Những chuyện ít biết xung quanh đồng tiền Việt Nam - Bài 5: Tại sao là tiền Polymer?


Chủ nhật, 10/01/2021 | 23:39


Cùng sự kiện

Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, từ năm 1986-1989 là khoảng thời gian bất an, hoang mang, lòng tin vào đồng tiền giảm sút nghiêm trọng.

Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, từ năm 1986-1989 là khoảng thời gian bất an, hoang mang, lòng tin vào đồng tiền giảm sút nghiêm trọng. Hôm nay lĩnh lương mua được 5 cân gạo nhưng hôm sau lĩnh thì cũng số tiền ấy chỉ mua 2 cân và rồi 1 cân.

Trong cuốn: "Kinh tế Việt Nam, một chặng đường gian nan và ngoạn mục" giáo sư Đặng Phong viết: "Sau đổi tiền năm 1985, dấu hiệu lạm phát xuất hiện và đỉnh cao là năm 1987 lên tới 700%, theo chuẩn thế giới, lạm phát ở mức đó gọi là siêu lạm phát".

Siêu lạm phát do nhiều nguyên nhân trong đó có việc nhà nước bơm ra thị trường một lượng tiền mặt quá lớn nhưng lại không có hàng hóa để hút dòng tiền về.

Chính sách "giá-lương-tiền" bị phá sản. Nhưng rồi nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, siêu lạm phạm dần được kiềm chế. Tuy nhiên ám ảnh về bộ tiền 1985 luôn hiện hữu trong xã hội và để xóa bỏ ám ảnh đó chỉ có cách in bộ tiền mới.

Năm 1990, Chính phủ có chủ trương thay thế bộ tiền "kinh hoàng" nhưng chi phí làm bộ tiền mới vô cùng tốn kém và đầu những năm 1990, kinh tế đất nước vẫn cực kỳ khó khăn.

Đất nước vào guồng đổi mới, đồng tiền dần ổn định thì xuất hiện nguy cơ bất ổn đó là tiền giả. Việc tìm chất liệu mới thay thế chất liệu cotton đã được Chính phủ tính đến. Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm Úc, ông được tặng đồng 5 đô la in trên chất liệu polymer.

Về nước, ông đưa đồng 5 đô la cho thống đốc ngân hàng khi đó là ông Cao Sỹ Kiêm, đưa nhưng cũng là giao nhiệm vụ tìm hiểu về chất liệu này. Sau đó 18 đoàn công tác của các bộ ngành được cử đi các nước đã sử dụng tiền polymer và 12 đoàn đã báo cáo ủng hộ.

Polymer có gì ưu thế gì so với chất liệu cotton? Ưu điểm đầu tiên là giấy nền polymer có độ bền cơ học cao, khó dùng tay để xé rách tờ bạc. Đây là yếu tố rất quan trọng làm tăng độ bền của đồng tiền và độ bền của tiền poly- mer qua thực nghiệm cao hơn so với tiền cotton 3-4 lần.

Tiền polymer không thấm nước, nếu bẩn có thể rửa, điều đó là không thể với tiền cotton. Giấy polymer có khả năng thích ứng với các thiết bị xử lý tiền, như: Máy ATM, máy đếm tiền, tuyển chọn tiền... Nhưng ưu điểm lớn nhất của polymer chính là khả năng chống giả.

Giấy nền polymer cho phép ứng dụng nhiều kỹ thuật chống giả trong đồng tiền. Bên cạnh những yếu tố bảo an được ứng dụng tương tự giấy in tiền cotton như: Hình bóng chìm, hình định vị, in intaglio, chữ siêu nhỏ, dây bảo hiểm, yếu tố phát quang... thì giấy nền polymer còn có những yếu tố bảo an đặc trưng, có hiệu quả cao trong việc chống làm giả là yếu tố cửa sổ trong suốt có hình ẩn hoặc hình dập nổi.

Yếu tố này chỉ có thể ứng dụng trên giấy nền polymer. Tiền polymer còn có khả năng chống giả nếu kẻ gian sử dụng máy photocopy, thiết bị scan hay máy in lase. Với người khiếm thị, họ cũng dễ dàng phát hiện tiền polymer giả bằng cách sờ tay.

Nhờ những ưu điểm vượt trội so với cotton nên nhiều nước trong đó có Anh và Canada đã in những mệnh giá đầu tiền bằng polymer. Tuy nhiên polymer không phải toàn màu hồng, giá nguyên liệu cao hơn nhiều lần so với cotton, công nghệ in cao hơn nên chi phí cho tờ tiền cũng lớn hơn.

Trên thế giới chẳng có gì hoàn hảo, tuy nhiên nếu đặt khả năng chống giả lên hàng đầu thì rõ ràng polymer là sự lựa chọn số một. Thế nhưng tại sao vẫn có những ý kiến tiếp tục in cot- ton?

Câu trả lời là lợi ích. Nếu dùng giấy nền polymer có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho nhà cung cấp cotton, vốn có mối quan hệ với nhóm nào đó. Và khi tiền polymer được phát hành, có ý kiến cho rằng giấy nền polymer không có gì đặc biệt, không phải là giấy đặc chủng nên dễ làm giả.

Lại có ý kiến sao phải lệ thuộc vào một hãng giấy? Một câu hỏi đặt ra là nếu giấy nền polymer không có gì đặc biệt, dễ sản xuất thì lý do gì mà hơn 20 nước, trong đó có Việt Nam lại mua từ 1 hãng độc quyền Securency?

Có lẽ ý kiến đó nhắm đến một mục đích khác. Thực tế với tờ tiền lưu hành lâu cũng có tình trạng nhạt màu, nhưng trên đời này, cái gì dùng nhiều cũng nhanh hỏng, không dùng cũng hỏng.

Đốt tiền cho người tình rửa chân như kiểu công tử Bạc Liêu theo luật có thể bị xử tù nhưng tay ướt nhẹp, dính dầu mỡ cũng cầm tờ tiền, quấn tờ tiền dắt cạp quần, nhét vào chỗ kín mồ hôi, nhớp nháp thì chẳng bị dư luận chê trách, lên án. Một cách công bằng, người Việt chưa hề có văn hóa giữ gìn đồng tiền.

Trong một thế giới mà cái giả lên ngôi, con người thì "mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu", "miệng nam mô, bụng một bồ dao găm", đồng tiền trở thành mục đích tối thượng thì tiền giả tăng cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tiền giả polymer trên 1 triệu tờ tiền trong lưu thông năm 2005 là 0,1 tờ đối với loại 500.000 đồng; 4,2 tờ đối với loại 100.000 đồng; 2,94 tờ đối với loại 50.000 đồng.

Trong báo cáo gần đây nhất năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước, tiền polymer giả các mệnh giá có tăng nhưng không đáng kể và quan trọng là phát hiện được bằng tay và mắt.

Gần 20 năm đã qua kể từ khi phát hành tờ tiền polymer đầu tiên, đồng tiền Việt Nam ngày càng ổn định, tạo được lòng tin với người dân. Tiền polymer không phải là thần thánh, có được điều đó là do chính sách tiền tệ linh động, uyển chuyển của Nhà nước và kinh tế vĩ mô ổn định.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (2)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chuyen-it-biet-xung-quanh-dong-tien-viet-nam---bai-5-tai-sao-la-tien-polymer-a352147.html