàn”. Bốn năm sau, bài thơ được in và được trao giải thưởng Văn học 27/7 do hội Nhà văn Việt Nam và bộ Thương binh tổ chức.

    Khoảng năm 1980, trong dịp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đi công tác ở Hải Phòng, nhà thơ Thanh Tùng có dẫn anh tới chơi nhà một bác công nhân già. Bác cũng có một người con tên là Hùng hy sinh trong chiến tranh (trùng với tên liệt sĩ trong bài thơ Nấm mộ và cây trầm), vì thế bác đã thuộc và cất giữ bài thơ này như một kỷ vật, một tiếng nói của người con. Trên những nẻo đường chiến tranh vừa đi qua, trong số những người lính ngã xuống, còn bao người tên là Hùng và bao người vô danh - kỷ niệm về họ đã hóa trầm trong lòng những người thân và mỗi người lính.

    Nguyễn Đức Mậu tâm sự: “Tôi là người lính nên có nhiều thơ viết về chiến tranh, viết về những điều mình quen thuộc nhất. Trộm nghĩ, kỵ nhất trong thơ là sự thương vay khóc mướn, nói thêu dệt, tô vẽ những gì không có, không phải của mình...”. Tâm sự ấy của nhà thơ có thể thấy trong bài thơ Sông Thạch Hãn:

    Xin bạn cùng tôi đi dọc sông Thạch Hãn/ Con sông nóng như luồng xích đạo/ Qua nghìn lần pháo kích bom rơi/ Có con sông nào trên đất Việt Nam tôi/ Nhiều thương tích chiến tranh đến thế/ Hẳn mai sau các nhà khảo cổ/ Sẽ gặp dưới lòng đất sâu dấu vết bây giờ/ Mảnh sắt, mảnh gang lẫn cùng sỏi đá/ Vỏ đạn đồng có giống mũi tên xưa...?/ Những người lính Sư đoàn năm 72/ Ai đã một lần vượt sông Thạch Hãn/ Quãng rộng không đò/ Đoạn xiết chẳng phao bơi/ Hai bàn tay giơ lên như kéo sập vòm trời/ Sư đoàn trưởng quẳng gậy đi và nói: "Đừng đợi chờ vô ích, phải bơi qua..."/ Tuổi năm mươi cắt ngang luồng nước xiết/ Không thể bám vào bọt bèo, củi mục/ Giữa sức người, sức nước giằng co/ Đôi bờ bên cách xa biền biệt/ Vành trăng mỏng manh đâu phải con thuyền/ Trận đánh đợi ở bên kia triền cát/ Ông là con thuyền rẽ nước cập bờ đêm.

    Chất thơ của người lính

    Đã hơn 40 năm từ ngày chiến tranh giải phóng kết thúc (1975) đề tài về chiến tranh trong thơ những năm gần đây có ít hơn so với các mảng đề tài khác. Liệu người làm thơ có cần trở lại nhìn nhận và hiểu biết thêm về chiến tranh ở những góc độ nhân sinh và góc khuất hiện thực khác như mảng tiểu thuyết vừa khai phá không? Với cách đặt vấn đề này, Nguyễn Đức Mậu giải đáp: “Đề tài chiến tranh không “lạc điệu” so với các đề tài trữ tình và các đề tài khác trong thời gian này, nói theo một nhà thơ Mỹ: “Thơ hay có ở mọi nơi, chỉ trừ những bài thơ tồi””.

    Tôi cũng nghĩ như Nguyễn Đức Mậu, điều đáng nói trong thi ca không phải là đề tài mà là tài năng. Hãy thử dẫn chứng những bài thơ hay viết về chiến tranh như Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Tây Tiến của Quang Dũng, Núi đôi của Vũ Cao, Tình sông núi của Trần Mai Ninh... người đọc vẫn không thấy “lạc điệu” so với dòng thơ hiện nay. Nhiều khi chúng ta đổ lỗi cho đề tài mà quên mất bản thân những người viết. Nhưng rõ ràng, bây giờ viết về chiến tranh phải viết khác trước bởi ta đã có độ lùi sau mấy chục năm để nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, sâu sắc hơn.

    Và khác với tiểu thuyết phải thông qua nhân vật, người làm thơ thường bắt đầu từ chính mình: “Chúng tôi biết ơn bà mẹ nghèo làng Gióng/ Đã nuôi con lam lũ, nhọc nhằn/ Cây tre xanh bén lửa hoá tre vàng/Đường đuổi giặc dẫn chúng tôi vào truyền thuyết/Núi Bồng Con chờ chồng/Người hóa đá chọn thời nhan sắc/ Anh sẽ về cho đá lại là em/ Cầu Ái Tứ chập chờn dáng mẹ bồng con/Mẹ ngồi đó đêm mưa, ngày nắng/Mẹ ngồi đó một thời bom đạn/ Đá mòn trơ/ Nước xoáy thân cầu/ Cánh tay khô gầy, làn mây tóc trắng/ Mẹ vẫn ngồi như hóa tượng từ lâu/ Con vẫn ước làm vầng trăng bé bỏng/ Trôi bồng bềnh giữa lòng mẹ trời sâu/ Chúng tôi lớn lên/ Đã có mưa ngâu/ Đã có miếng trầu lá xanh, vôi trắng/ Đã có đá mài gươm, đã vàng tre làng Gióng/ Ông đồ rau độn nồi cháo loãng/ Lửa nhen lời cổ tích suốt đêm thâu/ Đất nước thắt lưng ong gánh lịch sử hai đầu/ Cửu Long Giang phương Nam/ Hồng Hà phương Bắc/ Chúng tôi lớn lên/ Đất đai chia cắt/ Nỗi đau tím bầm của đất lại là sông/ Vĩ tuyến Mười bảy ở đâu mà con đò không qua được/Trai gái yêu nhau trầu cau không qua được/Vĩ tuyến Mười bảy/ Nơi đất trời sùi sụt chuyện mưa ngâu/ Chúng tôi lớn lên làm lính binh nhì/ Những liềm búa, cuốc cày nhập ngũ/ Những câu thơ, giáo trình nhập ngũ/ Giấy tuyển quân nhiều hơn giấy tuyển sinh/Những con chữ nối vào đạn nổ/ Khắp nẻo đường xanh áo lá tân binh/ Chuyến xe lửa tốc hành chở người ra trận/ Đất nước cần những Sư đoàn chủ lực/ Tuổi trẻ chúng tôi đầy ắp Sư đoàn/ Những con đường đong đầy hốc đạn/ Chúng tôi như không có chở che nào/ Giữa cái chết chúng tôi giành sự sống/ Cuộc hành trình qua suốt mọi gian lao. (trích Đất nước và người lính).

    Thơ Nguyễn Đức Mậu là vậy, hồn hậu, chân chất, giản dị, đẫm mùi bùn đất và mùi trận mạc như những người lính đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho đất nước trong suốt mấy chục năm chiến tranh đau thương, khốc liệt đã qua.

    Nguyễn Việt Chiến

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 69

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-duc-mau-voi-nhung-trang-tho-dam-mui-bun-dat-va-tran-mac-a193056.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan