Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên thập niên 2000: Tôi gặp "ông trùm" A Lý - Phần 7


Thứ 7, 25/04/2020 | 06:55


Nhờ kế “khích tướng”, tôi đã gặp được “ông trùm” A Lý đến 2 lần để khai thác thông tin liên quan vụ nổ súng ở vũ trường Metropolis đêm 8/11/2001.

Vậy là nhờ kế “khích tướng”, đánh vào tâm lý “yêng hùng” của người trong giang hồ, tôi đã gặp được “ông trùm” A Lý đến 2 lần để khai thác thông tin tác nghiệp liên quan vụ nổ súng ở vũ trường Metropolis đêm 8/11/2001. Cho đến mãi sau này, tôi mới biết được rằng, đó là cuộc tiếp xúc cuối cùng trên đất Việt Nam với một người khác của A Lý, trước khi gã đào tẩu và mất tích luôn từ đó đến bây giờ.

Dẫn giải Năm Cam ra hầu tòa.

Cũng phải vài năm sau, khi vụ xét xử “bố già” Năm Cam và đồng bọn diễn ra, sự liên quan của một số cán bộ biến chất thuộc Công an TP.HCM (trong đó có Nguyễn Mạnh Trung - Phó phòng cảnh sát điều tra kiêm Phó thủ trưởng cơ quan điều tra) tới đường dây tội ác này - được làm rõ, nhiều tình tiết trong vụ nổ súng đó mới được “lộ sáng”. Tuy nhiên, qua cuộc trò chuyện với A Lý, tôi cũng phác họa được một bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ vừa hợp tác vừa chèn ép lẫn nhau giữa băng Trúc Liên Bang (Đài Loan) - thông qua A Lý- và tổ chức ngầm của “bố già” Năm Cam - thông qua Hồ Việt Sử.

“Ông trùm” A Lý.

Cuộc trao đổi với anh N.C.T - Trưởng phòng PA 25 Công an TP.HCM đã làm tôi vững tâm hơn khi anh nói sẽ báo cáo anh Út Măng- Phó GĐ CA TP.HCM, thủ trưởng cơ quan CSĐT về sự việc. Lời dặn của anh N.C.T: Không báo vụ việc này cho bất cứ ai khác nữa trong lực lượng Công an TP.HCM, kể cả Nguyễn Mạnh Trung và Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng CS Hình sự) cũng đã giúp tôi vượt qua nhiều rắc rối sau này.

Sức ép bất ngờ

Một ngày nữa trôi qua thật nhanh với biết bao công việc trong nghề báo, tôi không bị báo Thanh Niên khiển trách lời nào, vì đã có một bài thuộc loại “dữ” đang nằm chờ đăng, có thể vượt qua báo Tuổi Trẻ trong vòng “một nốt nhạc”. Chẳng mấy chốc, ngày hôm sau đã đến lúc bài về cuộc gặp gỡ giữa tôi và A Lý sẽ được lên khuôn, theo cam kết giữa tôi và anh N.C.T - người lãnh đạo phòng PA25 Công an TP.HCM.

Giang hồ Sài thành một thời “hô mưa gọi gió” Hồ Việt Sử (bên trái) Năm Cam (bên phải).

Buổi sáng hôm đó, trong lúc tôi đang tìm cách liên hệ với Nguyễn Mạnh Trung để nắm thêm diễn biến mới của vụ án vũ trường Metropolis, thì cậu bạn V.H.Q bên báo Tuổi Trẻ, đến tòa soạn tìm tôi, rủ tôi sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, “bào” tin về vụ án này.

Đang buồn vì không có ai đi cùng cho vui, uống cà phê, đấu láo... tôi vui vẻ nhận lời rồi 2 thằng chở nhau sang khu trại giam Chí Hòa (nơi trú đóng của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, đường Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM), vừa đi vừa nói chuyện. Tôi kể cho V.H.Q nghe việc tôi đã đi gặp A Lý ra sao, làm việc thế nào... Nghe xong, V.H.Q chửi thề rồi trách móc: “Vậy mà mầy không rủ tao đi cùng. Bây giờ chia sẻ tài liệu được không?”.

Thú thực, lúc đi gặp A Lý tôi cũng... sợ lắm, rất muốn có người đi cùng để cùng đối diện hiểm nguy, động viên tinh thần lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp. Nhưng, A Lý chỉ muốn gặp tôi một mình, và niềm đam mê nghề nghiệp, khao khát săn tìm thông tin báo chí độc quyền... đã khiến tôi vượt qua tất cả, đầu tiên là sự sợ hãi.

Tôi cười, giỡn với V.H.Q: “Thì bây giờ tao đang chia sẻ thông tin với mày đây (đang cùng đi sang Cảnh sát Điều tra với nhau). Nếu tao chia cho mày hết, mày có dám viết, đăng lên không?”.

Câu đó tôi không nói đùa. Những thông tin mà tôi nhận được trong cuộc gặp gỡ với A Lý, ngoài diễn biến hình thức của cuộc gặp ra, không thông tin nào trong cuộc trao đổi giữa chúng tôi có thể được đăng báo một cách khinh xuất, hàm hồ, không kiểm chứng trong thời điểm ấy. Thoạt nhìn, thì các sự việc, sự kiện, chi tiết... có thể kết nối với nhau một cách liền lạc, hợp logic... nhưng chưa có cái gì được chứng minh cụ thể.

Như đã nói, có những chi tiết về những nhân vật, sự kiện... tôi còn không dám ghi vào sổ tay, để phòng khi sau này phải nộp lại những nội dung ấy cho cơ quan chức năng và lúc đó một số người –trong đó có cả tôi- sẽ bị liên lụy, nếu không chứng minh được nó là sự thật.

Cơ quan báo chí không phải là Cơ quan Cảnh sát Điều tra, không có chức năng truy tìm chứng cứ để lập chứng một cách hợp pháp. Chúng tôi phải biết giới hạn của mình, vượt quá giới hạn, chưa bao giờ là điều được khuyến khích nên làm.

Trao đổi giữa tôi và V.H.Q tạm chấm dứt trước cửa phòng làm việc của anh Nguyễn Mạnh Trung, chúng tôi gõ cửa, vào, xin một cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin xung quanh vụ án đang “hót”.

Anh Nguyễn Mạnh Trung đang làm việc, nhưng cũng chỉ tay mời chúng tôi ngồi vào bộ ghế salon to, bự, dành để tiếp khách đặt ở giữa phòng.

Cũng như mấy ngày trước, câu trả lời của anh Nguyễn Mạnh Trung vẫn là: “Chưa có gì mới. Có gì anh sẽ thông tin sau!”. Lúc đó tôi đã biết A Lý là đối tượng có liên quan đến vụ án, nhưng thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra thì lại chẳng có bất cứ tiết lộ gì về nhân vật này. Ngồi nán thêm lúc nữa, trò chuyện dông dài cố gắng “moi móc” thêm thông tin chính thức, được chút nào hay chút nấy để đăng báo... Cuối cùng, tôi quyết định “tung một đòn phủ đầu” để thăm dò phản ứng của Cơ quan Cảnh sát Điều tra: “Hôm kia, em mới gặp A Lý...”.

Vừa nghe tôi “thổ lộ tâm tình”, anh Nguyễn Mạnh Trung lập tức có phản ứng, đổi ngay thái độ, nghiêm mặt: “Bao giờ thì bài trên báo Thanh Niên đăng?” “Ngày mai”- tôi đáp.

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi đã trở nên căng thẳng nhanh chóng đến không ngờ. Anh Nguyễn Mạnh Trung đề nghị tôi không được đăng bài báo vô điều kiện, sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra; còn tôi thì kiên quyết... đổ hết mọi thứ sang anh N.C.K, Tổng Biên tập báo Thanh Niên lúc bấy giờ.

Đương đầu thử thách

Trên thực tế, theo quy tắc của tòa soạn, phóng viên có quyền viết bài, nộp, nhưng không có quyền quyết định bài có được đăng hay không, quyền hạn đó nằm trong tay Tổng Biên tập, theo luật định. Bài đã rời khỏi tay phóng viên lên Ban thư ký rồi thì coi như... “không hẹn ngày trở lại”. Phóng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực trong bài viết của mình, Tổng Biên tập chịu trách nhiệm phần còn lại, nếu có điều gì xảy ra...

Anh Nguyễn Mạnh Trung chẳng xa lạ gì với quy tắc này, nhưng chẳng hiểu sao, anh quyết dồn ép, tạo áp lực cho tôi bằng câu: “Nếu Phú đăng bài báo đó, anh sẽ khởi tố em về hành vi “không tố giác tội phạm””.

Đinh ninh là mình chẳng có gì sai (vì tôi đã gặp anh N.C.T giao nộp thông tin tôi có ngay sau cuộc gặp với A Lý), nên tôi nổi nóng: “Chơi đi, anh Trung. Em mà sợ thì không còn là Hữu Phú nữa!”. Nói xong, tôi kéo V.H.Q ra về trong sự ngỡ ngàng của nó...

Quán bar nơi các thế lực giang hồ tranh giành bảo kê.

Bước ra khỏi phòng làm việc của Nguyễn Mạnh Trung khoảng 100m, vẫn còn ở trong sân của Cơ quan Cảnh sát điều tra, không kiềm được nữa, tôi móc điện thoại ra gọi luôn cho anh N.C.K, thông báo với anh rằng chắc chắn Nguyễn Mạnh Trung sẽ can thiệp vào việc đăng bài báo độc quyền ấy. Đồng thời, cho biết ý kiến riêng của tôi: “Theo em, bài báo nên được đăng tải, dù có bất cứ sự can thiệp nào...”.

Sáng hôm sau, bài báo về cuộc gặp gỡ giữa tôi và A Lý được đăng dưới bút danh là tên của con gái tôi (để đề phòng bất trắc), xô đổ mọi kỷ lục về nhuận bút của báo Thanh Niên lúc bấy giờ: 1,5 triệu đồng/ bài. Và, nó đi vào lịch sử tác nghiệp của làng báo Việt Nam như một câu chuyện nghề điển hình, một sự cố mà bất cứ phóng viên điều tra nào cũng có thể gặp phải trong cuộc đời cầm bút của họ.

Lúc bài báo được đăng, nói thẳng ra là nó không gây tiếng vang lắm dù thuộc loại “hàng độc” (độc quyền), vì người ký tên dưới bài báo không phải là Hữu Phú, phóng viên nội chính báo Thanh Niên (tên tác giả cũng rất quan trọng), mà chỉ như một cú rượt đuổi ngoạn mục, “san bằng tỉ số, vượt lên dẫn trước” giữa báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ trong việc đeo đuổi, phanh phui vụ án giết người tại vũ trường Metropolis trong mắt bạn đọc.

Tiếng tăm của bài báo này đến vào thời gian sau, khi sự việc tưởng chừng như đã chìm vào trong quên lãng...

Cơ quan báo chí không phải là Cơ quan Cảnh sát Điều tra, không có chức năng truy tìm chứng cứ để lập chứng một cách hợp pháp. Chúng tôi phải biết giới hạn của mình, vượt quá giới hạn, chưa bao giờ là điều được khuyến khích nên làm. Khi bài báo được đăng, nó đi vào lịch sử tác nghiệp của làng báo Việt Nam như một câu chuyện nghề điển hình, một sự cố mà bất cứ phóng viên điều tra nào cũng có thể gặp phải trong cuộc đời cầm bút của họ.

Hữu Phú

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (63)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-chuyen-doi-cua-phong-vien-thap-nien-2000-toi-gap-ong-trum-a-ly---phan-7-a320996.html