+Aa-
    Zalo

    Nhìn từ những vụ lãnh đạo xã ăn chặn từ dê đến gà của dân nghèo

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Thời gian qua, chuyện gà xóa nghèo chui tọt vào nhà bí thư, chủ tịch xã; đến chuyện ăn chặn tiền hỗ trợ thiên tai, mì tôm của người khuyết tật...
    (ĐSPL) - Thời gian qua, chuyện gà xóa nghèo chui tọt vào nhà bí thư, chủ tịch xã; đến chuyện ăn chặn tiền hỗ trợ thiên tai, mì tôm của người khuyết tật; lãnh đạo thôn bán gạo cứu đói cho người nghèo... dấy lên sự phẫn nộ xen lẫn xót xa trong dư luận.
    Nhiều người cho rằng, không chỉ mất con gà, cân gạo, người nghèo còn mất niềm tin vào cán bộ, vào chính sách.
    Bí thư huyện “dắt nhầm” dê, chủ tịch xã “nuôi hộ” gà
    Những ngày qua, đường dây nóng của báo ĐS&PL liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) về việc có nhiều khuất tất trong dự án cấp gà giống cho hộ nghèo phát triển kinh tế.
    Cụ thể, 1.250 con gà giống của chương trình Nông thôn mới thay vì cấp cho người nghèo phát triển kinh tế lại chui tọt vào chuồng gà nhà ông bí thư, chủ tịch và các cán bộ khác của xã Quế An. Trong khi đó, người dân cứ mỏi mòn chờ mà chẳng biết gà đã đi đâu.

    Trụ sở UBND xã Quế An, nơi xảy ra “sự cố” cấp phát gà “nhầm địa chỉ”. Ảnh Thụy Anh.

    Theo như bản danh sách của người dân cung cấp, trong số 1.250 con gà hỗ trợ người dân nghèo của xã Quế An thì ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch xã Quế An, được nhận nhiều nhất là 200 con.
    Tiếp đến, ông Trần Văn Quyên, Bí thư xã Quế An cùng gần 20 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.
    Dẫn PV đi mục sở thị một vòng thôn Đông Sơn, chỉ vào cái chuồng gà trống huơ trống hoác, anh T. (33 tuổi, trú thôn Đông Sơn, xã Quế An) bức xúc: “Đây là chuồng gà của anh P., cán bộ văn hóa của xã Quế An.
    Trước, đàn gà đông lắm nhưng nay bán gần hết rồi. Chỉ còn mấy con teo tóp, còi nhất trong bầy mà thôi. Thực sự, chúng tôi không hiểu, ai “đẻ” ra cái quyết định kỳ lạ, cấp gà cho cán bộ mà không cấp cho dân nghèo. Lẽ nào, cán bộ xã được nhận lương, phụ cấp hàng tháng lại có tên trong danh sách hộ nghèo, để được nhận nuôi gà?!”.
    Video: Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra, báo cáo việc hơn 1.200 con gà đi lạc
    (Nguồn: Theo VTC)
    Cùng chung sự bức xúc với anh T., trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Lê Thị P. (64 tuổi, trú thôn Thắng Đông 1, xã Quế An, huyện Quế Sơn) kể rằng: “Tháng 10 âm năm ngoái (tức tháng 11/2014-PV), tôi đang bán đồ cho mấy đứa học sinh gần Ủy ban xã thì trông thấy các cán bộ xã lần lượt chở gà ra khỏi ủy ban.
    Nhìn mấy cái thùng to, thùng nhỏ các vị ấy chở, người nhiều thì 100 con, ít cũng chừng 40-50 con. Tôi cũng lấy làm lạ, nhưng lúc đó chỉ nghĩ là họ chung tiền mua gà giống trên huyện về tăng gia sản xuất. Ai ngờ, họ lại chia nhau từng con gà cấp cho hộ nghèo?”.
    Để tìm hiểu chân tướng sự việc, PV có cuộc tiếp xúc và trao đổi với ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch UBND xã Quế An. Ông Minh xác nhận, việc người dân phản ánh là đúng. Ông Minh cũng cho biết, số gà đó đưa về cho cán bộ xã nhận vào tháng 11/2014 là do huyện hỗ trợ xã trong chương trình Nông thôn mới.
    Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, số gà trên là hỗ trợ cho địa phương, tạo điều kiện cho anh em địa phương... phát triển kinh tế? Bên cạnh đó, Chủ tịch xã Quế An cũng phủ nhận việc người dân phản ánh ông nhận 200 con gà mà chỉ nhận... 50 con gà và các cán bộ khác ai cũng nhận 50 con gà, số lượng là bình đẳng như nhau. Ông Minh cũng biện hộ, không phải tất các cán bộ của xã đều nhận gà mà họ nhận thay cho anh em, bố mẹ ở nhà nuôi?!
    Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận: “Về chủ trương (giao gà cho cán bộ nuôi - PV) là sai. Ông nào nhận thì trả lại cho dân và xã sẽ họp rút kinh nghiệm”. Khi PV hỏi: “Trả lại gà như thế nào trong khi phần lớn gà đã được nuôi lớn và bán đi?”. Chủ tịch xã Quế An nói: “Sẽ trả lại bằng tiền như lúc mua gà con về phát cho cán bộ!”. 
    Liên quan đến sự việc trên, ông Trần Văn Noa- Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, chỉ nghe thông tin này sau khi được phóng viên cung cấp? Sau khi nhận thông tin, ông đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra. “Về hướng xử lý, chúng tôi sẽ báo cáo thường trực ủy ban huyện và sẽ có hướng xử lý. Xử lý như thế nào tôi sẽ thông báo cho các anh sau”, ông Noa nói.
    Sự việc gà chui tọt vào nhà lãnh đạo xảy ra ở Quế An không phải là chuyện hiếm. Cách đây không lâu, báo chí đã lên tiếng về vụ 12 con dê cho hộ nghèo "đi nhầm" vào trang trại Bí thư huyện ủy Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) cũng gây phẫn nộ trong dư luận.
    Chuyện là huyện Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi. Theo đó, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để cấp cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên.
    Tuy nhiên, chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy. Điều đáng nói, giá trị của 12 con dê đối với những hộ nghèo là lớn, có thể tạo nên đòn bẩy, điểm tựa để giúp họ thoát nghèo...
    Thế nhưng, cách giải thích của vị Bí thư huyện ủy cũng thật lạ. Ông cho rằng, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của thị xã Bỉm Sơn (!). Chính ông là người ký kết chương trình hỗ trợ, xin dự án và trực tiếp thực hiện dự án, sao có thể dễ nhầm như vậy được.
    Sau khi có thông tin tố cáo ông Quý "dắt nhầm" dê của các hộ nghèo, mãi đến ngày 13/1/2015, huyện Thạch Thành mới tổ chức lấy dê từ trang trại của vị Bí thư huyện ủy này ra phân phát cho hộ nghèo. Mặc dù, những con dê đã được trả lại cho đúng chủ nhân của chúng nhưng đằng sau sự việc lại là chuyện niềm tin của người dân đã... đi lạc!
    “Ăn” cả gạo của người nghèo
    Chuyện ăn chặn gà, dê của dân nghèo khiến nhiều người  phải thốt lên rằng, nạn tham nhũng vặt ngày càng gia tăng. Thế nhưng, dư luận càng phẫn nộ hơn khi một số “quan” xã, “quan” thôn nuốt không tiền hỗ trợ,  của dân nghèo.
    Sự việc dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận bắt nguồn từ việc cán bộ thôn ở làng Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh – Vân Canh – Bình Định) đã bán bớt gạo trợ cấp cho người nghèo trong dịp Tết vừa qua. Trước Tết Ất Mùi, phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Canh đã cấp 14 tấn gạo đỏ lửa cho thị trấn Vân Canh để phát cho người nghèo đủ ăn trong dịp Tết. Sau đó, số gạo này được UBND thị trấn cấp về cho 11 thôn, làng trên địa bàn huyện.
    Trong đó, 3.165 tấn gạo cấp cho 221 hộ ở làng Hiệp Hà. Tuy nhiên, sau khi nhận số gạo được cấp phát, BQL làng Hiệp Hà tự ý bán bớt một phần gạo khiến người dân bức xúc. Cho đến khi sự việc bị người dân phát hiện, tố cáo lên lãnh đạo thì số gạo bị quan thôn bán đứt kia mới có đường quay về nhà dân nghèo. Vừa qua, lãnh đạo huyện Vân Canh đã kỷ luật những cán bộ trên và buộc phải cấp phát lại số gạo quy định cho các hộ dân nghèo.
    Trước đó, tại Nghệ An cũng xảy ra chuyện lãnh đạo xã nuốt không tiền bảo hiểm của dân gây bất bình trong dư luận. Theo hồ sơ, năm 2011, UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cấp cho xã Lục Dạ số tiền 310 triệu đồng để hỗ trợ cho 24 cán bộ xã có mức lương thấp và hỗ trợ 304 triệu đồng cho 1.216 hộ nghèo của xã Lục Dạ.
    Tuy nhiên, ông La Đức Cẩm (kế toán UBND xã Lục Dạ) đã tham mưu cho ông Lô Văn Nhung- Chủ tịch UBND xã  không phát cho hộ nghèo mà chuyển sang nguồn chi thường xuyên của địa phương để dễ làm khống chứng từ chiếm đoạt số tiền trên. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can những người liên quan để điều tra làm rõ.
    Trước những sự việc trên, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: “Lộc quan” khác với ăn chặn của dân. Nếu chúng ta không xây dựng lòng tin của dân với cán bộ thì tham nhũng còn phát triển rất mạnh. Trong đấu tranh chống tham nhũng, ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm thì phải xây dựng lòng tin với dân”.

    Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

    Trước hành vi ăn chặn tiền hỗ trợ người dân của một số quan xã, luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Đối với từng trường hợp bị phát hiện sai phạm, chúng ta phải xem xét tính chất cũng như mức độ mới có thể đưa ra nhận định chính xác được.

    Tuy nhiên, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là hành vi tham nhũng và hành vi này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự (được quy định cụ thể trong Điều 3 của luật Phòng chống tham nhũng). Tùy vào mức độ vi phạm đến đâu, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý đến đó.

    Phải công khai, minh bạch cụ thể, chi tiết từng chính sách hỗ trợ tới người dân

    Trao đổi về nguyên nhân dẫn tới thực trạng quan xã ăn chặn của dân nghèo gia tăng thời gian qua, ông Lê Văn Giảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Hiện nay nguồn thông tin tới người dân về các chính sách hỗ trợ người nghèo không phải là ít. Tuy nhiên, đa số vẫn là những chính sách chung chung, không rõ ràng. Người dân chỉ biết là có chính sách hỗ trợ nhưng hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ cái gì và hỗ trợ như thế nào thì không ai biết.

    Trong khi đó, những người nắm quyền ở địa phương lại không công khai thông tin này, thậm chí là cả các tổ chức đoàn thể cũng không thể giám sát. Lỗ hổng để quan xã ăn chặn chính là ở chỗ này. Vì thế, muốn ngăn chặn, theo tôi cần phải giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng.

    Thứ nhất là cần phải công khai, minh bạch một cách cụ thể, chi tiết về các gói hỗ trợ cho người nghèo để người dân và các tổ chức xã hội cùng biết, cùng tham gia và cùng giám sát. Thứ hai là với những trường hợp vi phạm, ăn chặn của người dân cần phải xử lý thật nghiêm để có tính răn đe chứ không thể nói là họp kiểm điểm rút kinh nghiệm là xong được. Thậm chí, nếu vi phạm đến mức phải truy tố thì chúng ta cũng cần phải làm ngay. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng quan xã ăn chặn. 

    Những câu hỏi nhức nhối

    Luật sư Nguyễn Cẩm, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: “Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến chuyện quan xã ăn chặn “đồ” mà Nhà nước; các tổ chức xã hội hỗ trợ… người dân đang gặp khó khăn; đối tượng chính sách. Hành vi vi phạm của những cán bộ này rất rõ ràng. Họ không những lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước – mà nó còn đặc biệt nguy hiểm, bởi làm trái ở lĩnh vực từ thiện và chính sách.

    Ông Phó Chủ tịch huyện trả lời PV rằng, PV phản ánh mới biết có chuyện trên là quan liêu. Nếu đúng, gà đó ở chương trình Nông thôn mới, thì đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước, rất hợp với lòng dân, đang được tiến hành rất tốt ở nhiều địa phương, sao huyện không giám sát việc thực hiện này? Sao lại khoán trắng cho xã như vậy và trả lời PV một cách đơn giản như thế?

    Vụ “ăn gà” của cán bộ xã Quế An, đầy đủ dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội phạm và xử lý hình sự những cán bộ thoái hoá biến chất này. Chính vì những vụ trước, chúng ta chỉ xử lý hành chính, cách chức nên mới dẫn tới những hành vi khủng khiếp tiếp theo của cán bộ xã là “ăn gà” của chương trình Nông thôn mới, dành cho người nghèo xoá đói, giảm nghèo”.

    P.THIỆU - N.GIANG - THỤY ANH

    Xem thêm clip: Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ Viện nhi Trung ương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhin-tu-nhung-vu-lanh-dao-xa-an-chan-tu-de-den-ga-cua-dan-ngheo-a87645.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan