Gắn "mác" doanh nhân thành đạt, U50 lập hồ sơ khống, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng


Thứ 5, 05/01/2017 | 06:55


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Mai Anh đã lấy mác doanh nhân “thành đạt”, lập báo cáo tài chính khống, làm giả hồ sơ vay vốn và chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng.

(ĐSPL) - Mai Anh đã lấy mác doanh nhân “thành đạt”, lập báo cáo tài chính khống, làm giả hồ sơ vay vốn và chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng.

Theo báo Giao thông, sau hai ngày xét xử và nghị án, chiều 4/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt mức án chung thân đối với bị cáo Lê Thị Mai Anh (SN 1961, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Mai Anh tại phiên xử - Ảnh: báo CAND

Báo An ninh thủ đô thông tin, theo truy tố, từ tháng 6 đến tháng 9/2011, Lê Thị Mai Anh, khi đó là Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư khoáng sản Kim Ngọc (gọi tắt là Công ty Kim Ngọc) đã lập hồ sơ đề nghị vay vốn tín dụng tại chi nhánh của một Ngân hàng TMCP ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Và để được vay vốn, giải ngân, nữ doanh nhân này đã lập khống báo cáo tài chính của Công ty Kim Ngọc, “vẽ ra” những hợp đồng kinh tế “ảo”, đồng thời ký khống séc, lệnh chuyển tiền. Ngoài ra, Mai Anh còn mượn “sổ đỏ” của hàng loạt gia đình để làm tài sản bảo đảm cho những khoản vay tương ứng.   

Hoàn thiện hồ sơ vay vốn, bị cáo tiếp tục giả mạo chữ ký, điểm chỉ vân tay của nhiều người trong các hợp đồng ủy quyền thế chấp tài sản với ngân hàng; lập khống và làm giả các hóa đơn, chứng từ liên quan đến những hợp đồng kinh tế “ảo”… Từ những hồ sơ vay vốn bậy này, Mai Anh nhanh chóng được Chi nhành ngân hàng này giải ngân hơn 19,7 tỷ đồng.

Sau khi vay được số tiền trên, Mai Anh chỉ trích ra một phần nhỏ để cho một số gia đình cho mượn “sổ đỏ” vay lại. Còn phần lớn số tiền vay mượn của ngân hàng, Mai Anh chiếm đoạt hết, rồi bỏ trốn. Ngày 26/3/2013, đối tượng đã bị bắt giữ theo lệnh truy nã.

Bị đưa ra tòa án xét xử, bị cáo thừa nhận doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì. Thậm chí ngay như giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty cũng chỉ là người được đối tượng thuê mướn đứng tên.

Đối với hàng loạt doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế “ảo” với Công ty Kim Ngọc cũng đều được Mai Anh nhờ vả với mục đích hợp thức hóa thủ tục vay vốn.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng xác định, một số cán bộ của ngân hàng đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt và kiểm soát sau khi giải ngân đối với khoản tiền nêu trên. Do đó đã không phát hiện ra sự gian dối của Lê Thị Mai Anh. Hành vi của các cán bộ ngân hàng này đã có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, ngay sau khi vụ án xảy ra, Ngân hàng có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ sai phạm. Mặt khác, quá trình điều tra, những cán bộ ngân hàng liên quan đều thành khẩn khai báo, nhân thân tốt và không được hưởng lợi gì nên CQĐT đã quyết định đình chỉ bị can, đồng thời miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ ngân hàng dính líu.  

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức; 

b) Có tính chất chuyên nghiệp; 

c) Tái phạm nguy hiểm; 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gan-mac-doanh-nhan-thanh-dat-u50-lap-ho-so-khong-chiem-doat-gan-20-ty-dong-a177134.html