+Aa-
    Zalo

    Hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội dâm ô trẻ em, trảm tội đồ thích “nựng”

    ĐS&PL Nghị quyết mới đây của hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số điều luật liên quan đến các tội Xâm hại tình dục trẻ em đã cụ thể hóa một số hành vi, tình huống.

    Nghị quyết mới đây của hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số điều luật liên quan đến các tội Xâm hại tình dục đã cụ thể hóa một số hành vi, tình huống, từ đó hóa giải những khúc mắc khi xử lý các tội danh liên quan. Bên cạnh sự đồng tình và ủng hộ, một số chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra điểm cần chú ý để hoàn chỉnh hơn trong việc đấu tranh chống lại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em...

    Vấn nạn nhức nhối

    Mới đây, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán - TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141-147 của BLHS 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi được ban hành ngày 1/10/2019 đã nêu rõ rằng, hành vi hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội Dâm ô trẻ em.

    Với nội dung của Nghị quyết, hành vi “nựng” trẻ em trong thang máy được xác định là dâm ô.

    Cũng theo Nghị quyết này, dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi như dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi.

    Ngoài ra, việc dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi hay dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác cũng là hành vi dâm ô trẻ em. Như vậy, hành vi hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi cũng sẽ bị quy vào tội Dâm ô.

    Đại diện hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

    Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội Xâm hại tình dục như làm rõ về chủ thể phạm tội; cụ thể hóa hành vi phạm tội; mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.

    Một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này cũng được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Vì vậy, hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết này sau một thời gian dài dự thảo, lấy ý kiến.

    Theo nội dung nghị quyết này, mọi bộ phận trên cơ thể của trẻ em đều được bảo vệ một cách tuyệt đối. Nghị quyết xác định hành vi dâm ô gồm những hành vi tác động lên các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi, như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông. Đây được xem là nỗ lực tích cực nhằm nâng cao quyền bất khả xâm phạm về thân thể trẻ em, đưa trẻ em vào vòng bảo vệ an toàn nhất có thể.

    Còn nhiều dấu hỏi khi vận dụng luật

    Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, điều đầu tiên trong Nghị quyết đã liệt kê được một số khái niệm về hành vi xâm hại tình dục có vướng mắc để đưa ra những khái niệm, mô tả những đặc điểm như: Giao cấu, quan hệ tình dục khác, dâm ô, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được...

    Bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, công tác tuyên truyền để trẻ tự ý thức, tự bảo vệ mình là rất quan trọng.

    “Trong văn bản này, có lẽ nội dung quan trọng nhất là đã mô tả chi tiết hai khái niệm là “Dâm ô” và khái niệm “Quan hệ tình dục khác” để phân biệt với khái niệm “giao cấu” làm cơ sở xác định tội danh và cấu thành tội phạm. Dự thảo văn bản pháp luật mô tả rất nhiều hành vi có tính chất dâm ô theo hướng liệt kê và để ngỏ dùng dấu ba chấm (...). Văn bản này chi tiết hơn rất nhiều so với văn bản hướng dẫn trước đây đối với Bộ luật Hình sự năm 1985”, luật sư Cường đánh giá.

    Theo luật sư Cường, khái niệm “Dâm ô” mà Nghị quyết hướng dẫn đưa ra ngắn gọn nhưng tương đối chính xác, có tính chất khoa học để mô tả rằng, dâm ô là những hành vi sờ mó, nắn bóp, hôn... vào bộ phận sinh dục hoặc những vùng, khu vực dễ mang lại cảm xúc, cảm giác thậm chí còn dùng dấu... để mở rộng vị trí tác động có thể là vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nạn nhân hoặc dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc nạn nhân tiếp xúc vào bộ phận sinh dục, những vùng nhạy cảm hoặc bất cứ vị trí nào trên cơ thể đối tượng “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục” của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

    “Dù mô tả nhiều hành vi, nhiều vị trí trên cơ thể mà đối tượng có thể tác động tới nạn nhân nhưng nội dung quy định này vẫn hướng tới mục đích của hành vi là những hành vi đó phải “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục”. Như vậy, vấn đề là đối tượng sờ mó, nắn bóp, đụng chạm, cọ xát... vào đâu, vị trí nào trên cơ thể của nạn nhân không quan trọng, quan trọng là mục đích tiếp xúc cơ thể của đối tượng để làm gì?

    Nếu cơ quan bảo vệ pháp luật có căn cứ chứng minh rằng đối tượng sờ mó, nắn bóp, đụng chạm vào cơ thể nạn nhân để “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục” “mang lại cảm giác, nhằm tìm kiếm cảm giác khoái cảm về tình dục cho đối tượng thì đây là hành vi dâm ô, và khi người đã thành niên thực hiện hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị xử lý hình sự.

    Quy định như vậy là tương đối mở, dễ áp dụng, tránh trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cho rằng mình sờ chỉ vào các vị trí như bụng, đầu, mặt, cổ chứ không sờ vào bộ phận sinh dục, sờ vào để “nựng”, Th.s, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

    Còn luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng Nghị quyết đã quy định cụ thể một số hành vi như: Hôn, sờ đùi, sờ mông, đụng qua lớp áo trẻ em... đều có thể bị xử lý. Luật sư Nữ bày tỏ: “Việc quy định cụ thể từng hành vi như thế sẽ khiến những người tiến hành tố tụng dễ dàng xác định được tội danh và hành vi, tránh nhiều trường hợp có việc xâm hại xảy ra nhưng cơ quan điều tra từ chối khởi tố vì cho rằng hành vi không cấu thành”.

    Nhưng về kỹ thuật xây dựng lập quy thì chưa ổn. Việc sử dụng phương pháp liệt kê có mặt thuận lợi, tuy nhiên cũng dễ phát sinh tình huống khó xử lý một số hành vi xảy ra trong thực tế nhưng không nằm trong danh sách liệt kê. Như vậy, nếu một hành vi xâm hại tình dục khác nằm ngoài các hành vi đã được liệt kê thì các cơ quan tố tụng có dám xử lý hình sự đối tượng thực hiện không? Chưa kể, trong mục mô tả về hành vi dâm ô, dự thảo liệt kê một số bộ phận cơ thể được coi là vùng nhạy cảm.

    Nếu đối tượng không sờ, hôn, bóp vào vùng đã được liệt kê mà vào vùng khác thì sao? Đơn cử như đối tượng hôn, sờ, bóp vào vùng dái tai, cổ, bụng chẳng hạn thì có bị xem là có hành vi dâm ô không? Bởi vì trong thực tế, những vùng này cũng là vùng nhạy cảm nhưng không được liệt kê trong Nghị quyết”, luật sư Nữ nhận xét.

    Nâng cao cơ chế phối hợp bảo vệ trẻ em

    Bình luận về Nghị quyết mới của hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, điều này rất kịp thời, giúp cho công tác xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em, người dưới 18 tuổi đạt hiệu quả cao.

    “Nghị quyết giúp chúng tôi có điều kiện thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao trong luật Trẻ em. Luật quy định chúng tôi có trách nhiệm phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Bởi vậy, với những hướng dẫn cụ thể được nêu trong Nghị quyết, khi nhận được đơn thư phản ánh, chúng tôi có thể ra các văn bản cụ thể để gửi đến các cơ quan chức năng.

    Bên cạnh đó, khi nhận thấy các bản án chưa phù hợp với các tội danh, chúng tôi sẽ có các khuyến nghị đối với cơ quan tố tụng”, bà Hòa bày tỏ.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 42

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-nguoi-duoi-16-tuoi-se-bi-ket-toi-dam-o-tre-em-tram-toi-do-thich-nung-a298410.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan