+Aa-
    Zalo

    Nữ Hiệu trưởng trong “bão dịch” Xuân Phương

    • DSPL
    ĐS&PL “Chị không sao. Đừng lo gì nhé. Chị ra chỗ các cháu đang chuẩn bị vào phòng ở. Thế nhé!”, cô giáo Lê Thị Tuyết Lan -Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương nói.

    “Chị không sao. Đừng lo gì nhé. Chị ra chỗ các cháu đang chuẩn bị vào phòng ở. Thế nhé!”, cô giáo Lê Thị Tuyết Lan -Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã vui vẻ chào tôi qua điện thoại như vậy trước khi chuẩn bị bước vào khu cách ly cùng học sinh và các đồng nghiệp của mình.

    Cô giáo Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội). 

    Sao lại không sao được chứ? Tôi tự đặt câu hỏi sau tiếng tút dài của điện thoại. Tôi cùng chị Lan có một thời gian dài công tác tại phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm. Bao năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, chị vẫn vậy, luôn hướng về các con học sinh thân yêu.

    Cả Hà Nội đang hướng về trường tiểu học Xuân Phương, nơi có học sinh, cán bộ, giáo viên và những người có tiếp xúc dù là gián tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid đang thực hiện cách ly. Tất cả đang dành tình cảm và cả sự quan tâm lớn cho những chiến binh tí hon lớp 3E của ngôi trường mà chị dành bao tâm huyết.

    Sao có thể không lo lắng khi cả thế giới vẫn hồi hộp mỗi ngày trước dịch bệnh khôn lường này?

    Có lẽ bản tính hay nghĩ cho người khác khiến chị vượt qua những khó khăn, thử thách giản đơn hơn. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, chị là cô giáo, là người lãnh đạo thực gần gũi và đáng nể, người dường như chưa từng khiến ai buồn. “Thôi nhé, chị biết rồi. Em cứ như thế sẽ ổn thôi” là câu nói sẻ chia thường gặp ở chị trước mỗi tình huống khó xử của đồng nghiệp.

    Ngày biết tin trường tiểu học Xuân Phương có phụ huynh F0, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của chị cũng như các em học sinh thực sự như... đứng trên đống lửa. Lo lắng lắm chứ, ngôi trường trẻ tuổi nhất của giáo dục Nam Từ Liêm sẽ phải ứng phó ra sao? Các con học trò thì nhỏ dại, tự lo cho bản thân chưa ổn mà giờ lại phải vừa tự chăm lo cho mình lại vừa tuân thủ kỹ năng phòng chống dịch. Chỉ nghĩ đến việc chờ đợi kết quả xét nghiệm thôi, mà lòng như lửa đốt!

    Ấy vậy mà chị vẫn bình tĩnh, điềm đạm truyền đi năng lượng tích cực trong từng câu nói, lời nhắn. “Chị biết rồi, thực đơn ngon và toàn thực phẩm sạch. Nhưng các bữa ăn ở đây đầy đủ lắm, đồ ăn và tráng miệng không thiếu gì đâu. À mà vội quá, chưa kịp lo đủ cho các phụ huynh đâu, e lo gấp cho chị 20 cái màn chụp nhé... Đừng lo cho chị. Tết vui vẻ nhé”, dòng tin nhắn ấm áp của chị sau lời đề nghị của tôi về việc chuyển đồ ăn cho những cô trò đang cách ly ở trường.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh tại trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội).

    Sự lạc quan và trách nhiệm của người lãnh đạo luôn mang đến bình yên cho cô trò nhà trường. Những cuộc gọi qua video hay các bức hình ghi lại hình ảnh cô trò cách ly ở trường Xuân Phương như thể một khoá trải nghiệm chứ không nhuộm màu lo âu.

    Những kết quả xét nghiệm âm tính ban đầu đã mở ra những tiếng cười cho cô trò dù trước mắt họ còn là chặng đường không ngắn.

    Niềm vui luôn có thể hiện hữu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

    Tết năm nay có lẽ là một năm đáng nhớ với các cô trò nơi đây bởi họ sẽ cùng nhau chuẩn bị để đón một Giao thừa ý nghĩa. Cũng có gói bánh, có cành đào, cây quất. Có cả những lời ca, điệu múa... trong khu vực cách ly này.

    Có trải qua những tình huống, hoàn cảnh như thế này mới thấy tình yêu của các cô – những người mẹ thứ hai với những đứa trẻ thực đáng trân quý xiết bao. Con chưa ngủ, mẹ vỗ về xoa lưng cho tròn giấc. Con nhớ bố và anh, mẹ gọi điện thoại để con thỏa nỗi nhớ. Con muốn đọc truyện, cả một thư viện nhỏ cho con say mê!

    Sau cuộc điện thoại chớp nhoáng với con gái và cháu ngoại nhỏ, người mẹ, người bà ấy, nén nỗi nhớ vào lòng để rồi “vào vai” một người thuyền trưởng động viên đồng nghiệp, chăm chút bầy học trò. Chưa ai từng nghĩ đến tình cảnh dịch bệnh này.

    Chưa ai tỏ thử thách sẽ phải đối mặt nhưng qua gian nan, mới cảm nhận rõ hơn sự ấm nồng của tình người. Đó là tấm chân tình của người thuyền trưởng vững tay chèo đưa ngôi trường nhỏ vượt "bão giông". Đó là sự xúc cảm đáng trân quý dành cho những đồng nghiệp xung phong đến- ở lại với các con để hỗ trợ chỉ bởi “sợ các con chưa quen ở lại lúc tối xuống, đêm về”. Đó là tấm lòng bao la của những bậc cha mẹ gạt hết công việc, sẵn sàng vào khu cách ly để đồng hành và san sẻ dù hơn một lần được nghe câu “anh chị yên tâm, em và các cô lo cho con rồi”.

    Nay dịch đang lan, vùng cách ly nào cũng cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Lần đầu tiên dịch tràn tới các trường học, nơi nhiều học sinh quá nhỏ để phòng vệ và dễ bị tổn thương nhất. Hồn nhiên như nắng mà cũng ẩn chứa nhiều lo lắng.

    Nhưng nhà giáo Tuyết Lan và các đồng nghiệp, hãy an tâm ở nơi đó bởi an lành và yên bình sẽ sớm trở lại thôi. Một khi có sự chung lòng chia sẻ và quyết tâm vượt dịch, chúng ta sẽ chiến thắng, chiến thắng rạng ngời.

    LÊ NGA (Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội)

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(21)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-hieu-truong-trong-bao-dich-xuan-phuong-a355149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan