+Aa-
    Zalo

    Nhu cầu bất động sản vẫn tăng, doanh nghiệp phải thích ứng thế nào để bơi khỏe giữa "sóng" COVID-19

    ĐS&PL Sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4, thị trường bất động sản có thể tiếp tục bùng nổ nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải chủ động và tích cực thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn... Doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi trong thiết kế và cung ứng dịch vụ với những xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản; Có những giải pháp về công nghệ giúp khách hàng tiếp cận thông tin bất động sản tại nhà.

    "Vùng vẫy" giữa "bão" COVID-19

    Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Xuân Đức (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Thịnh Land) cho biết, mặc dù công ty có quy mô nhỏ, số lượng nhân sự không lớn và đơn thuần chỉ nhận dịch vụ môi giới bất động sản nhưng gặp khá nhiều lao đao nhất trong thời điểm đại dịch lần thứ 4.

    "Hiện chế độ hỗ trợ lương tháng chúng tôi đã chuyển đổi thành trả định mức theo doanh số phần trăm hoa hồng. Tức chi trả theo doanh thu thực tế", ông Đức cho hay.

    Theo ông Đức, dịch COVID-10 đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến tất cả các ngành kinh tế, bất động sản không phải là ngoại lệ. Dịch diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến kế hoạch chào bán và đưa sản phẩm mới ra thị trường của các chủ đầu tư, đồng thời giá nguyên vật liệu gần đây tăng chóng mặt, khiến giá nhà đội lên, nguồn lao động thì không đảm bảo do thực hiện giãn cách xã hội.

    Về khó khăn chung của ngành, ông Đức cho rằng, ngành đang gặp nhiều khó khăn như tiếp cận nguồn vốn, văn bản chính sách về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, thủ tục hành chính vẫn rườm rà…. Các doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ khó phát triển lớn mạnh do việc tiếp cận nguồn vốn đã khó nay lại càng khó hơn. Nguồn vốn phát triển chủ yếu của các doanh nghiệp từ vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ lại có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.

    Cộng thêm việc đại dịch liên tiếp xảy ra khiến mọi hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản bị đình trệ, thị trường sẽ khắc nghiệt hơn, tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây; Yêu cầu cao hơn của khách mua về sản phẩm như pháp lý dự án, thiết kế, điều kiện bàn giao, tiện ích dự án… Sự cạnh tranh từ nguồn cung lớn của các đại dự án và năng lực thực hiện dự án cũng là những nguyên nhân tác động khiến doanh nghiệp kinh doanh sa sút.

    Trong những năm qua, thị trường bất động sản vẫn chứng kiến những cơn tăng nóng và gây ra nhiều hệ lụy đối với nợ xấu ngân hàng, vì thế sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các đợt sốt giá đất tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Trong đại dịch lần này, dù diễn biến của đại dịch vẫn khó lường, song các nguy cơ dẫn đến cơn sốt về giá đất vẫn hiện hữu.

    Đồng thời, giao dịch bất động sản gặp khó. Nhiều văn phòng môi giới, sàn giao dịch lao đao vì số lượng giao dịch thấp, chi phí lại cao, nhận sự bỏ nghề cũng khá nhiều một phần do cắt giảm, một phần do thị trường tạm “đứng hình” vì dịch bệnh. Cộng thêm, nhiều tỉnh thành có chính sách nghiêm ngặt như; Dừng chuyển nhượng đối với người ngoại tỉnh, kiểm soát chặt các hoạt động công chứng, dừng phân lô tách thửa….

    dai dich covid 19 phuc tap bat dong san tro thanh kenh tru an tai san an toan
    Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, bất động sản được đánh giá là kênh "trú ẩn" tài sản an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo và có sự lựa chọn sáng suốt trước những cơn sốt ảo đang "rình rập". Ảnh minh họa

    Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Hiếu (Chuyên viên tư vấn bất động sản ở Hà Nội), cho biết, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực, nhưng lại khiến cho thị trường "biến động không ngừng".

    "Mặc dù dịch COVID-19 phức tạp, nhưng rất nhiều người có nhu cầu mua bất động sản. Tuy nhiên số lượng giao dịch lại giảm", anh Hiếu cho hay.

    Lý giải cho việc giao dịch giảm, anh Hiếu cho hay, dịch bệnh khiến cho giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao, khiến giá bất động sản một phần bị đẩy lên so với thực tế. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những cơn sốt đất và hiện nay giá đất ở nhiều nơi vẫn chưa hạ nhiệt.

    Báo cáo về thị trường bất động sản quý I/2021 mới đây được bộ Xây dựng tổng hợp số liệu từ sở Xây dựng các địa phương cho biết, có 25.386 giao dịch bất động sản thành công, tổng lượng giao dịch giảm chỉ bằng khoảng 86% so với quý 4/2020. Trong khi đó về giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5 - 10% so với quý 4/2020. Giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương cũng tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước.

    Theo bộ Xây dựng, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch mức cao; lãi suất tiền gửi với mức lãi suất thấp không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng dẫn đến nguồn cung bất động sản hạn chế. Điều này đã khiến giá căn hộ và đất nền tăng bất chấp giao dịch giảm mạnh.

    Cần thay đổi hợp với xu hướng

    Đánh giá về cơ hội và diễn biến phục hồi, phát triển của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Xuân Đức cho hay hoàn toàn tin tưởng và vô cùng kỳ vọng vào cách chống dịch của Đảng và Nhà nước ta, dịch sẽ sớm được dập tắt và kinh tế sẽ sớm được phục hồi, thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ thăng hoa trở lại.

    "Tôi nghĩ thời điểm này các doanh nghiệp cần phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 thật tốt, Cùng chung tay vào công tác đẩy lùi bệnh tât, để mọi hoạt động kinh doanh sớm được trở lại", ông Đức cho hay.

    Ông Đức cũng đưa ra nhận định, sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 này thì thị trường bất động sản sẽ lại tiếp tục bùng nổ, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn... Doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi trong thiết kế và cung ứng dịch vụ với những xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản; Có những giải pháp về công nghệ giúp khách hàng tiếp cận thông tin bất động sản tại nhà.

    Đặc biệt, để giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng mong muốn được nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn và chính sách thông thoáng.

    Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trước những khó khăn do đại dịch COVID-19, Hiệp hội đã khuyến nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện hoãn thông báo thu tiền mua nhà, thuê nhà theo hợp đồng để tránh gây áp lực cho khách hàng. Việc xem xét chính sách giãn tiến độ thu, giảm tiền thuê, thậm chí miễn thu tiền thuê nhà, mặt bằng trong một thời gian nhất định để hỗ trợ khách hàng là cần thiết.

    Cần tập trung phát triển phương thức làm việc từ xa, tận dụng tối đa công nghệ số, trong tiếp thị quảng bá dự án và sản phẩm trực tuyến, online, công nghệ BIM trong sản xuất, thi công, quản lý dự án, kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án thực hiện các đợt tái khởi động thị trường. Theo đó, tái khởi động các dự án, các đợt khuyến mãi lớn, dự kiến có thể trong những tháng cuối năm.

    Đặc biệt, ông Châu cho rằng, đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội vẫn là phân khúc nhà ở chủ đạo, đáp ứng nhu cầu thực của đa số người tiêu dùng nhưng đang rất thiếu nguồn cung. Vì thế, nếu có chính sách và cơ chế phù hợp, phân khúc đó sẽ phát triển lớn mạnh, vừa là trụ cột và đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Tuy nhiên, thách thức mấu chốt hiện nay là những điểm nghẽn thể chế pháp luật - hành chính cũng như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.

    Đối với lĩnh vực bất động sản, rất cần được Nhà nước, Chính phủ tháo gỡ, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh để thị trường phục hồi và kéo theo nhiều ngành kinh tế khác. Đặc biệt, rất nhiều vào quy định của Luật Đất đai năm 2013 hiện hành gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương… Do đó, cần phải sửa đổi các quy định trên của Luật Đất đai để giải quyết nhiều vấn đề mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai.

     

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

    Hoàng Yên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhu-cau-bat-dong-san-van-tang-doanh-nghiep-phai-thich-ung-the-nao-de-boi-khoe-giua-song-covid-19-a506801.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan