+Aa-
    Zalo

    Cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng ở Hà Nội có phạm tội làm nhục người khác?

    ĐS&PL Hình ảnh học sinh ở Thường Tín, Hà Nội bị cô giáo phạt quỳ gối trong giờ học được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

    Hình ảnh học sinh ở Thường Tín, Hà Nội bị cô giáo phạt quỳ gối trong giờ học được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.  

    Sự việc cô Lê Thị Quy, giáo chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), bị đình chỉ công tác một tuần để làm rõ việc phạt học sinh quỳ trước lớp, nhận được nhiều ý kiến bình luận trên mạng.

    Trong khi nhiều người cho rằng bắt học sinh quỳ trong lớp là hình phạt không phù hợp, ảnh hưởng tâm lý học sinh, thì cũng có những ý kiến "ngày xưa bị thầy cô đánh, phạt mới nên người". Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là phạt học sinh quỳ có trong quy định của ngành giáo dục và hành động của cô giáo có bị xem là làm nhục người khác?

    Học sinh bị cô giáo phạt quỳ ở Hà Nội. Ảnh: Báo Lao Động

    Chia sẻ trên Zing.vn, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội - cho hay hiện nay, việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.

    Theo đó, chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng quyết định.

    Trong các hình thức kỷ luật đó, không có hình thức nào là bắt học sinh phải quỳ gối trước bục giảng, có những lời lẽ, hành vi mạt sát, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh.

    Giáo viên cũng không được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp học. Việc thực hiện hình thức kỷ luật phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của thông tư trên.

    Cụ thể, mục III, của thông tư số 08/TT quy định các hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.

    Như vậy, luật sư Cường cho rằng theo quy định của pháp luật, ngoài 5 hình thức kỷ luật học sinh nêu trên, giáo viên, hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường không được phép áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào khác. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh phải thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định.

    “Cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng và tự ý đuổi học sinh ra khỏi lớp là việc làm sai trái, không đúng với thẩm quyền, không đúng với hình thức kỷ luật, cũng như không tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Phòng giáo dục và hiệu trưởng của trường này cần có trách nhiệm xem xét, làm rõ hành vi của cô giáo để có những hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của luật viên chức”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.

    Cũng liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ trên báo Người Lao Động, luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo. "Hành vi này có thể xử lý kỷ luật hoặc có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", theo điều 155 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, ở trường hợp này do hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không thể xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác", chỉ có thể xử lý kỷ luật giáo viên" - luật sư Tiến nói.

    Không nên đối đầu với học sinh

    Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng nhiều giáo viên hay nóng vội, nghĩ mình "không xử ngay thì mình thua nó". "Tôi cho rằng một giáo viên giỏi phải là người không được buông xuôi, thả lỏng nhưng cũng không được xúc phạm nhân cách học trò. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy. Do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến thì rất dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục. Khi giáo viên có xung đột với học sinh sẽ phải chuyển ngay cho thầy cô chủ nhiệm hoặc lãnh đạo trường giải quyết chứ tuyệt đối không được đối đầu".

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-bat-hoc-sinh-quy-goi-truoc-buc-giang-o-ha-noi-co-pham-toi-lam-nhuc-nguoi-khac-a275080.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan