376 giáo viên tại Thanh Hóa bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng


Thứ 5, 07/07/2016 | 02:51


(ĐSPL) - 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đang rất lo lắng vì bất ngờ nhận được thông báo của UBND huyện rằng sẽ không ký lại hợp đồng lao động.

(ĐSPL) - 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đang rất lo lắng vì bất ngờ nhận được thông báo của UBND huyện rằng sẽ không ký lại hợp đồng lao động.

Khám phá đưa tin, 376 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Vĩnh Lộc mới đây đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ mong muốn tiếp tục được giảng dạy, gắn bó với nghề giáo vì vừa qua đã bị chấm dứt hợp đồng.

Theo đó, 376 trường hợp giáo viên, nhân viên hợp đồng bị chấm dứt hợp đồng đang dạy trong các trường học khối mầm non: 153 người; khối Tiểu học: 92 người; khối THCS: 128 người và Trung tâm GDTX: 3 người. Mức lương chi trả cho giáo viên với trình độ ĐH là 1,7 triệu đồng/tháng, CĐ là 1,6 triệu đồng/tháng, Trung cấp 1,5 triệu đồng/tháng, được đóng BHYT, BHXH theo mức lương tối thiểu. Toàn bộ số hợp đồng này hết hạn từ ngày 30/6,  Zing thông tin thêm.

Hàng trăm giáo viên tâm huyết bỗng chốc thất nghiệp. (Ảnh: Lao động)

Vào ngày 27/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có công văn về việc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đến ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc ra thông báo không ký lại hợp đồng lao động với những người (hết hạn hợp đồng) đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học thuộc UBND huyện quản lý, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Được biết, những giáo viên này đều đã có nhiều năm gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục, dù mức lương của họ chỉ 630.000 – 1,7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trong số những giáo viên này, rất nhiều người có thành tích dạy giỏi cấp huyện, tỉnh Thanh Hóa; có trường hợp hai vợ chồng cùng làm giáo viên nên giờ không được tiếp tục ký hợp đồng khiến cuộc sống vô cùng chật vật, khốn cùng.

Chia sẻ với báo Lao Động, thầy Trịnh Hồng Thước, 47 tuổi cho biết mình dạy hợp đồng từ năm 2006 với mức lương 511 ngàn đồng/tháng. Đến năm học 2015-2016 vừa qua lương được 1,7 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi các khoản đóng bảo hiểm thì thầy còn được 1,1 triệu đồng/tháng.

“Giờ nghỉ dạy không biết tôi phải làm nghề gì, bởi đã có tuổi, xin làm công nhân cũng không biết nhận không? Vợ tôi làm giáo viên giờ cũng bị chấm dứt hợp đồng, gia đình mất đi thu nhập khiến lâm cảnh khó khăn hơn bao giờ hết!”, thầy Thước nói.

Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Huệ - giáo viên dạy toán Trường THCS Vĩnh Thịnh (có bố là thương binh 91\%) - nghẹn ngào: “Giáo viên là ngành đặc thù, giờ huyện không ký tiếp hợp đồng lao động, chúng tôi sẽ rất khó chuyển nghề. Lâu nay chúng tôi đang đi dạy học bình thường, giờ bỗng nhiên không được đi dạy nhiều người lại cho rằng chúng tôi bị đuổi việc, ảnh hưởng đến danh dự của chúng tôi”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, việc không tiếp tục ký hợp đồng với các giáo viên trên là theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.

Qua rà soát mới đây, tổng số giáo viên biên chế của huyện đang thừa, các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động trên là những trường hợp được ký hợp đồng lao động từng năm, việc chấm dứt hợp đồng đều đúng theo quy định của pháp luật sau khi hết thời hạn.

Cũng theo ông Tâm, hiện UBND huyện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ có lợi cho người lao động trong thời gian tìm công việc mới theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, ông Tâm cho hay, huyện đang rà soát các môn còn thiếu giáo viên để trình xin tỉnh cho phép ký hợp đồng với những giáo viên phù hợp trở lại với nghề, đồng thời xin cơ chế chuyển giáo viên từ cấp thừa sang cấp học còn thiếu.

AN LÊ (tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video tin tức:

[mecloud]GkK32Rtu1Q[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/376-giao-vien-tai-thanh-hoa-bat-ngo-bi-cham-dut-hop-dong-a138521.html