Khám xét Nhật Cường Mobile không liên quan đến các vụ nhập lậu điện thoại từng bị bắt?


Thứ 5, 09/05/2019 | 12:18


Cùng sự kiện

Theo cơ quan chức năng, việc khám xét Nhật Cường Mobile do Bộ Công an xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đó.

Theo đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại, việc khám xét Nhật Cường Mobile do Bộ Công an xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đây của lực lượng 389 quốc gia.

Như đã đưa tin, ngày 9/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đồng loạt tiến hành khám xét trụ sở chính của Nhật Cường Mobile tại số 33 phố Lý Quốc Sư và một số cửa hàng khác nằm trên địa bàn Hà Nội.

Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục khám xét tại tòa nhà West Lake (162 đường Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi được cho là nơi ở của một trong những lãnh đạo Nhật Cường Mobile.

Lực lượng công an khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường Mobile tại Hà Nội. Ảnh: Người Đưa Tin

Vậy tại sao Nhật Cường Mobile lại bị khám xét? Đó chính là nỗi băn khoăn của rất nhiều người tiêu dùng. Bởi Nhật Cường Mobile được biết đến là một trong những hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn trên cả nước.

Trao đổi về vấn đề này với báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết vụ việc vẫn đang được làm rõ, hiện chưa có báo cáo. Khi nào có thông tin chính thức, Bộ sẽ cung cấp sau.

Trong khi đó, một lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), cho hay có nhận được thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) về việc khám xét chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ lý do vì sao khám xét.

Dù vậy, vị này cho rằng vụ việc chắc chắn đã được C03 xác minh trong một thời gian dài, đã có đủ căn cứ để thực hiện các động thái tố tụng như trong sáng nay.

Website bán hàng của Nhật Cường mobile.

Cũng liên quan đến vụ việc, xác minh với báo Tiền Phong, đại diện Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cho hay, chuyên án này do C03 Bộ Công an xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đây của lực lượng 389 quốc gia.

Được biết, thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ những lô điện thoại rất “khủng” đước xác định không rõ nguồn gốc.

Gần đây nhất, lúc 22h30 ngày 19/1, Cục C03 đã bắt quả tang đối tượng Đặng Đức Thịnh (SN 1989, thường trú Quảng Ninh) đi chuyến bay VN415 từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về Nội Bài, nhập lậu 856 điện thoại Samsung và Iphone. Vụ việc được phát hiện tại khu vực công cộng của ga đến, nhà ga hành khách quốc tế T2, Nội Bài.

Cuối tháng 9/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) cũng tạm giữ lô hàng hơn 250 điện thoại iPhone XS trong hành lý xách tay của 4 hành khách từ Mỹ về Việt Nam. Các hành khách này không xuất trình được giấy đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 6,5 tỉ đồng.

250 iPhone XS bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) tạm giữ trong hành lý xách tay của 4 hành khách từ Mỹ về Việt Nam cuối tháng 9/2018. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, qua rà soát, Nhật Cường mobile không có hoạt động nhập khẩu điện thoại qua địa phương này. Đồng thời, họ cũng không liên quan tới vụ bắt 250 chiếc iPhone XS tháng 9/2018.

Còn lãnh đạo Cục Hải quan TP Hà Nội cho biết, vụ nhập lậu 856 điện thoại Samsung và iPhone do C03 phát hiện và bắt giữ, hiện họ vẫn đang điều tra, đơn vị không được cung cấp thêm thông tin gì về vụ việc này.

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-xet-nhat-cuong-mobile-khong-lien-quan-den-cac-vu-nhap-lau-dien-thoai-tung-bi-bat-a274697.html