Cuộc chiến cam go với tội phạm buôn lậu tuyến biên giới ngày càng liều lĩnh


Thứ 4, 22/01/2020 | 23:39


Càng gần Tết, nạn buôn bán, vận chuyển hàng cấm như: Pháo nổ, ma túy... dọc các tuyến biên giới ngày càng nóng. Điều đáng lo ngại, đối tượng phạm tội sẵn sàng chống trả l

Càng gần Tết, nạn buôn bán, vận chuyển hàng cấm như: Pháo nổ, ma túy... dọc các tuyến biên giới ngày càng nóng. Điều đáng lo ngại, đối tượng phạm tội sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Nóng vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ

Thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm khu vực biên giới, vùng biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vào 14h ngày 7/1, tại khu vực sát biên giới đối diện cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), thuộc khu Kinh tế Lằng Khằng, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào), Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (đoàn 2, cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) phối hợp với Ty An ninh tỉnh Khăm Muộn (Lào) đấu tranh thành công chuyên án QB1219L, bắt giữ 4 đối tượng người Lào (3 nữ, 1 nam), thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp, 1 xe ô tô, 10.000 Bath (tiền Thái Lan), 3 điện thoại di động và nhiều tang vật liên quan khác.

Quá trình phá án do địa hình rừng núi hiểm trở, đối tượng rất hung hãn và sử dụng vũ khí “nóng” chống trả quyết liệt để bỏ trốn vào rừng. Lực lượng phá án phải triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ chức truy đuổi sau gần 1 giờ mới bắt được các đối tượng. Lúc 3h45 ngày 8/1, tổ công tác đoàn 2 phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Bộ đội Biên phòng Kon Tum làm nhiệm vụ tại khu vực dốc Bà Phượng (thuộc thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) phát hiện xe ô tô hiệu Fortuner, biển kiểm soát 51F-719.65 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Hai đối tượng trên xe gồm: Lái xe Lê Hoàng (SN 1980, trú tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và Bùi Danh Sơn (SN 1980, trú tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

Đối tượng người Lào vận chuyển ma túy bị Biên phòng Quảng Trị bắt giữ. Ảnh: VOV

Tại thời điểm kiểm tra, trên xe vận chuyển 30 hộp pháo, vỏ hộp có dòng chữ KS4- 4910, tổng trọng lượng 48kg. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra người đối tượng Bùi Danh Sơn và trên ô tô, lực lượng chức năng phát hiện 5 gói ma túy tổng hợp dạng đá, trọng lượng hơn 400 gram.

Mới đây, trên Quốc lộ 9, đoạn qua xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ xe khách biển kiểm soát 15B- 13.38 chở 40 hộp pháo lậu, mỗi hộp nặng 1,2kg. Đối tượng khai nhận, mua số pháo này tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa mang ra Hà Tĩnh bán kiếm lời.

Trước khi bị bắt, lái xe này điều khiển phương tiện bỏ chạy, chống trả quyết liệt, tổ tuần tra phải truy đuổi gần 60km trong đêm tối. Khi phương tiện của tổ tuần tra vượt lên để chặn lại thì lái xe cho phương tiện húc vào chống trả.

Trả lời VOV, Trung tá Nguyễn Hữu Thủy, Trạm trưởng trạm Kiểm soát giao thông Đakrông, phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Chúng tôi xây dựng phương án cụ thể, chi tiết khi đối tượng manh động bỏ chạy thì chúng tôi phối hợp với công an các đơn vị, địa phương thông báo tình hình cho các tổ tuần tra kiểm soát liền kề để đón bắt".

Tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm như pháo lậu, ma túy, thậm chí là hàng nóng vào những ngày gần Tết dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, riêng năm 2019, đơn vị bắt giữ gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp và hàng chục kilogram ma túy đá, 46 vụ buôn bán vận chuyển pháo lậu, thu giữ 2300kg pháo các loạt.

Đáng lưu ý, cơ quan chức năng thu giữ hàng loạt súng đạn quân dụng và nhiều súng tự chế. Theo Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, đối tượng tội phạm có cả những băng nhóm người nước ngoài, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

"Thời gian gần đây, các vụ án, đường dây mà đơn vị phát hiện đều có liên quan đến yếu tố nước ngoài và xu hướng có vũ trang và chóng trả rất quyết liệt. Trong thời gian dịp Tết, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng bám địa bàn nắm tình hình nội, ngoại biên. Tuần tra kiểm soát đối với địa bàn trọng điểm”, Thiếu tá Thanh thông tin.

Gian lận thương mại gia tăng

Năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam... Trên biển vẫn là buôn lậu xăng, dầu, than... Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với năm 2018), thu nộp ngân sách Nhà nước 20.118 tỷ 258 triệu đồng (tăng gần 4%), khởi tố 1.883 vụ (tăng 30%) với 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với năm 2018). Những ngày giáp Tết, lực lượng chức năng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển căng mình trên các tuyến biên giới đất liền, biên giới biển, không quản ngại đêm tối, mưa rét, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép hàng lậu và ma túy dù các đối tượng dùng súng chống trả quyết liệt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiếp diễn tại biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... Không chỉ ở tận các tuyến biên giới, bằng mắt thường có thể thấy, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở các chợ dân sinh khiến kinh tế trong nước không thể phát triển được. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội và để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế, quốc tế, việc để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế phát triển của các doanh nghiệp và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Ninh Bình, Đồng Tháp, Ninh Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận về tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mới đây, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật pháp còn có những bất cập.

 Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động còn thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là đối với các thương hiệu hàng hóa ngoại nhập, không có nhà sản xuất tại Việt Nam để xác định.

Ngoài ra, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa được trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp.

N.G (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật Chủ nhật số 2

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-cam-go-voi-toi-pham-buon-lau-tuyen-bien-gioi-ngay-cang-lieu-linh-a308596.html