Trần tình của người cha chém con ruột đến chết


Thứ 5, 21/08/2014 | 23:22


(ĐSPL) - Suốt nhiều năm ròng hai cha con xảy ra mâu thuẫn, trong lúc có men rượu người cha lẻn vào chòi rẫy sát hại con và làm bị thương một người láng giềng.

(ĐSPL) - Suốt nhiều năm ròng hai cha con xảy ra mâu thuẫn, trong lúc có men rượu người cha lẻn vào chòi rẫy sát hại con và làm bị thương một người láng giềng.
Đêm kinh hoàng trong chòi rẫy
Ngày 21/8, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hoàng Văn Thế (SN 1963, trú thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) về hành vi Giết người. Điều đáng nói “hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng bị cáo lại làm điều ngược lại với con ruột Hoàng Minh Đông (SN 1986).
 - Trần tình của người cha chém con ruột đến chết
Bị cáo Thế tại phiên tòa.
Lầm lũi bước đến vành móng ngựa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vào lúc 0h ngày 2/10/2013, Thế mang theo con dao phay và điều khiển xe Dream biển kiểm soát 93T9 – 5669 chạy vào chòi rẫy của gia đình ở thôn Cây Da. Lúc này, Đông đang ngủ cùng bạn là Hoàng Văn Triệu trong chòi. Thế dừng xe cách chòi khoảng 100 mét, sau đó đi bộ vào chòi rồi dùng đèn của chiếc điện thoại di động soi để tìm Đông.
Phát hiện có người vào chòi, Đông hỏi: “Ai vậy”, nghe tiếng và biết được vị trí của Đông nằm, Thế tắt đèn bỏ điện thoại vào túi. Sau đó, dùng dao chém nhiều nhát vào vùng đầu của Đông. Bị chém, Đông và Triệu vùng dậy chạy lao về phía Thế. Thế tiếp tục dùng dao chém liên tục vè phía trước trúng vào tay và đùi của Triệu. Đông bỏ chạy ra cách chòi 7 mét thì ngã gục xuống, kêu: “Triệu ơi cứu tao”.
Nghe tiếng kêu, Thế tiếp tục chạy đến dùng đèn rọi vào mặt rồi chém nhiều nhát vào mặt, cổ và bụng cho đến lúc đứa con nằm bất động. Biết Đông đã tử vong, Thế cầm dao lấy xe đi về nhà tắm rồi đi ngủ. Còn Hoàng Văn Triệu chạy ra vườn mì cách 43m sau đó điện thoại cho người thân đưa đi cấp cứu. Về phần hung thủ, vào lúc 6h ngày 30 sáng hôm sau đến công an xã Phú Văn đầu thú và giao nộp con dao gây án.
Ký ức buồn cha con “không đội trời chung”
Thế sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân người Tày thuộc tỉnh Cao Bằng. Lam lũ từ tấm bé, suốt ngày quần quật trên các nương đồi của gia đình, lớn lên, Thế theo người thân vào đất Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Trên vùng đất mới được vài năm thì gặp cô gái Nông Thị Vẻ. Họ nên nghĩa vợ chồng và có đủ ba mặt con, cả trai lẫn gái. Đông là con trai đầu lòng, được vợ chồng nghèo gửi gắm bao hy vọng. Sinh sống được 12 năm ở Đồng Nai, gia đình chuyển đến xã Bom Bo để lập nghiệp, vợ chồng mua được vài sào đất rồi phát rẫy để canh tác.
Những đứa con cũng được đến trường, nhưng dang dở hơn chúng bạn, đang cấp 2 thì bỏ ngang. Bù lại, do chăm chỉ làm lụng nên cuộc sống của gia đình cũng mau chóng ổn định. Ngày nào cũng vậy, cả gia đình lên nương từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới trở về nhà. Những lúc không vướng bận trên nương, họ lại đi làm thuê cho các hộ trong vùng. Cuộc sống lặng lẽ trôi đi nơi vùng quê hẻo lánh ấy. Đó cũng là quãng thời gian hạnh phúc và bình yên của gia đình ông Thế.
Khi có chút vốn liếng, hai vợ chồng quyết định mua đất ven đường để cất nhà. Hy vọng một mái nhà kiên cố để lấy nơi che mưa nắng. Nào ngờ vừa dựng căn nhà mới, tai họa bỗng dưng ập xuống. Ông Thế bản tính hiền lành nhưng có thói quen uống rượu. Mỗi khi có chén thường không đúng mực trước mặt vợ con. Vì vậy, ba đứa con thường phớt lờ mỗi khi được dạy bảo. Đông là đứa kịch liệt phản đối nhất mỗi khi cha rượu say. Đông ương bướng sẵn sàng đốp chát lại cha mình.
Vì vậy mà không khí gia đình luôn căng thẳng. Đông khuyên cha nên uống ít rượu bia. Cho rằng đứa con hỗn láo dám dạy đời mình nên ông ấy chửi mắng. Cứ mỗi khi say là cha con xảy ra xung đột. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, vào đêm một ngày cách đây 6 năm, sau khi đi nhậu về, hai cha con tiếp tục cãi lộn. Sau đó, chờ ông Thế ngủ say, Đông liền châm lửa đốt nhà. Vụ cháy khiến ông Thế phỏng nặng phải xuống Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhiều tháng ròng. Vì là người trong nhà nên gia đình không báo lên chính quyền đề nghị xử lý. Sau lần đó, vì sợ cha nên Đông xin tiền mẹ về Bắc lánh mặt. Tuy nhiên bà Vẻ không cho Đông liền đánh mẹ gãy xương sườn.
Chuyện đó tưởng như quên lãng khi không ai còn muốn nhắc nữa. Hai cha con vẫn đi làm cùng, sống với nhau trong một mái nhà. Thi thoảng cha con lại xô xát, nhất là khi say. Chuyện đó trở thành cơm bữa. Không thể chung sống cùng nhau, Đông bỏ đi làm thuê khắp nơi, lúc thì Đắc Nông, Đắc Lắc, khi thì Sài Gòn, Đồng Nai.
Lâu lâu mới trở về nhà, nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng cha con lại xảy ra chuyện. Nhiều năm ròng, người cha vẫn giữ mối thù hằn đứa con từng có ý định giết mình. Một năm sau ngày xảy ra vụ cháy, gia đình chuyển về thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) sinh sống. Vợ chồng vẫn lấy nghề trồng điều, cao su để sinh sống. Còn Đông đi làm thuê thi thoảng mới về nhà. Ba tháng trước ngày xảy ra án mạng, Đông về nhà ở hẳn và có ý định đòi cha phân chia tài sản. Vợ chồng ông Thế đợi con có vợ rồi chia cho 1 ha để làm ăn sinh sống. Tuy nhiên Đông không chịu nên giữa hai cha con thường xảy ra cãi lộn.
Tuy vậy, trong thâm tâm ông Thế rất thương con. Khi Đông làm chòi trong rẫy ông Thế cũng hay mang cơm và đồ ăn đến. Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện chia đất thì hai cha con lại xô xát. Có lần Đông vác dao rượt đuổi cha ra khỏi nương rẫy khiến ông Thế vô cùng tức giận. Đông còn để sẵn một con dao để đối phó mỗi khi gặp cha mình. Đêm kinh hoàng trong chòi rẫy, ông Thế cầm dao sát hại con. Đồng thời gây thương tích 36\% cho người láng giềng là Hoàng Văn Triệu.
Nước mắt người ở lại …
Phiên xét xử diễn ra trong không khí vắng lặng, buồn bã. Đến dự phiên tòa chỉ một số người thân của bị cáo lẫn bị hại. Trước vành móng ngựa, bị cáo Thế đồng ý với cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước truy tố. Được hỏi về nguyên nhân sát hại con ruột, bị cáo cho biết: "Do nó hỗn láo, nhiều lần chửi mắng, đánh đập cha mẹ. Quá quắt hơn Đông còn dọa giết tôi là người có công sinh thành và dưỡng dục nó. Trong lúc có rượu, cơn giận bùng lên không thể kiềm chế được bản thân nên tìm con mình sát hại”.
Bị cáo cho biết, trong thời gian tạm giam chờ ngày phán xét của pháp luật cũng suy nghĩ rất nhiều về hành vi của mình. Thế nhận ra rằng cho dù đứa con có lỗi, nhưng việc sát hại con ruột là hành vi sai trái. “Bị cáo giận quá mất khôn. Bị cáo biết hành vi của mình sẽ bị trừng trị thích đáng, chỉ mong HĐXX giảm án để sớm trở về với gia đình”.
Vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, nêu quan điểm: Hành vi của bị cáo Thế có tính chất côn đồ hung hãn. Bị cáo dùng hung khí chém nhiều nhát tước đoạt sinh mạng của bị hại, đồng thời gây thương tích nghiêm trọng cho một bị hại khác. “Bị cáo là cha lẽ ra phải tìm cách khuyên bảo, răn dạy giáo dục con cái. Khi để xảy ra mâu thuẫn bị cáo lại bất lực không có hướng giải quyết đúng đắn . Vì vậy, mâu thuẫn kéo dài khiến giữa 2 cha con được đẩy lên đến mức độ thù hằn. Có nhiều cách xử lí, nhưng bị cáo lại chọn “con đường” bế tắc nhất là sát hại con ruột”, vị đại diện VKS phân tích.
VKS cho rằng, vụ việc Đông đốt cha trong chòi rẫy vào năm 2008, UBND xã Bom Bo, Công an huyện Bù Đăng chưa làm tròn trách nhiệm. Nên, về mặt pháp luật chưa được xử lý răn đe ngay từ đầu, khiến mâu thuẫn dai dẳng xảy ra suốt thời gian dài. Hệ quả là bị cáo Thế ra tay tước đoạt mạng sống của con mình. Xét thấy hành vi của bị cáo có mức độ nguy hiểm, cần cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục cũng là để phòng ngừa và răn đe chung. Đại diện VKS đề nghị mức án từ 13 – 14 năm.
Luật sư Ngô Quốc Chiến (Trưởng văn phòng Luật sư Quốc Tế thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) bào chữa cho bị cáo, nêu quan điểm: Trong vụ án, người bị hại là Hoàng Minh Đông có một phần lỗi. Là con nhưng trong cuộc sống hằng ngày thường chửi mắng, đe dọa đánh đập cha mẹ. Đông cũng một lần lựa lúc cha rượu say đốt chòi rẫy khiến ông Thế thương tật 51\%. Vì tình cha con nên ông Thế đã bỏ qua, nhưng Đông không biết ăn năn hối lỗi. “Đông là con nhưng bất kính, đối xử ngược đãi với người sinh ra mình. Trước lúc xảy ra án mạng, Đông nhiều lần có hành vi cầm gậy rượt đuổi đánh cha. Thậm chí còn dọa giết bị cáo Thế”.
“Bị cáo là người đồng bào dân tộc am hiểu pháp luật hạn chế, thực hiện hành vi phạm tội trong lúc tinh thần bị kích động cao độ. Sau gây ra vụ việc, bị cáo ăn năn hối lỗi, gia đình bị cáo cũng đã khắc phục bồi thường cho bị hại. Vì vậy, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án thấp nhất trong khung hình phạt ”.
Có mặt tại phiên tòa, bà Nông Thị Vẻ cùng lúc vừa đại diện cho bị cáo lẫn bị hại có lẽ là người đau đớn nhất. Người phụ nữ dường như già đi so với tuổi của mình. Bà tâm sự: “Xưa nay hổ dữ không ăn thịt con. Có ai ngờ ông ấy tự tay sát hại đứa con đứt ruột đẻ ra. Vừa làm đại diện cho bị cáo lẫn bị hại là điều chẳng ai muốn. Cứ mỗi lần nhắc đến là ruột gan tôi đau nhói”.
Trước tòa, bà không yêu cầu gì thêm, chỉ xin HĐXX giảm án cho người chồng lầm lỗi để sớm trở về với gia đình. Một năm sau ngày tai họa, gánh nặng đang đổ dồn lên vài người đàn bà đau khổ. Làm lụng quanh năm suốt tháng trên nương rẫy của gia đình, hết mùa vụ ai kêu gì làm nấy, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ. “Người ta gọi gì thì làm đó, hết xịt thuốc cho điều lại đi bốc mủ cao su, nhổ cỏ mì. Có chiếc xe gắn máy dùng để di chuyển, nhưng do ông ấy dùng đi vào rẫy gây án nên vẫn đang bị công an giữ. Nếu đi đâu cũng phải nhờ mượn, hoặc thuê người khác”, bà chia sẻ.
Người phụ nữ nghèo cũng đã vắt kiệt nước mắt khóc cho nỗi đau con chết, chồng ngồi tù. Rồi một mình còng lưng làm thuê để có tiền thăm nuôi và bồi thường cho gia đình bị hại. Cũng vì nghèo khó nên bà mới bồi thường cho người láng giềng bị chồng gây thương tích 10 triệu đồng. “Vì quá nghèo nên người ta cũng thông cảm không làm khó. Lúc nào có thì trả cho họ, người nhà mình gây ra thì phải chịu”, bà nói. Tại tòa, người bị hại là Hoàng Văn Triệu cũng không yêu cầu gì thêm, đồng thơi mong muốn HĐXX giảm án cho bị cáo.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Thế 13 năm tù giam về tội Giết người. Đồng thời, gia đình bị cáo có trách nhiệm bồi thường 69 triệu đồng do gây ra thương tích cho bị hại Hoàng Văn Triệu.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-tinh-cua-nguoi-cha-chem-con-ruot-den-chet-a47389.html