Bị kết án tử, bị cáo hoảng sợ kêu oan, khai...nhận tội thay bạn


Thứ 6, 06/06/2014 | 12:15


(ĐSPL) - Không ngờ mình phải nhận án tử hình, Đàm Phạm Hoài Nam (SN 1987), trú ở Nam Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) mới kêu oan, khai nhận mình đã nhận tội thay cho bạn.

(ĐSPL) - Không ngờ mình phải nhận án tử hình, Đàm Phạm Hoài Nam (SN 1987), trú ở Nam Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) mới kêu oan, khai nhận mình đã nhận tội thay cho bạn chỉ để mẹ và anh trai có được cuộc sống đầy đủ.
Đi tù để mẹ và anh trai được sống sung sướng?
Theo cáo trạng, vào khoảng 23h30 ngày 5/10/2011, tại quán bar Hoàng Đế ở tiểu khu 1, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) cho rằng, trong lúc đi vệ sinh, anh Nguyễn Hoài Nam đã để nước tiểu bắn vào người mình, Trần Ngọc Huy cầm ly thủy tinh đi qua bàn của nhóm anh Nguyễn Hoài Nam đánh vào đầu của anh này. 
Khi bảo vệ đến can ngăn, Huy tiếp tục ném ly sang bàn của nhóm thanh niên trên, làm anh Nam bị thương phải đưa đi bệnh viện để băng bó. Thấy bức xúc thay bạn, Lý Đức T. đi cùng nhóm với anh Nguyễn Hoài Nam to tiếng đòi đánh lại nhóm Trần Ngọc Huy. Một lúc sau, khi T. đi ra cổng thì bị Đàm Phạm Hoài Nam, Lê Xuân Tiến và Huy đến gây sự. Khi T. bỏ chạy,  Nam đã đuổi theo, rút dao đâm một nhát vào ngực trái và đâm tiếp ba nhát vào người thanh niên này gây thủng tim và phổi. Sau những nhát đâm chí mạng, anh T. gục ngay tại chỗ. Gây án xong, Nam, Huy và Lê Xuân Tiến tìm nhà nghỉ Thảo Trang để ẩn náu. Sáng hôm sau, nghe tin anh T. chết, Nam và Huy đã đến công an đầu thú
Bị kết án tử, bị cáo hoảng sợ kêu oan khai đã...nhận tội thay bạn
Ảnh minh họa.
Trong lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Đàm Phạm Hoài Nam đều nhận là mình đã đuổi theo và dùng dao đâm nạn nhân Lý Đức T. nhiều nhát bằng dao Thái Lan mang sẵn trong người. Do bị cáo đã nhận tội nên cơ quan điều tra nhanh chóng kết luận và phiên tòa sơ thẩm được diễn ra. Ngày 9/5/2012, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên Đàm Phạm Hoài Nam lãnh án tử hình vì tội giết người. Tuy nhiên, sau khi phiên tòa kết thúc, Đàm Phạm Hoài Nam mới kêu oan cho rằng: Bị cáo không ngờ mức án lại quá nặng như vậy và thỏa thuận giữa Nam, Trần Ngọc Huy với Lê Xuân Tiến không giống như bản án hôm nay. Bản thân Nam không đáng phải nhận mức án quá nặng như thế. Đến lúc này, Nam mới dám khai ra sự thật là mình đã nhận tội thay bạn.
Ngày 18/5/2012, Đàm Phạm Hoài Nam đã làm đơn kháng cáo kêu oan và khai rằng, chính Lê Xuân Tiến mới là người cầm dao đâm anh T., còn Nam chỉ đứng ra nhận tội thay. Theo lời khai của Nam, do hoảng sợ sau khi gây án xong, ba đối tượng Đàm Phạm Hoài Nam, Trần Ngọc Huy, Lê Xuân Tiến liền vào nhà nghỉ Thảo Trang ở phường Nam Lý ẩn náu, nhưng lo sợ sự truy đuổi của công an nên cả ba chuyển về nhà nghỉ Hạ Đông ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới). Tại đây, cả ba cùng bàn bạc và thống nhất lời khai trước khi ra đầu thú. Do Nam có hoàn cảnh gia đình nghèo nhất nên sẽ là người nhận hết tội, đổi lại Tiến và Huy ở ngoài sẽ phải chạy án cho Nam, để hắn chỉ phải chịu  mức án 7-10 năm tù. Đồng thời, hai người này phải có trách nhiệm lo cho cuộc sống của mẹ và anh trai Nam đầy đủ.
Nhưng mọi việc không đúng như thỏa thuận, Tiến và Huy không những không chạy án cho Nam, mà bị cáo này còn phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Đối diện với án tử, Đàm Phạm Hoài Nam đã quyết định khai lại toàn bộ sự thật để minh oan cho mình.
Ba lần làm đơn kháng cáo
Ngày 30/8/2012, TAND tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm sau khi nhận được đơn kháng cáo của Đàm Phạm Hoài Nam. Tòa đã quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm ngày 9/5/2012 của TAND tỉnh Quảng Bình để điều tra lại, do nhận thấy lời khai của bị cáo có nhiều cơ sở để tin cậy. Thế nhưng, sau khi điều tra lại và tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Quảng Bình vẫn áp dụng các điều khoản như đã xét xử ở phiên sơ thẩm lần một và tuyên Đàm Phạm Hoài Nam tử hình về tội giết người.
Vẫn chưa thể đồng ý mức án mà TAND tỉnh Quảng Bình tuyên, ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Đàm Phạm Hoài Nam tiếp tục làm đơn kháng cáo kêu oan. Nam cho rằng mình đã dùng dây nịt đánh anh T. còn Lê Xuân Tiến mới là người dùng dao đâm chết T.. Trần Ngọc Huy cũng có liên quan đến cái chết của nạn nhân vì Huy là người gây sự đánh anh T. đầu tiên. Trong khi Lê Xuân Tiến và Trần Ngọc Huy bị cơ quan điều tra bỏ qua, không đưa vào hồ sơ vụ án. Ngày 19/8/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của Đàm Phạm Hoài Nam và giữ nguyên bản án sơ thẩm, do không tìm thấy tình tiết mới để thay đổi tội danh.
Bị kết án tử, bị cáo hoảng sợ kêu oan khai đã...nhận tội thay bạn
Bị cáo Đàm Phạm Hoài Nam trong vành móng ngựa.
Liệu có còn hy vọng?
Đang trong quá trình chờ đợi ngày lên pháp trường và mọi hy vọng tưởng như đã hết, vậy nhưng, ngày 28/4/2014, Chánh án TAND tối cao đã ra Quyết định 25/2014/KN-HS kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm nói trên để điều tra lại. Bản kháng nghị cho rằng vẫn còn nhiều chi tiết trong quá trình điều tra có nhiều mâu thuẫn.
Lật lại hồ sơ vụ án cho thấy, các lời khai nhận của Đàm Phạm Hoài Nam lúc ra đầu thú đều nhận mình là người dùng dao đâm anh Lý Đức T.. Tuy nhiên, lời khai về tư thế đâm của Đàm Phạm Hoài Nam chưa khớp với dấu vết trên tử thi của nạn nhân. Về hung khí gây án là con dao, theo lời khai ban đầu của Nam khi nhận tội là đã dùng dao Thái Lan có cán nhựa màu đen nhưng khi điều tra, Nam khai Tiến dùng dao bấm đâm anh T.. Con dao này do Nam cho Tiến mượn. Cơ quan điều tra không thu giữ được con dao và cũng không giám định làm rõ vết thương trên tử thi có phù hợp với con dao Nam khai hay không. Điều này đã bị cơ quan điều tra bỏ qua do Đàm Phạm Hoài Nam nhận tội ngay sau khi xảy ra vụ án nên cơ quan điều tra đã nhanh chóng khép lại vụ án mà không làm rõ.
Ngay cả lời khai của người làm chứng Lê Huy Cường cũng chưa nhất quán. Lời khai đầu tiên, lúc đó anh Cường thấy Nam, Huy và một thanh niên đuổi theo anh T., khi anh T. ngã thì cả ba cùng vây lại đánh. Các lời khai những ngày sau đó của anh Cường cũng đã có thay đổi về khoảng cách và vị trí của những đối tượng trên. Rõ ràng lời khai của nhân chứng thiếu thống nhất và còn nhiều nghi vấn, nhưng vẫn được tòa xem xét tình tiết đáng tin cậy. Và cơ quan điều tra đã không dựng lại hiện trường để xác định khoảng cách mà người làm chứng chứng kiến cũng như khẳng định sự chắc chắn của người làm chứng.
Câu hỏi đặt ra là Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao liệu có giúp những lời kêu oan của Đàm Phạm Hoài Nam được làm sáng tỏ? Và đây có phải là cơ hội để Đàm Phạm Hoài Nam tìm ra được sự thật đằng sau những lời nhận tội như trước đây hay không? Liệu cơ quan điều tra có đang bỏ lọt tội của các nghi phạm liên quan hay không? Khi có rất nhiều tình tiết của vụ án bị bỏ qua hoặc chưa được chứng minh làm rõ. Hay đơn giản chỉ là những lời kêu oan, để kéo dài cuộc sống của các tử tù vẫn thường làm khi phải đối diện với cái chết? Dù có lý do nào đi chăng nữa thì việc Đàm Phạm Hoài Nam làm đơn kháng cáo cũng là điều đương nhiên, vì không những giúp Nam có thêm những ngày tháng dù là rất ngắn ngủi còn lại trong đời, mà còn là cơ hội lớn để mở toang cánh cửa cuộc sống của Nam khi những lời kêu oan của Nam là sự thật.
Tất cả đều nhờ sự công tâm của các cơ quan thực thi pháp luật, để những đồng phạm giết anh Lý Đức T. được đưa ra ánh sáng, chịu sự trừng trị của pháp luật và không ai phải chịu một mức án oan uổng.                   

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-ket-an-tu-bi-cao-hoang-so-keu-oan-khainhan-toi-thay-ban-a35838.html