Hành vi đổ chất thải ra môi trường bị xử lý như thế nào?


Thứ 4, 07/04/2021 | 07:34


Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, tùy vào mức độ người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, tùy vào mức độ người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp, điều tra, truy tìm đối tượng và chiếc xe tải đổ trộm hàng chục thùng phuy nghi chứa chất độc hại xuống sông Hồng.

Những thùng phuy nghi chứa hóa chất ở bờ sông Hồng. Ảnh: Công Lý

Liên quan đến vụ việc, trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN cho hay, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý là một hành vi bất hợp pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi “thải chất thải vệ sinh hầm cầu, hóa chất độc, các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường trái quy định về bảo vệ môi trường” thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

"Hoặc với hành vi “gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh” có hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng", luật sư Việt nhấn mạnh.

Theo luật sư Việt, ngoài việc bị phạt tiền thì người thực hiện hành vi vi phạm còn phải có biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.

Trong trường hợp, người thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự với “Tội gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Luật sư Mai Quốc Việt

Theo luật sư Nguyễn Viết Hưng (Công ty Luật AMI) với việc đổ trộm chất thải nguy hại, cá nhân hoặc tổ chức liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại có thể bị xử phạt hành chính về hành vi "chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường" theo Khoản 8 Điều 22 Nghị định 155/2016-NĐ-CP với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng tùy thuộc vào khối lượng chất thải nguy hại đổ ra môi trường từ 100 kg đến dưới 3.000 kg. Ngoài ra, còn có thể bị xử phạt bổ sung bằng việc đình chỉ hoạt động từ 06 - 12 tháng đối với cơ sở vi phạm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, nếu xét thấy có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 235 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người phạm tội gây ô nhiệm môi trường theo Điều 235 có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm, đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Riêng đối với pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng và cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm hoặc vĩnh viễn.

Như đã đưa tin trước đó, vào khoảng 8h ngày 14/3, nhiều người dân phát hiện một chiếc xe tải đổ trộm thùng phuy xuống sông Hồng đoạn qua thôn 1 xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nội dung dán trên 1 thùng phuy còn đọc được cho thấy cảnh báo: Có thể gây dị ứng hoặc các triệu trứng hen suyễn… phơi nhiễm kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nếu nuốt phải; Phải mang dụng cụ bảo hộ… Nếu hít phải: Chuyển nạn nhân ra nơi… Nếu gặp các triệu chứng về hô hấp: Gọi đến Trung tâm kiểm soát chất độc hoặc bác sỹ…

Người dân khu vực cho biết, đây không phải lần đầu có người đổ trộm những thùng phuy xuống sông Hồng.

Hoàng Yên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-vi-do-chat-thai-ra-moi-truong-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a315572.html