+Aa-
    Zalo

    Học đòi kinh doanh bất động sản, nữ giảng viên thành bị cáo

    ĐS&PL Quý mến cô giáo Phạm Thị Phúc, nhiều học viên làm lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng đã dành cho cô suất mua nhà chung cư giá ưu đãi. Ai ngờ, những món quà hữu hảo này đã vô

    Quý mến cô giáo Phạm Thị Phúc, nhiều học viên làm lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng đã dành cho cô suất mua nhà chung cư giá ưu đãi. Ai ngờ, những món quà hữu hảo này đã vô tình đẩy cô giáo Phúc dần trở thành kẻ lừa đảo.

    Học trò đáp lễ

    Luật sư (LS) Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng LS Hoàng Hưng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã từng tham gia nhiều vụ án hình sự đình đám. Trong số những vụ án ấy có một vụ án khiến anh trăn trở. Đó là vụ cô giáo Phạm Thị Phúc (SN 1957, trú tại phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thạc sỹ quan hệ quốc tế, nguyên giảng viên một học viện có tiếng ở Hà Nội, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    LS Hướng giọng buồn buồn kể: “Mấy năm về trước, tôi quen Phúc qua một vài người bạn. Ấn tượng ban đầu của tôi về người này là người đàn bà hiền lành, tử tế. Chị nhiều lần nhờ tôi tư vấn thủ tục mua bán nhà đất. Khi đó, thị trường bất động sản ở Hà Nội đang “sốt”. Lúc đó cô Phúc sở hữu nhiều nhà, đất ở các vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội”. Cô Phạm Thị Phúc đến với lĩnh vực kinh doanh bất động sản thật tình cờ. Trong quá trình giảng dạy, cô được nhiều học trò làm ở doanh nghiệp xây dựng ưu tiên cho mua nhà giá rẻ thuộc dự án do công ty mình làm chủ đầu tư. Mỗi lần bán được một căn hộ trao tay, cô giáo Phúc thu lãi vài trăm triệu đồng tiền chênh so với giá gốc. Được sự hậu thuẫn của các học trò thân tín, cô này giàu lên nhanh chóng.

    Hình minh họa

    “Bẵng đi một thời gian dài không gặp, một hôm, cô giáo Phúc đến Văn phòng LS Hoàng Hưng với vẻ tiều tụy. Chị cho biết, mình vừa phá sản, nhà cửa bán hết mà vẫn không trả hết được các khoản nợ lên đến cả tỷ đồng”, LS Hướng nhớ lại. Bi kịch của một nhà giáo đi buôn bất động sản bắt đầu từ khi thị trường bất động sản đóng băng, những lô đất, căn hộ chung cư mà bà Phúc đang “ôm” không bán được. Trong khi đó, tiền vay tín dụng đen cứ ngày một chồng chất. Cuối cùng, vòng xoáy kim tiền đã nhấn chìm một giảng viên được nhiều học trò kính trọng. Bằng cái tâm của một thầy cãi, LS Hoàng Văn Hướng đã nhận bào chữa miễn phí cho giảng viên đại học Phạm Thị Phúc.

    Bi kịch trí thức thành kẻ lừa đảo

    Theo tài liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng, Nguyễn Quốc Xương, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Hồng Hà) là học sinh của Phạm Thị Phúc. Cuối năm 2010, thông qua Xương, Phúc biết công ty Hồng Hà được UBND TP.Hà Nội giao chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ. Xương đưa một số tài liệu phô- tô liên quan đến dự án và hứa hẹn sẽ để Phúc đăng ký mua một số căn hộ chung cư với giá ưu đãi (thỏa thuận miệng-PV) khi dự án đủ điều kiện rao bán.

    Thực tế, Xương chưa thực hiện việc mua bán căn hộ chung cư nào với Phúc. Đồng thời, Xương cũng nói với Phúc tại giai đoạn giao cho công ty Hồng Hà thu xếp vốn không có nhà liền kề, đất liền kề, nên không hứa hẹn với Phúc về việc mua loại nhà, đất này và cũng không nhận khoản tiền nào của Phúc. Tháng 4/2012, tuy không có căn hộ chung cư hay nhà đất liền kề tại khu đô thị Việt Hưng nhưng Phúc vẫn nói với bà Nguyễn Thị H. rằng mình có quan hệ với lãnh đạo công ty Hồng Hà. Phúc nói mình được ưu đãi mua một số căn hộ chung cư và 2 suất đất xây dựng nhà liền kề tại dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng- Long Biên. Vì không có nhu cầu sử dụng nên Phúc muốn bán lại. Để bà H. tin tưởng, Phúc đưa cho bà H. xem một số giấy tờ (bản phô-tô) liên quan đến dự án đó.

    Do tin tưởng Phúc là giảng viên đại học và số giấy tờ đã xem, bà H. đã chuyển cho Phúc 1,950 tỷ đồng tiền đặt cọc mua căn hộ chung cư và đất liền kề. Phúc làm biên bản nhận tiền và ký 1 hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ chung cư và 1 hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất liền kề tại khu đô thị mới Việt Hưng. Sau đó, việc mua bán thất bại, Phúc đã phải trả cho bà H. 1 tỷ đồng. Tháng 6/2011, Phạm Thị Phúc biết bà Lê Thị T. có nhu cầu nên giới thiệu mình có khả năng mua nhà chung cư tại khu đô thị Việt Hưng (thuộc dự án giãn dân phố cổ). Phúc hẹn sau 3 tháng nhận tiền đặt cọc sẽ đưa bà T. vào ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Bà T. nhờ Phúc mua một căn hộ ở tầng 7, diện tích 78 m2, giá 15 triệu đồng/m2. Tổng giá trị căn hộ là 1,050 tỷ đồng. Ngày 10/6/2011, bà T. giao 29.300 USD (tương đương 600 triệu đồng) tiền đặt cọc mua căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng cho Phúc. Cầm tiền của bà T., Phúc sử dụng chi tiêu cá nhân, không thực hiện đúng như cam kết. Khi bà T. đòi lại tiền, Phúc viết giấy biên nhận chuyển nhượng cho bà T. một căn hộ tại khu đô thị Văn Khê do công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang làm chủ đầu tư để trừ nợ. Thực tế, Phúc chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho bà T. mà chỉ đưa một số giấy tờ (bản chính) để làm tin. Trước đó, vào tháng 6/2010, Phạm Thị Phúc đã nộp 680 triệu đồng để góp vốn mua 1 căn hộ số B1 tầng 21 tòa nhà CT2-105 thuộc dự án CT2- Usilk city- khu đô thị mới Văn Khê do công ty cổ phần Sông Đà- Nha Trang làm chủ đầu tư. Năm 2011, Phạm Thị Phúc hỏi vay tiền của anh Phạm Xuân H. (làm cùng cơ quan với con trai Phúc). Vì nể bạn, dù không có nhiều tiền mặt nhưng anh H. vẫn cho Phúc mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, để Phúc đi thế chấp bên ngoài, vay “nóng” 1 tỷ đồng. Vì không có tiền chuộc sổ đỏ, Phúc nại ra lý do để anh H. đưa tiếp 280 triệu đồng. Chờ mãi chẳng thấy sổ đỏ đâu, anh H. đòi mãi Phúc mới trả được 40 triệu đồng. Cực chẳng đã, anh H. đề nghị cơ quan công an thu hồi số tiền 240 triệu đồng Phúc chiếm đoạt... Với hành vi chiếm đoạt 3,26 tỷ đồng (đã trả được 1,070 tỷ đồng), Phạm Thị Phúc đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết thúc câu chuyện của mình,

    LS Hướng thở dài nói: “Một giáo viên giỏi trên giảng đường nhưng khi ra thương trường chưa chắc đã kinh doanh giỏi. Vì thiếu kinh nghiệm, cô giáo Phúc đã trở thành tội phạm, đánh mất sự nghiệp trồng người, đánh mất cả tự do”.

    Thiên Long

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-doi-kinh-doanh-bat-dong-san-nu-giang-vien-thanh-bi-cao-a199089.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan