“Chế”, “độ” lại xe cho các quái xế có thể bị xử lý hình sự?


Thứ 3, 08/09/2015 | 13:49


“Nếu người 'độ', 'chế' xe biết được ý định của chủ xe là sử dụng xe vào mục đích đua xe trái phép thì có thể bị xử lý hình sự...", LS Cường nói.

“Nếu người 'độ', 'chế' xe biết được ý định của chủ xe là sử dụng xe vào mục đích đua xe trái phép thì có thể bị xử lý hình sự về tội đua xe trái phép theo quy định tại Điều 207 BLHS với vai trò đồng phạm giúp sức…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Độ xe đang là một trào lưu trong giới trẻ hiện nay để thể hiện sự đam mê xe độ. Khi đi ra đường, ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy được thay đổi về hình dáng, tiếng động cơ…

Mới đây nhất, sau khi nhận tin báo của người dân về việc phát hiện một tiệm sửa xe chuyên độ xe cho các quái xế, chiều ngày 6/9, Đội CSGT Công an TP Mỹ Tho đã kiểm tra tiệm sửa xe Kiên ở xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và phát hiện 3 xe gắn máy đã độ, không gắn biển số, chuẩn bị giao cho các quái xế.

Chủ tiệm sửa xe cho biết không rõ chủ nhân mà chỉ làm xe theo yêu cầu của khách. Công an đã tạm giữ cả 3 xe này để tiếp tục truy tìm chủ nhân.

Có thể thấy, đứng trên phương diện pháp luật, thú chơi "độ" xe đang vi phạm các quy định về luật an toàn giao thông, có thể bị xử phạt nếu đi ngoài đường. Thế nhưng, nhiều người đặt ra câu hỏi với những chủ cơ sở độ xe cho quái xế có vi phạm pháp luật?

Một cơ sở chuyên "độ" xe mô tô trên đường Hùng Vương (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định) - Ảnh: Báo Bình Định

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Điều 55, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.Trường hợp chủ phương tiện có một trong các hành vi thay đổi kết cấu, hệ thống xe thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 30, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính Phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trong vụ việc này, việc thay đổi thiết kế của xe (độ xe) để thực hiện mục đích đua xe trái phép thì hành vi này còn có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với những người có liên quan.

“Nếu người độ, chế xe biết được ý định của chủ xe là sử dụng xe vào mục đích đua xe trái phép (Chủ xe yêu cầu người độ, chế xe chế xe của mình thành xe đua và người đó đồng ý) thì có thể bị xử lý hình sự về tội đua xe trái phép theo quy định tại Điều 207 BLHS với vai trò đồng phạm giúp sức. Ở đây cũng cần lưu ý là để có thể xử lý hình sự về tội đua xe trái phép thì hành vi của các đối tượng này phải gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp việc đua xe chưa diễn ra nhưng các đối tượng này đã từng bị xử phạt hành chính, từng bị kết án mà vẫn cố tình thực hiện hành vi độ, chế xe để phục vụ cho hoạt động đua xe trái phép thì những người này vẫn bị xem xét, trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng có hành vi độ xe để đua xe trái phép này thì các đối tượng này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Điều 34 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép.

Độ xe ở mức nào là không vi phạm luật?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, ôtô, xe máy được các hãng sản xuất thiết kế tính toán, thử nghiệm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và mục đích sử dụng cụ thể theo từng loại xe để đảm bảo độ an toàn, tiện nghi cho người sử dụng.

“Việc tự ý “độ xe” không theo hướng dẫn của hãng sản xuất làm thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, đặc tính kỹ thuật của xe làm cho thông số kỹ thuật của ô tô, xe máy không còn phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn chuyển động của xe, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông” – luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp.

Luật sư phân tích thêm, ở Việt Nam hiện nay, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, TNGT vẫn đang là vấn đề gây bức xúc, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, vì vậy pháp luật không cho phép “độ xe”. Vì vậy, hành vi độ xe, thay đổi màu sắc, thiết kế của xe máy, ô tô đều không được pháp luật cho phép. Nếu chủ phương tiện vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính, điểm a, Khoản 1, Điều 30 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.

Có ý kiến cho rằng, độ xe là theo ý thích vì đó là tài sản của người ta và không có quyền thu khi xe đó không đi ra đường? nhận định về vấn đề này luật sư Cường nhận định, theo quy định pháp luật thì xe máy, ô tô cũng là một tài sản và là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, không phải chủ sở hữu tài sản muốn "làm gì chiếc xe thì làm", việc sử dụng, định đoạt tài sản đó phải theo quy định pháp luật.

“Hành vi độ xe, thay đổi thiết kế của xe sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng và những người khác khi tham gia giao thông, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý.  Vì vậy, việc sử dụng xe máy, ô tô thế nào khi tham gia giao thông được pháp luật quy định cụ thể và có những chế tài cụ thể áp dụng với các hành vi vi phạm” – luật sư Cường cho biết.

Theo Người đưa tin

Xem thêm: [mecloud]Io8fU7eTPK[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/che-do-lai-xe-cho-cac-quai-xe-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a109734.html