+Aa-
    Zalo

    Bị bác kháng nghị giám đốc thẩm, vụ án Hồ Duy Hải sẽ ra sao?

    ĐS&PL Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải.

    Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, đồng nghĩa với việc bản án tử hình bị cáo có hiệu lực. Theo luật sư, hiện nay Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định trong trường hợp người bị kết án đã thi hành án thì cơ hội được minh oan vẫn có thể được thực hiện theo thủ tục tái thẩm.

    Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. (Ảnh: Vietnamnet)

    Trong các ngày từ 6-8/5/2020, TAND tối cao (trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, ở quận 5, TP.HCM) phạm tội Giết người và Cướp tài sản, xảy ra tại bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008.

    Sau 3 ngày xét xử, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm, qua đó tuyên bác toàn bộ kháng nghị của VKSND tối cao, đồng nghĩa với việc bản án tử hình Hồ Duy Hải có hiệu lực.

    Từ phán quyết này, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu người bị kết án còn có cơ hội để thoát án tử?

    Trao đổi với PV ĐS&PL, Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: “Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người bị kết án không còn có cơ hội để minh oan. Hiện nay, theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự người bị kết án vẫn có thể được minh oan”.

    Luật sư Vũ Quang Bá.

    Luật sư Bá phân tích, tại Điều 404, Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

    Trường hợp không có căn cứ xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, đồng thời Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm, lúc này người bị kết án sẽ phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp người bị kết án đã thi hành án thì cơ hội được minh oan vẫn có thể được thực hiện theo thủ tục tái thẩm.

    Theo đó, tại Điều 397, Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định rõ tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

    Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong trường hợp tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

    “Như vậy, nếu xuất hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định giám đốc thẩm thì thủ tục tái thẩm vẫn sẽ được thực hiện trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”, luật sư Bá cho hay.

    Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử (cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm).

    Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải cấp xét xử mà là thủ tục xem xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp “đặc biệt”.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-bac-khang-nghi-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai-se-ra-sao-a322924.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan